Rác thải sinh hoạt và ý thức người dân

Bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải, nhất là thu gom và xử lý rác thải vùng nông thôn đang là vấn đề nan giải. Lượng rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng trong khi tốc độ phát triển của hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh các giải pháp của ngành chức năng, hiệu quả bảo vệ môi trường còn phụ thuộc rất lớn vào ý thức của mỗi người dân, từ thay đổi nhận thức sẽ thay đổi được hành động.

Qua công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức rất nhiều mô hình bảo vệ môi trường ở vùng nông thôn, nhận thức của người dân về rác thải nhựa nói riêng và những hệ lụy của rác sinh hoạt nói chung khi thải ra môi trường được nâng lên. Tuy nhiên, nhiều người vẫn khó thay đổi hành vi tiêu dùng và xả thải hoặc nhận thức chưa đầy đủ về tác hại gây ra đối với môi trường sống của chính mình. Nhiều địa bàn vùng nông thôn có đường lộ hẹp, nằm cặp kênh, mương, nhà dân thưa thớt nên theo thói quen rác thải thường đổ xuống cặp bờ, bụi rậm hoặc khá hơn là xử lý bằng cách đốt, chôn lấp. Những hộ dân cất nhà sàn cặp theo kênh, mương có thói quen xả rác ngay sau nhà và cho rằng đó là môi trường riêng của gia đình, không ảnh hưởng đến ai. Đủ loại rác thải trôi nổi, lâu ngày tích tụ gây tù đọng rất ô nhiễm. Hoặc khi được vận động đăng ký thu gom rác thải, một số hộ chưa hợp tác với lý do: 1 tháng không xả rác là bao, các hộ lân cận không đóng, tự có cách xử lý riêng…

Thói quen xả rác và không xử lý vẫn còn phổ biến ở vùng nông thôn

Một năm có rất nhiều chiến dịch liên quan môi trường hoặc được tổ chức lồng ghép để thu gom, xử lý rác thải, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, nhất là ở các địa bàn đông dân cư. Ngoài việc trực tiếp vận động tại từng hộ gia đình, các tổ chức đoàn thể, như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân… đều xây dựng các mô hình vận động hội viên, tiểu thương tham gia và hỗ trợ vật dụng, phương tiện phân loại rác. Kể cả trong trường học, ý thức bảo vệ môi trường được đặc biệt quan tâm giáo dục, thực hiện các mô hình bỏ rác đúng chỗ, tái chế rác thải và xây dựng thành các phong trào sôi nổi. Sau thời gian thí điểm, nhiều địa phương đã có chuyển biến tích cực, phong trào có sức lan tỏa và tiếp tục được nhân rộng. Đặc biệt với rác thải nhựa, sau các đợt thu gom có thể gây quỹ để hỗ trợ công tác khuyến học, giúp đỡ hội viên khó khăn, tăng thêm tính thiết thực trong hành động bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện, không ít mô hình chỉ còn duy trì về mặt hình thức, không tác động mạnh mẽ, thiếu chiều sâu. Một ví dụ nhỏ là chiến dịch bảo vệ môi trường phát cho mỗi hộ dân túi đựng rác bằng nhựa sinh học để hạn chế sử dụng túi ny-lon. Sau khi sử dụng hết số túi được tặng, họ không biết tiếp tục mua loại túi này ở đâu, vì vùng quê ít bán hoặc giá cả khá cao. Còn mô hình xách giỏ nhựa đi chợ tuy đến nay vẫn được duy trì, nhưng các bà nội trợ chỉ thay thế giỏ nhựa cho 1 chiếc túi ny-lon lớn, một số thực phẩm vẫn cần đựng túi ny-lon mà không có giải pháp khác thiết thực hơn. Việc thu gom và xử lý rác thải là một vấn đề khó thực hiện triệt để, liên quan đến ý thức của người dân, cơ quan quản lý, các điều kiện thu gom, tập kết và xử lý phù hợp với từng địa bàn.

Trong xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương chậm đạt chỉ tiêu 17.5 (thu gom, xử lý chất thải, nước thải theo quy định), kể cả những xã đã đạt chuẩn, duy trì và nâng cao chỉ tiêu này là nhiệm vụ khó. Môi trường nông thôn đang chịu sức ép bởi rác thải xuống sông, rạch còn khá nhiều, trong khi ý thức một bộ phận người dân chưa được khắc phục. Ngoài ra, ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt và hoạt động sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng, chất thải rắn sinh hoạt không được gom và xử lý hợp vệ sinh…

Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của cả chính quyền địa phương và người dân. Trong đó, người dân phải đóng vai trò chủ thể, góp phần trách nhiệm đối với môi trường sống của chính mình. Các địa phương cần tích cực đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân đi kèm hành động cụ thể. Với những mô hình hướng đến mục đích bảo vệ môi trường, cần có giải pháp để duy trì và nâng cao hàng năm, tránh tình trạng xây dựng phong trào một thời gian rồi bỏ ngỏ. Nhiều địa phương đang khuyến khích nhân rộng những tuyến đường xanh - sạch - đẹp, vận động người dân tham gia thực hiện và tự quản, có trách nhiệm giữ gìn và lan tỏa trong cộng đồng.

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/rac-thai-sinh-hoat-va-y-thuc-nguoi-dan-a299291.html