Rác và dọn rác

Lan man khi đọc báo: tiết kiệm hàng nghìn tỉ đồng sau khi có quyết định 'bỏ' các chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ.

Thỉnh thoảng lại thấy giới truyền thông đưa tin: rác thải vũ trụ ngày càng nhiều.

Nước này, nước kia bắt tàu chở rác thải hạt nhân, rác thải công nghiệp đem đổ trộm hay bán kiếm lợi.

Rất nhiều sinh vật biển phàm ăn, từ loại to lớn như cá voi, cá mập, kém phát triển như loài nhuyễn thể đối mặt với nguy cơ không còn không gian sinh tồn vì rác thải đủ loại con người thải ra đại dương.

Thế giới phải họp nhiều lần giải quyết khí thải nhà kính nhưng bất thành….

Nhiều lắm.

Nhưng có một thứ rác thải cũng gây nguy hại không kém các loại rác thải kể trên mà hàng ngày ở bất cứ xó xỉnh nào trên trái đất con người cũng bị đầu độc là rác thải văn hóa nhưng lại ít được nói tới. Người ta ít thấy nhỡn tiền vì nó không gây chết người tức thời nhưng nó gây hại và giết dần tâm hồn con người thì thật khủng khiếp.

Hàng hóa được làm ra cho con người sử dụng. Có thể lúc đầu nó được đánh giá rất tốt nhưng cùng với thời gian, nó không còn phù hợp với người tạo ra nó nữa. Nó biến thành đồ cũ, không hợp thời. Người ta thải nó ra khỏi cuộc sống của mình. Nhưng với những người nghèo, “ cũ người, mới ta”, “ có dùng là tốt” đã tìm mọi cách để có được thứ hàng thải ấy để dùng và thấy mình may mắn lắm. Xe máy, tủ lạnh, điều hòa, máy giặt, quần áo second-hand… được nhập về như một chủ trương của nhà nước. Nhiều người giầu lên nhờ chính sách này. Nhiều người thấy đời đẹp lên nhờ được sử dụng những thứ đồ người ta đã thải ra ấy. Tôi cũng nhờ chính sách ấy mà có “ con” Honda đời 78 máy cối, miễn chê dùng chục năm mới bán lại. Những sản phẩm tư tưởng, văn hóa cũng vậy. Nhiều thứ không phù hợp nữa, trở thành rác thải mà nếu không dọn dẹp kịp thời chúng còn gây họa lớn hơn vì nó cứ làm cho con người loay hoay mãi giữa tốt xấu, đúng sai, độc hại hay có ích… Bỏ nó đi không giản đơn như thải loại đồ vật.

Nghe thông tin chính thống về những tư duy lỗi thời, chính sách lỗi thời trong quá trình cải cách hành chính mà hoảng. Đành rằng xã hội phát triển thì nhiều chính sách trước đó đúng, giờ lỗi thời phải loại bỏ là chuyện tất nhiên. Có thế mới xã hội mới phát triển được. Nhưng sao nhiều thứ “ lỗi thời” nhanh thế. Rất nhiều thứ “chết yểu” khi mới “ chào đời”. Có lẽ nó điển hình cho thứ rác thải của tư duy rác thải, do loại người mà ông L.Tônxtôi gọi là “ thi hài sống” nghĩ ra.

Không phải ngẫu nhiên mà cách đây mấy năm ông Chủ tịch Quốc hội bây giờ ngày ấy là Phó Thủ tướng đã phải kêu lên thống kê số liệu GDP “lạ quá”: tỉnh nào cũng tăng, ngành nào cũng tăng mà tổng của cả nước không đạt chỉ tiêu. Thì ra báo cáo gian dối, chạy theo thành tích. Ông Thủ tướng nhiệm kỳ này nói giản dị: phải nói thật, làm thật, dạy thật, học thật để có nhân tài thật. Ông nói với ngành Giáo dục thế nhưng nhìn rộng ra các ngành khác đều thấy có chuyện này. Cái bình thường, đúng, cần của một người tử tế mà phải cố sức phấn đấu mới có thì nguy hiểm và đau lòng thật. Càng đau và nguy hơn khi chuyện ấy không còn của cá nhân mà của mọi ngành, của quốc gia. Nghĩa là nó báo động về những thứ sản phẩm thải bây giờ được coi như thứ thiệt làm mục ruỗng cuộc sống của chúng ta.

Một câu hỏi nữa: rác thải ở đâu mà lắm thế? Tôi nghĩ có ở trong ta và ngoài ta. Trong ta vì nó gắn với tham sân si, với thói tư lợi. Ngoài ta vì nó gắn với môi trường trái tự nhiên, gắn với những thứ không làm cho xã hội và con người tử tế lên vì những thứ tư lợi nhưng lại được che giấu bằng cái khoác áo công tâm. Môi trường tốt sẽ kìm hãm cái xấu, đáng bị thải loại ở mỗi người. Môi trường xấu sẽ là nơi ươm mầm cho những thứ độc hại ấy nảy nòi. Một vị thức giả từ nghìn năm trước đã bảo đừng làm cái gì trái lẽ tự nhiên (vô vi cư điện các) thì sẽ có thái bình.

Người làm ra rác rồi cũng là người dọn rác. Nhưng nguy nhất lại ở chỗ anh ta không ý thức được rằng mình đang xả rác. Vẫn lại là vấn đề nhận thức thật, tư duy thật, nói và làm thật.

Phạm Quang Long

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/rac-va-don-rac-a3005.html