Rác thải và an ninh quốc gia

Trong năm 2020, người Hà Nội hai lần phải 'sống cùng rác', không khí ngộp thở, lúc đó người dân sống gần bãi rác Nam Sơn chặn xe chở rác vào bãi chôn lấp.

Trong năm 2020, người Hà Nội hai lần phải “sống cùng rác”. Rác từ nhà tràn ra ngõ, chất thành núi, mùi hôi thối bốc lên đến ngộp thở khi người dân sống gần bãi rác Nam Sơn chặn xe chở rác vào bãi chôn lấp.

Ông Nguyễn Dương Thành cùng gia đình chuyển nhà về đường Trần Hữu Dực, Hà Nội từ năm 2018. Từ phố cổ ra đây, ông Thành hy vọng có không gian thoáng mát mà không quá xa trung tâm.

Nhưng ông không thể ngờ, nhà ông nằm không xa khu tập kết rác. Hàng ngày, những xe rác chuyển đến hàng tấn rác thải hôi nồng nặc, mùi rác theo hướng gió thốc thẳng tới nhà ông.

Năm 2020, gia đình ông không thể chịu đựng được khi Hà Nội trải qua hai đợt “ngập rác”. Rác chất ngọn, kéo dài hàng km dọc theo phố Trần Hữu Dực, nước thải hôi thối chảy lênh láng ra mặt đường. Nhà ông Thành lúc nào cũng đóng kín cửa mà không thể ngăn mùi. Mùi hôi thối len lỏi trong từng hơi thở, từng bữa ăn, đến cả trong giấc ngủ.

“Bán nhà” ông Thành quyết định và ngay lập tức cả nhà đồng ý. Một lần nữa, người đàn ông hơn 50 tuổi lại di dời gia đình tìm nơi “đất lành” khác an cư.

Việc xả rác và xử lý rác thải sinh hoạt hiện đang có nhiều bất ổn.

Việc người dân hai xã Hồng Kỳ và Nam Sơn của huyện Sóc Sơn nhiều lần tập trung ngăn cản không cho xe vận chuyển rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, dẫn đến rác thải sinh hoạt ùn ứ ô nhiễm nội thành Hà Nội hơn chục lần trong các năm qua.

Việc xử lý rác nhiều bất cập đang gây ra những hệ lụy cho chính môi trường sống và tiềm ẩn bất ổn xã hội.

Nhà máy điện rác Sóc Sơn có công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày đêm và dự kiến công suất phát điện khoảng 75 MW điện/giờ

Rác tăng gấp đôi sau 10 năm

Theo Bộ Tài Nguyên và Môi trường, rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng nhất là ở các đô thị lớn, mỗi năm phát sinh thêm khoảng 25 triệu tấn, tăng gấp đôi trong 15 năm qua.

Trong số này chất thải rắn luôn là vấn đề “đau đầu” đối với các nhà quản lý. Tại các đô thị năm 2019 chất thải rắn sinh hoạt ở mức 35.624 tấn/ngày, ở nông thôn là 28.394 tấn/ngày.

Khoảng hơn 7% trên tổng số 25 triệu tấn rác thải sinh hoạt mỗi năm là rác thải nhựa. Bình quân, mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng. Riêng Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon, trong đó tỉ lệ rác được thu gom, tái chế rất thấp.

Chôn lấp vẫn là hình thức xử lý chính (71% khối lượng thugom) nhưng chỉ có khoảng 20% bãi chôn lấp là hợp vệ sinh. Điều này kéo theo vấn nạn ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp.

Chỉ tính riêng trong năm 2020, nội đô Hà Nội trải qua hai đợt ngập trong rác. Rác từ nhà tràn ra phố, chất thành ngọn bên lề những ngõ nhỏ, rác tập kết thành bãi ở những khu đất trống…

Để giải quyết tình thế, công nhân sệ sinh phủ bạt, rắc vôi vào những điểm tập kết rác tạm thời nhưng chỉ như muối bỏ bể, rỉ rác vẫn chảy ra đen xì đường phố, bốc mùi nồng nặc.

Công nghệ biến rác thành năng lượng

Thời gian qua Bộ Tài nguyên và môi trường cũng đã đề xuất phát triển và đầu tư công nghệ xử lý và định giá dịch vụ xử lý rác thải phù hợp với điều kiện Việt Nam; đẩy mạnh công tác xã hội hóa quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

Tại Hà Nội, trước tình trạng quá tải về rác thải trong khi quỹ đất ngày càng eo hẹp và nhằm giảm tỷ lệ sử dụng phương pháp chôn lấp gây ô nhiễm môi trường, từ năm 2017, TP Hà Nội đã kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn theo công nghệ hiện đại. Và Nhà máy điện rác Sóc Sơn tại Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn ra đời đáp ứng các mục tiêu trên.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội thông tin, khi dự án này được đưa vào thực hiện, chất thải rắn sinh hoạt được đưa vào đốt tại nhà máy không cần phải phân loại. Để đảm bảo tiến độ dự án đề ra, lãnh đạo Thành phố yêu cầu chủ đầu tư chậm nhất vào ngày 1/5 tới đây, đơn vị phải đưa nhà máy vào hoạt động.

