Radamel Falcao - Con hổ ma mãnh trong cơn đói World Cup

Từ thiên đàng, Falcao rớt xuống địa ngục. Nhưng dưới hố sâu của tuyệt vọng, anh trở lại. Khi cơn đói cồn cào lên đến đỉnh điểm, loài hổ sẽ trở nên nguy hiểm nhất.

Mùa hè này, mãnh hổ Radamel Falcao đến đất Nga với tâm thế như vậy.Một buổi tối của đêm tháng 10, từ sân vận động quốc gia Lima (Peru), không khí đặc quánh và căng thẳng đến tột độ. Peru và Colombia rơi vào thế một mất một còn khi gặp nhau ở lượt trận cuối vòng loại World Cup 2018 khu vực Nam Mỹ.

Chỉ có một cửa duy nhất để hai đội tuyển không phải “sống mái”. Đó là họ hòa nhau và Chile phải thua Brazil thật đậm.

Phút 85 của trận đấu, mọi chuyện diễn ra theo đúng kịch bản hiếm khi xảy ra. Để rồi thủ quân Colombia, Radamel Falcao quyết định thực hiện hành động mà sau này tờ El Mercurio, tờ báo lớn nhất Chile gọi bằng cái tên đáng hổ thẹn.

“5 phút trước khi hết giờ, Falcao tiếp cận tôi. Họ đã biết rõ cục diện trận Chile. Vì thế anh ta muốn hai đội kiểm soát trận đấu theo cách cần thiết” tuyển thủ Peru, Renato Tapia xác nhận.“Kiểm soát trận đấu theo cách cần thiết” chính là dàn xếp tỷ số. Trận đấu kết thúc với tỷ số 1-1 như hai đội mong muốn. Colombia có vé đi thẳng. Peru có suất play-off với New Zealand, rồi sau đó cũng đi World Cup lần đầu tiên sau 34 năm.

Uất ức vì không thể dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, Chile - nạn nhân trực tiếp của màn dàn xếp tỷ số - kiện lên FIFA. El Mercurio, tờ báo lớn nhất Chile gọi lời đề nghị của Falcao là sự “phỉ nhổ” vào bóng đá.

Nhưng FIFA đã không thể buộc tội Falcao vì những lời nói vu vơ trong trận. Giống như cái cách anh vẫn hay lượn lờ trong vòng cấm đối thủ và tung ra những nhát dao hóc hiểm, sự ma mãnh của một chân sút Nam Mỹ khiến anh biết mình phải làm gì.

“Chúng tôi đã biết kết quả của trận đấu khác, và đó lý do tôi trao đổi với các cầu thủ Peru” Falcao thừa nhận về nghi án dàn xếp tỷ số. Người hùng dân tộc Colombia thậm chí từng bị tố gian lận tuổi, gian lận thuế và thậm chí đã bị kết án tại Tây Ban Nha.Nhưng ở Colombia, anh vẫn là một vị thánh.

World Cup 2010, Luis Suarez từng bảo mình đã dùng “bàn tay của Chúa” để giúp đất nước Uruguay lần đầu tiên vào bán kết. Người ta có lẽ chẳng bao giờ quên giọt nước mắt Ghana, bàn tay của Suarez, hay cú đá hỏng phạt đền kinh điển của Asamoah Gyan.

Suarez sau này, cũng giống như Falcao, được coi là người hùng dân tộc. Người hùng vì đã làm tất cả để thắng những trận đấu. Nơi giấc mơ của cả một dân tộc được gửi gắm.

Vì giấc mơ ấy, người ta có thể làm tất cả. Trong quá khứ cũng từng xảy ra không ít tiền lệ. Peru từng “thả” cho Argentina thắng 6-0 để đội bóng xứ Tango vượt qua Brazil tại World Cup 1978. Italy bị loại tức tưởi bởi trận hòa với đúng tỷ số 2-2 giữa Đan Mạch và Thụy Điển tại Euro 2004.

Đôi khi, giấc mơ bóng đá của một dân tộc lớn hơn tất thảy.

Nhất là khi đối với Falcao, World Cup 2018 gần như là cơ hội cuối cùng. Một chân sút từng reo giắc nỗi kinh hoàng trên khắp châu Âu, một người đã từng ghi tới 70 bàn chỉ sau 90 trận cho Atletico Madrid, trớ trêu thay, lại chưa bao giờ dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

World Cup với Falcao chứa đầy bi kịch. Từ Porto (nơi anh ghi 72 bàn sau 87 trận), Atletico Madrid (70 bàn/91 trận), AS Monaco (67 bàn/101 trận) cho đến Chelsea, Manchester United, Falcao luôn lỗi hẹn với ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Những chấn thương quái ác cướp đi của anh tất cả. Năm 2014, Colombia lần đầu tiên dự World Cup sau 16 năm, nhưng Falcao dính chấn thương dây chằng cực nặng chỉ 6 tháng trước ngày hội. “Stay Strong Tiger” - “Mạnh mẽ lên Mãnh hổ”, truyền thông Colombia phát động chiến dịch động viên người hùng dân tộc kịp hồi phục đúng hẹn.

