Rác thải nhựa tấn công sự sống trong môi trường biển

Đoạn phim đầy đau thương về chú rùa bị kẹt ống hút trong mũi và phát hiện về những con cá bị bơm đầy những mảnh nhựa nhỏ trong người. Nhưng có những thương vong từ nhựa còn lớn hơn thế, theo các nhà khoa học cho biết.

Con cá mập may mắn thoát chết nhờ gặp được các nhà khoa học.

Con cá mập may mắn thoát chết nhờ gặp được các nhà khoa học.

Cá mập và cá đuối là 2 loài cũng đang phải chịu hậu quả nặng nề từ ô nhiễm nhựa. Các nhà khoa học đã đếm được hơn 1.000 trường hợp cá mập và cá đuối bị mắc vào các tảng nhựa mà con người thải ra.

Kết quả này được ghi lại trong một nghiên cứu mới được công bố vào đầu tháng tháng 7 trên tạp chí Endangered Species. Con số thực tế có lẽ còn cao hơn nhiều - nghiên cứu này chỉ bao gồm những trường hợp được báo cáo trên tạp chí khoa học và trên Twitter.

Cá mập và cá đuối có nguy cơ tuyệt chủng cao hơn hầu hết các loài động vật khác, theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) với chỉ 23% loài được xếp vào loại “ít đáng lo nhất”.

Nhựa không phải là mối đe dọa chính đối với chúng – săn bắt quá đà đặt ra một vấn đề lớn hơn. Nhưng nhựa càng làm tồi tệ hơn mối đe dọa tuyệt chủng của các loài.

Daniel Abel, nhà sinh học biển tại Đại học Duyên hải Carolina (Mỹ) đã chứng kiến những hậu quả tàn khốc của ô nhiễm nhựa.

Vào năm 2016, khi đang tiến hành nghiên cứu ở Winyah Bay, Nam Carolina, Abel và các sinh viên của mình đã kéo lên một con cá mập cát bị vướng vào dây bện bao bì nhựa. Nhựa đã cắt một vòng quanh khắp cơ thể con cá, khiến các nhà nghiên cứu kinh hoàng.

“Một cảnh tượng thật kinh hoàng đối với chúng tôi”, GS Abel trao đổi với Live Science.

Trong những năm qua, Abel đã chứng kiến ngày càng nhiều cá mập mang dấu hiệu bị thương bởi các thiết bị của con người, bao gồm cả nhựa.

Con cá mập cát mà Abel kéo lên tàu đã sống sót - nhóm của Abel đã thành công giải thoát nó khỏi sợi dây cắt vào da của nó.

Nhưng theo Abel, không phải tất cả cá mập đều may mắn như vậy. Nếu tình trạng vẫn tiếp tục như vậy trong một hoặc hai tháng nữa, dây bao bì nhựa sớm muộn sẽ cắt con cá mập này làm đôi, giết chết nó từ từ và đau đớn, theo GS Abel cho biết.

Mắc kẹt trong rác thải nhựa không phải là vấn đề mới, Chris Lowe, giám đốc của Shark Lab tại Đại học bang California, Long Beach (Mỹ) trao đổi. Nhưng trong tình trạng nhựa càng ngày càng tích tụ nhiều trong đại dương, tỷ lệ mắc vào chúng sẽ chỉ tăng lên.

Vì vậy, điều quan trọng hơn bao giờ hết là hạn chế tối đa có thể những chất thải nhựa từ con người, ông nói thêm.

Nhưng cho đến nay, giới khoa học vẫn chưa thừa nhận đầy đủ mức độ đe dọa của các mảnh vụn nhựa đối với cá mập và cá đuối, Brendan Godley, nhà nghiên cứu cá mập tại Đại học Exeter (Anh), đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu cho biết. Điều đó một phần là do họ phần lớn tập trung vào vấn đề của việc khai thác và đánh bắt quá mức - khi cá mập vô tình bị mắc vào lưới và dây.

“Vấn đề mắc kẹt có lẽ đã đang nằm dưới mức được quan tâm”, Godley nói trong một tuyên bố.

Nhưng vẫn còn hy vọng, theo Lowe cho biết. Với sự gia tăng của các nỗ lực tập trung vào việc loại bỏ nhựa sử dụng một lần gần đây, anh đã bắt đầu nhận thấy sự tích tụ nhựa trong các đại dương có phần ít hơn.

Vấn đề sẽ không biến mất ngay lập tức, Lowe nói. Nhưng “nếu ý thức của con người đủ lớn để loại bỏ rác thải nhựa trong đời sống hàng ngày, chúng ta có thể ngăn chặn điều này”, ông phát biểu với Live Science.

Theo Livescience

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/rac-thai-nhua-tan-cong-su-song-trong-moi-truong-bien-4019357-b.html