Như vậy với công suất 4.000 tấn mỗi ngày được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện, nếu nhà máy được đưa vào vận hành sẽ xử lý cho Hà Nội quá nửa số rác của Thành phố (khoảng 7.000 tấn rác/ngày). Điều này vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm đất chôn lấp, an ninh trật tự nơi người dân sinh sống quanh bãi rác cũng được vãn hồi.

Nhà máy điện rác Sóc Sơn đang được gấp rút xây dựng, dự kiến hoàn thành trogn năm 2021 với tổng mức đầu tư 7.000 tỉ đồng bằng vốn nước ngoài, sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi cơ học của Bỉ

GS.TS Đặng Kim Chi – Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học- Giáo dục và Môi trường (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) cho rằng, hiện nay rác thải sinh hoạt ở các khu đô thị nói riêng và cả nước nói chung chưa phân loại ngay từ các hộ dân, trong đó, các chất thải nhựa ngày càng nhiều, gây tác động xấu, ô nhiễm môi trường nhiều năm sau.

Để bảo vệ môi trường trước những tác động tiêu cực từ rác thải sinh hoạt trong đó có rác thải rắn, GS-TS.Đặng Kim Chi cho rằng cần thiết phải có các giải pháp quản lý tổng hợp từ chính sách, quy hoạch các khu xử lý rác.

Cần phải đổi mới mọi mặt, áp dụng công nghệ xử lý rác để được xử lý triệt để, nếu phải chôn lấp thì lượng rác rất ít.Nếu không cứ chôn tất cả như thế này thì chẳng bao lâu, không còn đất mà chôn.

Rác được thu gom phải được phân loại, phần nào tái chế được thì đưa vào tái chế, phần còn lại có thể sử dụng công nghệ đốt rác phát điện, biến rác thành tài nguyên. Qua đó diện tích đất dùng để chôn lấp cũng giảm thiểu.

Từ các vấn đề nảy sinh tại Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn, Hà Nội cho thấy, xử lý rác thải không tốt không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng mỹ quan đô thị, giảm chất lượng sống của người dân mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội, an ninh quốc gia.

Xử lý tốt các vấn đề rác thải là một trong những giải pháp khiến xã hội ổn định, trật tự, nâng cao chất lượng sống và tạo nên giá trị gia tăng từ rác thải tái chế.

Công nghệ xử lý rác thải của các nước

Thụy Điển

Thụy Điển lại là một ví dụ điển hình về xử lý rác thải trên thế giới. Theo đó, chưa tới 1% rác thải ở Thụy Điển được đưa đi chôn. Trong số 4,4 triệu tấn rác thải sinh hoạt xả ra hàng năm, có tới 2,2 triệu tấn được xử lý được đốt để sản xuất điện trong chương trình mang tên biến rác thải thành năng lượng (WTE).

Rác thải được phân loại từ đầu nguồn và được chuyển tới các hệ thống xử lý khác nhau như lò đốt hoặc lò tái chế. Rác sau khi được tái chế biến thành nguồn điện để sưởi ấm trong mùa đông giá lạnh, điện sinh hoạt hàng ngày, hoặc làm khí đốt sinh học và phân bón sinh học.

Singapore

Từ năm 1979, chính quyền Singapore xây dựng nhà máy đốt rác đầu tiên trong bối cảnh sắp hết chỗ đổ rác. Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên ứng dụng hệ thống biến rác thành năng lượng sạch thông qua lò đốt khép kín giúp xử lý 90% lượng rác xả ra mỗi năm. Hiện Singapore có 4 nhà máy đốt rác.

Rác thải sẽ được cân trước khi đổ khỏi xe, dồn vào một hầm chứa đặc biệt với thiết kế ngăn mùi hôi thối thoát ra bên ngoài. Những máy nghiền được vận hành để nghiền nát những rác thải cứng rồi đưa vào lò đốt.

Đức

Năm 1950, Đức có khoảng 50.000 bãi chôn lấp rác. Đến năm 2016, con số này đã giảm xuống chỉ còn 300 và tất cả các bãi chôn lấp đều không chấp nhận rác chưa qua phân loại.

Chính phủ Đức đặt mục tiêu đến sau năm 2020 sẽ từng bước xóa bỏ tất cả các bãi chôn lấp rác hiện có, đồng thời lên kế hoạch tái chế toàn bộ lượng rác thải và biến rác thải thành năng lượng.

Ngô Huyền - Tuấn Thu

Nguồn VietnamNet: https://premium.vietnamnet.vn/cong-nghe-xu-ly-rac-thai-tao-nang-luong-sach-va-kinh-nghiem-quoc-te-n-474505.html