Khi ấy, anh là cầu thủ duy nhất từng ghi tới 17 bàn ở UEFA Europa League. Thành tích vô địch Europa League hai năm liên tiếp với hai CLB khác nhau (Porto, Atletico Madrid) của Falcao cũng là vô tiền khoáng hậu.

Nhưng đã không có phép màu nào xảy ra, Falcao ngậm ngùi nhìn đồng đội dừng bước ở tứ kết. Từ đỉnh cao, Falcao rơi xuống vực. Anh ngoái đầu nhìn về nước Anh, nơi cụ nội George King của mình từng sinh ra và lớn lên, trước khi du mục đến đất Nam Mỹ.

Cụ nội của Falcao - George King, sinh ra tại phía bắc Yorkshire, nơi sản sinh ra những Herbert Chapman, Gordon Banks hay Brian Clough lừng lẫy của bóng đá Anh quốc. Năm 1932, ông chuyển tới Venezuela rồi dừng chân ở Colombia.Cha Falcao thậm chí tiết lộ mình từng xin cho con nhập quốc tịch Anh để sang chơi bóng tại châu Âu, nhưng bất thành. Xứ sở sương mù có lẽ là mảnh đất chẳng lành với Falcao. Chuỗi ngày ác mộng của anh sau World Cup 204 kéo dài thêm hai năm, ở Manchester và London.

Hai mùa giải cùng Manchester United và Chelsea biến chúa sơn lâm trở thành con mèo nhà, biến một chân sút khét tiếng trở thành kẻ ăn hại. "Van Gaal là con quỷ dữ, hắn đã khiến sự nghiệp Falcao đi xuống”, Maradona bức xúc. Cậu bé vàng bóng đá Argentina có thể đã hơi quá lời, nhưng sự nghiệp của Falcao quả thực suýt bị chôn vùi ở xứ sương mù.

Ngày Falcao ra mắt, cổ động viên Manchester United háo hức tột độ, cả Premier League run rẩy. Quỷ đỏ khi đó đang sở hữu Van Persie, Rooney, Angel di Maria và Juan Mata.

Chỉ có Van Gaal là không nở lấy một nụ cười. “Với tôi, tiền đạo 95 triệu bảng hay 5.000 bảng đều có giá trị như nhau. Họ phải chứng minh được mình với đội bóng”, lời nói của Van Gaal báo hiệu giông bão.

Có giai đoạn, Falcao bị HLV Louis van Gaal đưa xuống đội U21 Manchester United. Ở Chelsea, anh cũng chỉ ra sân 12 trận (ghi 1 bàn), chìm ngập trong chấn thương cùng nỗi thất vọng tột độ. Lúc thì là dây chằng đầu gối, lúc thì là chấn thương háng.

Trên Bleacher Report, nhà báo Andy Russell lý giải rằng chính việc Falcao quá khao khát trở lại sau mỗi chấn thương nặng khiến anh không thể nào hồi phục trở lại hoàn toàn. Khi con hổ nôn nóng vồ mồi dù móng vuốt chưa sắc, là lúc nó tự khiến mình tổn thương.

Reinaldo Merlo, thầy cũ của Falcao ở River Plate, thấm thía điều này. Trong giai đoạn khủng hoảng trầm trọng của CLB Argentina, Merlo gõ cửa phòng tay tiền đạo trẻ 19 tuổi và yêu cầu cậu ra sân 20 phút. Đáp lại lời ông thầy, Falcao tuyên bố mình có thể chơi 90 phút và đã chạy đến… chuột rút, sau khi ghi hai bàn thắng giúp đội nhà có 3 điểm.

