Rác thải nhựa xâm chiếm Trái đất

Valery Spiridonov, nhà khoa học hàng đầu người Nga cho biết đất và đại dương của Trái đất đang nhanh chóng bị quá tải bởi các mảnh vụn nhựa.

Rác thải nhựa trong nước biển

Rác thải nhựa trong nước biển

Điều này làm ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của hệ sinh thái. Hiện trên thế giới có giải pháp nào để đối phó với tình trạng này?

Thời đại của nhựa

Thông thường những tiện ích hiện thời của nền văn minh không chỉ mang đến sự thoải mái cho con người mà còn gây ra thiệt hại không thể khắc phục cho thiên nhiên. Chỉ trong 10 năm vừa qua các sản phẩm nhựa đã sản xuất ra trên thế giới nhiều hơn cả 100 năm trước đó. Các loại bát đĩa, túi đựng, bao bì, chai lọ và các vật dụng khác mà chúng ta đang sản xuất ra hàng ngày là những loại rác nhựa phổ biến. Chỉ có 5% trong số đó được xử lý và tái sử dụng trong đời sống sinh hoạt.

Nhựa gây ra sự tổn hại nghiêm trọng cho môi trường xung quanh kể từ lúc bắt đầu sản xuất cho đến khi đã qua sử dụng. Các nhà máy sản xuất ra những sản phẩm nhựa đã thải vào khí quyển gần 400 triệu tấn dioxide carbon mỗi năm và khoảng 800 loài động vật ngày nay đang có nguy cơ bị tuyệt chủng bởi ăn phải nhựa nên bị ngộ độc.

Những chiếc túi nilon dùng một lần đủ loại đang phá hủy hệ thống thoát nước của nhiều thành phố và gây ra hiểm họa lũ lụt. Rác thải nhựa còn làm tắc nghẽn bờ biển và các khu vực ven biển vốn là nơi để nghỉ ngơi giải trí đã gây thiệt hại cho ngành du lịch. Nhựa đang có ở khắp mọi nơi trên Trái đất.

Nhựa trong lòng đất

Người ta biết rằng phải mất khoảng 200 năm nhựa mới bị phân hủy. Khi đi vào lòng đất, nhựa bị vỡ thành những hạt nhỏ và bắt đầu phát tán vào môi trường xung quanh các loại hóa chất được cho thêm vào trong quá trình sản xuất.

Đó có thể là clo, các hóa chất khác nhau như chất chống viêm độc hại hoặc chất gây ung thư đối với con người và động vật. Thông qua nước ngầm, các hạt nano nhựa cùng các hóa chất của nó ngấm vào nguồn nước gần nhất và thường dẫn đến cái chết hàng loạt của động vật.

Nhựa trong đại dương

Theo số liệu của các nhà môi trường từ Liên Hiệp Quốc, mỗi năm trong đại dương có khoảng 13 triệu tấn rác thải nhựa. Mọi nỗ lực ngăn chặn các thảm họa đã được tiến hành từ giữa thế kỷ XX. Thậm chí sau đó các nhà môi trường đã cảnh báo về sự phát triển của các “bãi rác khổng lồ”, theo ước tính hiện đang bao phủ gần 1% Thái Bình Dương.

Theo dự đoán của quỹ Anh Ellen Macartur, đến năm 2025 cứ mỗi 3kg cá trong đại dương sẽ phải gánh 1kg chất thải nhựa và đến năm 2050 thì khối lượng rác thải này sẽ lớn hơn tổng trọng lượng cá trên thế giới.

Nhựa chiếm đến 80% toàn bộ số rác ở đại dương, dưới tác động của ánh sáng mặt trời chúng sẽ vỡ thành các hạt nhỏ, các hạt nano nhựa, những chất độc hại được tích tụ dai dẳng trên bề mặt của nó.

Nhựa trong nước sinh hoạt

Các túi nhựa không bị phân hủy sẽ đi vào dạ dày của các động vật có vú và chim biển. Các nhà môi trường ước tính có hàng chục ngàn con chim cá voi, hải cẩu, rùa bị chết mỗi năm.

Động vật bị chết vì ngạt thở hoặc không thể tiêu hóa rác nhựa nên đã tích tụ trong dạ dày và cản trở hoạt động của chúng. Hậu quả là các rác thải tương tự mà chúng ta vứt ra sẽ trở lại với chúng ta trên bàn ăn trong thức ăn hoặc trong nước sinh hoạt.

