'Rađa mù'… dự báo thời tiết, mưa bão cách nào?

Cuối năm ở miền Trung thường là mùa mưa bão, thiên tai lắm thất thường. Vì vậy, dự báo thời tiết chính xác sẽ giúp rất nhiều cho người dân phòng tránh các hậu họa. Thế nhưng, rađa thời tiết khu vực tại Nha Trang lại đang bị 'bao vây' che khuất nhiều khu vực… Vậy từ khi 'rađa bị mù' và sắp đến Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung bộ dự báo mưa bão bằng cách nào?

Phóng viên đã nêu thắc mắc đó của rất nhiều người dân cùng các vấn đề liên quan với cả giám đốc và nguyên giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung bộ (Đài KTTVNTB), thuộc Tổng cục Khí tượng thủy văn trung ương (Bộ TNMT) để được thông tin, giải thích.

Đài KTTVNTB đặt ở đường Pasteur, TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã mấy chục năm qua, từ năm 2000 mới có thêm rađa thời tiết đặt ngay trụ sở của đài.

Rađa thời tiết của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung bộ, tại đường Pasteur Nha Trang hiện nay. Ảnh: Phan Sông Ngân

“Rađa mù” có dự báo thời tiết sai không?

-Phóng viên: Thưa ông, vừa qua có một số thông tin về việc rađa của Đài KTTVNTB bị che chắn, tạo “vùng mù” đối với với rađa thời tiết. Như vậy, xin hỏi thật ông, từ khi xuất hiện “vùng mù” đó cho đến nay thì việc dự báo thời tiết, mưa của Đài KTTVNTB được thự hiện như thế nào, dựa vào đâu để tính toán dự báo hay phải “đoán mò”? Cụ thể là về trận mưa ngày 18.11.2018 tại TP Nha Trang vừa rồi có dự báo sai hay không?

Ông Đặng Văn Dũng – giám đốc Đài KTTVNTB: Rađa thời tiết của Đài KTTVNTB đã bị che khuất bởi nhiều tòa nhà, khách sạn cao tầng ở gần, tại TP Nha Trang là một thực tế có thật. Trong khi ấy, sóng của ra đa là quét theo trình ngang rồi chếch dần lên. Khi bị che chắn tầm quét sóng đó thì sẽ bị “vùng mù rađa”. Việc xuất hiện “vùng mù” không phải khiến dự báo thời tiết sẽ bị sai nhưng khả năng quét sóng của rađa đã bị giới hạn như vậy thì tất nhiên là không bao giờ nó chính xác được trong ngay chính cái “vùng mù” đó cả.

Còn việc dự báo lượng mưa vừa rồi thì không thể gọi là sai. Vì trong khí tượng nó có thuật ngữ là “sai số cho phép” và các quy định của nhà nước cũng có cho phép như vậy. Chẳng hạn, khi dự báo một lượng mưa thì có cho phép cộng hoặc trừ thêm một mức giới hạn được quy định; dự báo mực nước sông cũng vậy… Đó là người ta cho phép tính toán, đưa ra số liệu dự báo nằm trong một cái khoảng là được, chứ không phải bắt buộc phải đưa ra một cái mức chính xác, nhất định.

Ngay bản thân các thông tin thời tiết cũng đã được gọi chỉ là “dự báo” thôi mà. Tất nhiên, trong thực tế nó vẫn có những yếu tố tác động, thay đổi đến việc dự báo. Còn trong dự báo thời tiết thì dự báo trường mưa là khó nhất, so với trường nhiệt, nên lượng mưa đã được dự báo cũng ở mức tương đối thôi chứ không phải là tuyệt đối chính xác được. Đó là thực tế về dự báo với cả thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam.

-Phóng viên: Như vậy, chả lẽ gặp “vùng mù rađa” thì dự báo thời tiết chịu “bó tay” hay sao? Trong trường hợp rađa quét không được thì còn có những yếu tố nào khác để Đài KTTVNTB dựa vào để đưa ra dự báo thời tiết, mưa bão, thưa ông?

Ông Đặng Văn Dũng: Cái Rađa chỉ là một công cụ cho nhiều chính xác nhất, nói nôm na nó cũng giống như mình đi khám ở bệnh viện thì người ta có dò siêu âm nội tạng vậy. Còn cái rađa khi nó quan sát đám mây gây mưa cũng giống như vậy, quét được cái đám mây đó thì nó mới đưa ra thông số để ước lượng lượng mưa được chính xác hơn. Khi dự báo mưa trong thời đoạn ngắn thì chỉ có ra đa là chính xác nhất.

Rađa thời tiết của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung bộ, tại TP Nha Trang, đang bị nhiều nhà cao tầng che chắn tầm quét. Ảnh: Phan Sông Ngân

Tất nhiên là ngoài rađa còn có cả ảnh vệ tinh chụp những đám mây bây giờ rất là nhiều (các trang web của Mỹ, Nhật, Việt Nam, Thái lan; Campuchia; Trung Quốc…). Dựa vào những hình ảnh vệ tinh và rất nhiều thông tin khác nữa để người ta áp dụng các mô hình số trị, các phương pháp để tính toán trường mưa và đưa ra dự báo ước lượng lượng mưa…

Khi tính toán dự báo người ta sử dụng rất nhiều thông tin, dữ liệu công cụ khác nhau, trong đó có thông tin của rađa và tất nhiên có càng nhiều thông tin hỗ trợ thì việc tính toán, dự báo nó sẽ cho khả năng chính xác cao hơn.

