Rắc rối 'Tinh hoa Bắc Bộ' tiếp tục nảy sinh

Mặc dù Tòa án nhân dân Hà Nội đã đưa ra phán quyết, vở 'Tinh hoa Bắc bộ' là tác phẩm phái sinh của vở 'Ngày xưa', nhưng rắc rối giữa hai đơn vị sở hữu bản quyền vẫn chưa chấm dứt.

Công ty Tuần Châu Hà Nội có thể tiếp tục dàn dựng vở "Tinh hoa Bắc bộ" hay không, và liệu công ty DS của đạo diễn Việt Tú chấp nhận xếp vở "Ngày xưa" vào dĩ vãng chăng? Ở đây, không chỉ là bài toán kinh doanh, mà còn là câu chuyện sáng tạo.

Đạo diễn Việt Tú rất phấn khởi trước kết quả của phiên tòa. Đã từng dàn dựng nhiều chương trình thời trang và ca nhạc, nhưng phải đến vở thực cảnh "Ngày xưa" thì đạo diễn Việt Tú mới thực sự dồn hết tâm huyết.

Chính đạo diễn Việt Tú đã trực tiếp hướng dẫn những người nông dân bước lên sân khấu để góp mặt vào vở diễn "Ngày xưa". Cho nên, khi được minh định vở "Ngày xưa" là nguyên gốc của vở "Tinh hoa Bắc bộ", đạo diễn Việt Tú thổ lộ: "Tôi đã chờ giây phút này rất lâu. Tôi cảm thấy mình may mắn vì các cơ quan nhà nước đã nhận ra tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ. Không chỉ tôi mà rất nhiều nghệ sĩ sẽ rất mừng vì chúng ta đã có một án lệ để hiểu được giá trị của sáng tạo, của sở hữu trí tuệ…

Đạo diễn Việt Tú.

Đạo diễn Việt Tú.

Mặc dù có quyền tiếp tục đòi khoản 10% phí bản quyền với tác phẩm "Ngày xưa", các chi phí liên quan đến vở diễn phái sinh, nhưng nhất quán với quan điểm và cam kết của mình, công ty DS của tôi sẽ từ bỏ quyền tiếp tục khiếu kiện với khoản này, nếu công ty Tuần Châu Hà Nội không tiếp tục việc khiếu kiện. Hai công ty sẽ hoàn tất mọi thủ tục, nghĩa vụ đồng thời tôn trọng mọi sản phẩm độc lập của hai bên sau này, bao gồm tác phẩm phái sinh!".

Trong phần tranh luận tại phiên tòa, công ty Tuần Châu Hà Nội khẳng định họ đầu tư 7,3 tỉ đồng để thuê đạo diễn Việt Tú dàn dựng vở thực cảnh. Vì vậy, công ty Tuần Châu Hà Nội cho rằng Công ty DS đã có hành vi xâm phạm sở hữu bằng cách đăng ký quyền tác giả kịch bản vở diễn, xâm phạm quyền lợi của nhà đầu tư.

Do tác phẩm thiên nhiều về múa rối nước gây khó khăn cho khai thác thương mại, mà đạo diễn Việt Tú không bàn giao vở diễn, nên công ty Tuần Châu Hà Nội phải thuê đơn vị khác dựng vở diễn "Tinh hoa Bắc bộ" thay thế. Tuy nhiên, đạo diễn Việt Tú cho rằng ý tưởng dàn dựng vở "Ngày xưa" được ông thai nghén từ 2010.

Sau nhiều lần đề nghị công ty Tuần Châu Hà Nội cùng đăng ký bảo hộ quyền tác giả nhưng chủ đầu tư không phối hợp nên phía Công ty DS đã đăng ký quyền tác giả để đề phòng rủi ro. Ngoài ra, đạo diễn Việt Tú còn khẳng định công ty Tuần Châu Hà Nội nợ tiền công của diễn viên và sử dụng trailer của vở "Ngày xưa" để quảng cáo cho tác phẩm "Tinh hoa Bắc bộ".

Khi phiên tòa kết thúc, đạo diễn Hoàng Nhật Nam - người dàn dựng vở "Tinh hoa Bắc bộ" đã phản ứng rất mạnh mẽ: "Đó là vụ án giữa đạo diễn Việt Tú và công ty Tuần Châu Hà Nội. Tôi là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhưng không một lần nào được tòa án triệp tập theo quy định. Tôi vô cùng bàng hoàng với kết quả này. Bởi lẽ, theo tình và lý thì phán quyết của tòa đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi tòa kết luận về tác phẩm của tôi nhưng không một lần mời tôi với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Nói rõ hơn, vì tòa vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nên từ khi thụ lý, hòa giải cho đến lúc xét xử thì tôi đều không biết. Do đó, tôi không có cơ hội lên tiếng bảo vệ quan điểm và bảo vệ tác phẩm của mình. Theo như tôi được biết, phiên tòa ra quyết định "Tinh hoa Bắc Bộ" là tác phẩm phái sinh của "Ngày xưa" dựa vào kết luận của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

Là một nghệ sĩ, tôi vô cùng tôn trọng Hội Nghệ sĩ sân khấu nhưng kết luận này tôi thấy vô lý, hội cũng không có chức năng để giám định về nội dung có phái sinh hay không. Tôi không phải là luật sư, không phải là người làm luật, nhưng tôi biết chắc một điều là khi kết luận cái này phái sinh của cái kia thì phải có những giám định rõ ràng do cơ quan có chuyên môn quyết định trên nhiều cơ sở: xem xét cả 2 vở diễn trên kịch bản viết và tại sân khấu một cách kỹ lưỡng, chứ không thể cảm tính được!".