“What doesn't kill you, makes you stronger” - “Những gì không giết chết được bạn, chỉ khiến bạn mạnh mẽ hơn”. Khi những bàn thắng được ghi, cũng là lúc mãnh hổ trở lại.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi Falcao bằng biệt danh “Mãnh hổ”. Từ những ngày chập chững bước vào sự nghiệp ở quê nhà Tunja, đến giai đoạn khó khăn ở Argentina hay Anh, anh luôn mang trong mình một quyết tâm sắt đá.“Một tinh thần chiến đấu phi thường”, bác sỹ trị liệu Eduardo Santos mô tả về Falcao trong những tháng ngày khó khăn nhất của sự nghiệp. Anh gặp vị bác sỹ người Brazil trong những ngày đầu trở lại Monaco. Râu ria bờm xờm, tóc tai dài chẳng màng cột gọn, Falcao về Monaco với tư cách một kẻ tàn phế. Bác sỹ Eduardo Santos bảo mọi thứ sẽ trở nên vô nghĩa, nếu Falcao không có nghị lực phi thường.

Anh bắt đầu lắng nghe cơ thể mình nhiều hơn. Nên nhớ rằng, những chấn thương đầu gối quái ác đã tồn tại cùng Falcao từ những năm 2008, khi anh mới bước chân vào bóng đá đỉnh cao. Khát khao quá lớn từ bố mẹ, người luôn muốn anh đi vào con đường cầu thủ chuyên nghiệp khiến Falcao phải làm tất cả.

Cái tên Falcao cũng xuất phát từ việc bố anh, từng là một cựu hậu vệ quá hâm mộ huyền thoại bóng đá Brazil - Falcao.

Chuyện gì đến phải đến. Falcao ghi 30 bàn trong 43 lần ra sân cho AS Monaco mùa đầu tiên trở lại (2015/16), cùng đội bóng xứ Công quốc quật ngã gã khổng lồ PSG để vô địch Ligue 1, và vào tới bán kết Champions League.

Cú chạm bóng nhanh như điện xẹt vào lưới CSKA Moscow đánh dấu 6 năm với 2.450 ngày mãnh hổ nổ súng trở lại ở Champions League. Cú bấm bóng thần sầu vào lưới Man City ở tứ kết Champions League cùng thời điểm đó nói lên tất cả.

Màn trình diễn tuyệt vời của Falcao trên đất Anh như một lời giáng trả đanh thép vào quá khứ: đẳng cấp là mãi mãi.

Có gì đó sai sai trong danh sách đề cử Quả bóng vàng - Ballon d'Or năm 2017? Nó chứng kiến sự trở lại của Falcao. Với một kẻ từng bị coi là tàn phế hay hết thời, lọt vào danh sách đề cử Ballon d'Or quả thực kỳ tích.

Mùa hè 2017, Falcao chấp nhận giảm sâu lương (từ 14 triệu euro mỗi mùa xuống còn 9 triệu euro) để tiếp tục gắn bó cùng Monaco đến tháng 6/2020. Trong khoảnh khắc đặt bút ký hợp đồng mới, đội trưởng Monaco nhấn mạnh về những ngày tháng sầu thảm trong cuộc đời, để rồi được CLB xứ Công quốc giang tay cứu vớt.

Tất cả chỉ để cho một mục tiêu duy nhất. Khẳng định bản thân ở những sân chơi đẳng cấp nhất của bóng đá thế giới.

Trên tờ Los Angeles Times, cây viết Kevin Baxter tin rằng với Falcao, câu chuyện của tuyển Colombia ở World Cup giờ sẽ khác. Chân sút thủ lĩnh của Colombia mang “dòng máu kẻ chinh phục”, Kevin Baxter phân tích.

Khi cơn đói cồn cào lên đến đỉnh điểm, cũng là lúc loài hổ nguy hiểm nhất. Lần đầu tiên, luôn là lần nhiều khao khát nhất. Nhất là khi Falcao giờ đã 32 tuổi.

Năm 2008, chỉ 3 năm sau ngày Falcao ra mắt, Reinaldo Merlo biết rằng ông đã giới thiệu một “Marco van Basten mới” ra thế giới. “Falcao có đầy đủ những phẩm chất của Van Basten. Một mẫu tiền đạo không thể đoán trước, với kỹ thuật, sức mạnh, cảm quan không gian và chỉ cần một nửa cơ hội để ghi bàn thắng.

Diego Simeone thì nói: “Trong vòng cấm, Falcao là một sát thủ. Không có nhiều cầu thủ làm được như cậu ấy”. Những con số không biết nói dối. Bất chấp những chấn thương nặng trong sự nghiệp, Falcao đang là cây săn bàn nhiều nhất cho đội tuyển quốc gia Colombia với 29 bàn thắng sau 73 trận.

Từ thiên đàng, Falcao rớt xuống địa ngục. Nhưng dưới hố sâu của tuyệt vọng, anh đã trở lại.

Nguyên Trí
Đồ họa: Hà My

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/radamel-falcao-con-ho-ma-manh-trong-con-doi-world-cup-post852767.html