Nhựa trong muối

Những nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học xác nhận rằng những mối nguy hại này là hoàn toàn thực tế. Giáo sư ĐH New York Sherry Mason lập luận rằng nhựa có mặt ở khắp mọi nơi “trong không khí, trong nước, trong hải sản, trong bia mà chúng ta vẫn uống, trong muối mà chúng ta sử dụng”.

Bà Sherry đã nghiên cứu 12 loại muối khác nhau từ các cửa hàng tạp hóa trên khắp thế giới. Các hạt nhựa được tìm cho thấy chúng liên tục được tiêu thụ trong thực phẩm của mọi nhà.

Qua tính toán cho biết người Mỹ ăn hơn 660 hạt nhựa mỗi năm với tỷ lệ hấp thụ muối trung bình là 2,3gr mỗi ngày. Hậu quả của việc sử dụng nhựa đối với sức khỏe con người cũng tiêu cực như với bất kỳ sinh vật sống nào.

Các nhà sinh thái học Tây Ban Nha cũng tìm thấy một micro nhựa trong 20 mẫu muối ăn. Thông thường chúng có trong chất polyethylene terephthalate là một loại polymer được dùng trong sản xuất chai nhựa. Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã tìm thấy các loại nhựa khác nhau như polyethylene và polypropylene trong muối.

Những khu vực trên thế giới bị ô nhiễm nặng

Trái đất tràn ngập rác thải nhựa

Theo các nhà hoạt động môi trường thì ngày nay những khu vực bị ô nhiễm nhiều trong đại dương trên thế giới là Trung Quốc, tiếp theo là các nước châu Á khác - Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Cư dân bên bờ biển ở các nước này không phải lúc nào cũng quan tâm đến việc dọn các loại rác vứt xuống biển. Tổng số sản phẩm nhựa phế thải hàng ngày ở Mỹ, EU, Na Uy và Trung Quốc là 37 nghìn tấn, riêng ở Nga là gần 10 nghìn tấn. Các công nghệ tái chế nhựa chỉ có thể giải quyết một phần vấn đề về môi trường.

Quy định lập pháp

Đề xuất của một kế hoạch tổng hợp hành động quốc tế đang được thực hiện để giải quyết vấn đề các mảnh vụn nhựa. Các chuyên gia của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) đã bảo trợ cho chiến dịch đối phó với vấn đề môi trường đang ngày càng trở nên trầm trọng.

Đã có hơn 40 quốc gia đã thiết lập pháp lý hạn chế và cấm sử dụng túi nilon trong lãnh thổ của mình. Một thí dụ tại thành phố Capanori của Italia với 46.700 người đã thực hiện một chiến dịch chống lãng phí vào năm 2007.

Sau 10 năm lượng rác thải đã giảm 40%, trong khi chỉ có 18% rác phải chôn lấp. Cần lưu ý rằng một chiến lược như vậy đòi hỏi sự đầu tư nhất định bao gồm các cơ chế tài trợ cho cuộc chiến chống rác. Ngoài ra, còn có nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Đối với một ngành công nghiệp với doanh thu hàng năm là 750 tỷ USD thì nó có thể khá hiệu quả.

Văn hóa tiêu dùng cá nhân giúp hạn chế ô nhiễm nhựa

Mỗi ngày chúng ta có thể thay thế mua nước khoáng trong lọ nhựa bằng chai thủy tinh, mua món ăn dùng một lần bọc giấy thay cho túi nhựa, tái sử dụng túi đựng để mua sắm. Mức độ nhận thức của mỗi người sẽ quyết định việc giảm rác thải nhựa và làm sạch môi trường.

Tất nhiên ý thức như vậy trong xã hội phải được duy trì trong nhiều năm. Càng ít người dùng đồ nhựa thì các nhà máy càng giảm nhanh khối lượng sản xuất sản phẩm này.

Không nên chọn nhựa dùng một lần chỉ vì giá rẻ mà thay thế bằng việc tái sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện hơn với môi trường. Theo tính toán của các nhà phân tích Anh, việc tái sử dụng bao bì nhựa sẽ tiết kiệm tới 120 tỷ USD/năm.

Việc giảm lượng sản xuất nhựa làm tăng nhu cầu tái sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường từ các nguyên liệu thô khác và sẽ có giá rẻ hơn do gia tăng sản xuất hàng loạt. Nếu làm vậy trong vài năm chúng ta có thể làm ngừng hoặc ít nhất là làm chậm lại thảm họa sinh thái.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/rac-thai-nhua-xam-chiem-trai-dat-3945487-b.html