Rađa thời tiết bị nhà cao tầng che khuất từ lâu

-Phóng viên: Rađa của Đài KTTVNTB đã bị che khuất và xuất hiện “vùng mù” từ khi nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Tấn Hương - nguyên giám đốc Đài KTTVNTB (mới nghỉ hưu từ tháng 6.2018): Việc rađa thời tiết của đài tại TP Nha Trang bị che khuất bởi nhà cao tầng là có thật và chúng tôi cũng đã kiến nghị nhiều lần rồi. Rađa bị che khuất thì từ lâu rồi, kể từ khi có những cái nhà cao hơn tầm quét của rađa, nhiều nhà cao tầng ở dọc đường Trần Phú “mọc” lên thì rađa bị che khuất rồi.

-Phóng viên: Như vậy, trong suốt thời gian dài rađa thời tiết đã bị che khuất đó, Đài KTTVNTB lấy số liệu như thế nào và làm sao để dự báo được thời tiết khi thông tin rađa bị thiếu, “bị mù”, thưa ông?

Ông Nguyễn Tấn Hương: Không phải chỉ dựa vào duy nhất thông tin rađa thu thập đó để dự báo lượng mưa đâu anh. Đấy chỉ là một trong những thông tin để dự báo thôi. Vì mình còn phải dựa vào nhiều phương pháp, dựa vào nhiều thông tin khác để kết hợp tính toán dự báo lượng mưa chứ.

Chẳng hạn, dựa vào thông tin của vệ tinh từ trên cao chụp xuống nữa thì có cái nhà nào cao mà che vướng được vệ tinh đâu. Đài KTTVNTB nhận được liên tục những hình ảnh vệ tinh của trung ương. Ngoài ra đài còn có cả hệ thống các trạm đo mưa ở Trường Sa, Song Tử Tây, Phú Quý và gần nhất là trạm Khí tượng Nha Trang, trên đường Trần Phú ở phường Vĩnh Nguyên.

Các trạm đó đo lượng mưa và các thông số kỹ thuật liên tục báo về.

-Phóng viên: Thưa ông, nếu như rađa tại TP Nha Trang “bị mù” do che khuất, thiếu đi một khoảng thông tin, vậy thì khoảng “thông tin khuyết” đó có phải là yếu tố quyết định liên quan đến việc dự báo đối với một trận mưa, chẳng hạn như trận mưa lớn ngày 18.11.2018 không? Đối với các khu vực bị che khuất đó liệu có thể xảy ra được chuyện “đoán lụi” để dự báo hay không?

Ông Nguyễn Tấn Hương: Không. Không phải đâu. Thông tin rađa chỉ là một trong những yếu tố trong số rất nhiều thông tin được đưa vào để mình dự báo thôi, chứ còn rất nhiều phương pháp khác nữa để kết hợp tính toán dự báo chứ. Do đó, nếu có “khuyết” thông tin của rađa thì nó có ảnh hưởng nhưng không nhiều. Không phải thiếu thông tin rađa thì không dự báo được. Vì anh em làm ra một bản tin dự báo thời tiết là họ phải có rất nhiều thông tin lắm, của cả trong nước và thế giới, thông tin cực kỳ nhiều. Mỗi lần làm như thế nó giống như một cuộc “hội thảo dự báo” vậy.

Do đó, nếu ai nói thiếu thông tin rađa thì dự báo sai là có thể do họ chưa dự một cuộc hội thảo dự báo đấy thôi.

Vì vậy, đừng lo “khuyết” thông tin rađa thì không dự báo được lượng mưa hoặc dự báo sai. Nếu nói thế thì không đúng, bởi nó chỉ là một yếu tố góp phần vào cho chúng ta khẳng định cái lượng mưa thôi chứ không phải vì thiếu cái đấy thì chúng tôi không dự báo được. Bởi còn rất nhiều chỗ không có luôn cả trạm rađa thì mình không dự báo hoặc không dự báo được à? Hồi trước, khi chưa có rađa thì mình vẫn dự báo, từ năm 2000 Đài KTTVNTB mới có thêm rađa, thêm công cụ để giúp cho việc dự báo như đã nêu thôi.

Xây Trạm rađa thời tiết mới trên đảo trong vịnh Nha Trang

Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung bộ Đặng Văn Dũng cho biết, dự án xây dựng Trạm rađa thời tiết Nha Trang, do Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia (tại Hà Nội) làm chủ đầu tư và đài là đơn vị phối hợp thực hiện, đang được xây dựng tại đảo Hòn Tre trên vịnh Nha Trang.

Trạm này sẽ được lắp đặt rađa thời tiết mới, công nghệ của Hà Lan, đã được chủ dự án sang tận nơi nghiệm thu để vận chuyển về VN. Khả năng phải từ giữa năm 2019 trở đi mới hoàn thành dự án, đưa vào hoạt động.

Tháng 12.2016, theo chấp thuận của Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định thu hồi 500m2 đất tại đảo Hòn Tre, do Quân chủng Hải quân tự nguyện trả lại đất; đồng thời tỉnh đã giao lại diện tích đất đó cho Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia sử dụng ổn định lâu dài để xây dựng Trạm rađa thời tiết Nha Trang.

P.S.Ngân

Phan Sông Ngân

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/rada-mu-du-bao-thoi-tiet-mua-bao-cach-nao-16866.html