Câu hỏi đặt ra: vở "Tinh hoa Bắc bộ" có phải khởi sự dựa trên vở "Ngày xưa" không? Theo đạo diễn Hoàng Nhật Nam, việc sử dụng nông dân địa phương thành diễn viên trong vở diễn là ý tưởng của đạo diễn Trương Nghệ Mưu trong show "Ấn tượng Lưu Tam Tỷ" thực hiện ở Quế Sơn - Trung Quốc, đồng thời sau đó cũng được áp dụng trong nhiều vở khác tại châu Á. Khi công ty Tuần Châu Hà Nội mời cộng tác và đề nghị làm vở diễn thực cảnh về Bắc Bộ, đạo diễn Hoàng Nhật Nam chọn phong cách đậm chất giải trí để thu hút người xem.

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam có bằng thạc sĩ văn chương, từng dàn dựng đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam và đêm trao giải Liên hoan phim Việt Nam. Trong giới show biz, đạo diễn Hoàng Nhật Nam được nhắc đến rất nhiều khi công ty Sen Vàng của vợ ông càng ngày càng ăn nên làm ra.

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam bộc bạch về hành trình nghệ thuật bản thân: "Tôi có thể làm mọi thứ, từ lên ý tưởng, chấp bút viết kịch bản văn học, lời bình đến dàn dựng sân khấu.Vì tôi nắm rõ từng khâu, tỉ mỉ trong từng chi tiết, nhờ vậy tôi mới kiểm soát chương trình, nội dung chặt chẽ và luôn trong tâm thế chủ động. Khi có điều kiện xem các show nghệ thuật ở nước ngoài, tôi đã rất mê mẩn và luôn tâm tư làm sao, đến khi nào mình cũng thực hiện bằng được một show diễn để quảng bá văn hóa, thúc đẩy du lịch cho Việt Nam.

Đất nước mình hơn 4.000 năm văn hiến, địa linh nhân kiệt… những chất liệu và yếu tố văn hóa mình nào có thua ai. Cái thiếu là vốn đầu tư và huy động chất xám con người. Khi nhà đầu tư ngỏ lời, như cơ duyên đã đến, sau khi trao đổi kỹ lưỡng và loại bỏ hết gút mắc, tôi cùng ê kíp dốc sức nghiên cứu, tham vấn những chuyên gia lịch sử văn hóa, ăn dầm nằm dề nhiều tháng ở miền Bắc để thai nghén và cho ra đời đứa con tinh thần mang tên "Tinh hoa Bắc bộ"!".

Dù không phải là vụ kiện bản quyền đầu tiên, nhưng tranh chấp giữa vở "Tinh hoa Bắc bộ" và vở "Ngày xưa" có nhiều rắc rối nằm ngoài khuôn khổ pháp lý. Trên cơ sở đề nghị của Tòa án nhân dân Hà Nội, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã thành lập Hội đồng thẩm định gồm có bốn thành viên NSƯT Lê Chức, đạo diễn Trần Minh Ngọc, PGS-TS Trần Trí Trắc và PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái. Hội đồng thẩm định đánh giá, vở "Tinh hoa Bắc bộ" và vở "Ngày xưa" có nhiều điểm giống nhau về cơ bản.

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam.

Cụ thể, hai chương trình đều có chung một ý tưởng dàn dựng, trình diễn thực cảnh nhằm tôn vinh văn hóa truyền thống dân tộc; chỉ khác nhau ở tên gọi từng trò diễn, từng phân cảnh. Về chất liệu, hai bên đều sử dụng loại hình nghệ thuật múa rối nước kết hợp với những màn biểu diễn tập thể và cùng một địa điểm.

Về kết cấu câu chuyện, nội dung của các tiết mục trong hai chương trình có nhiều điểm giống nhau, tuy nhiên tên gọi của các nhân vật có khác nhau hoặc thay bài hát dân ca này bằng bài hát dân ca khác; có nhiều phân cảnh giống nhau…

Đặc biệt, chi tiết giống nhau nhất là hai bên đều sử dụng ngôi nhà thủy đình có gắn động cơ ở trên hồ cho đình chuyển động, hai chương trình cùng một địa điểm nên không gian nghệ thuật lặp lại, các diễn viên tham gia trong hai chương trình cũng giống nhau về số lượng tương đương, kể cả đạo cụ biểu diễn cũng không khác nhau là mấy…

Với tư cách thành viên Hội đồng thẩm định, đạo diễn Trần Minh Ngọc chia sẻ: "Dù không được xem sân khấu trực tiếp, nhưng qua băng ghi hình, chúng tôi đã nghiên cứu từng chi tiết, từng bối cảnh một cách kỹ lưỡng. Các thành viên thống nhất kết luận "Tinh hoa Bắc bộ" là tác phẩm phái sinh của "Ngày xưa", hoàn toàn không phải cảm tính. Hai tác phẩm có kết cấu và mô-típ giống hệt nhau, thì "Ngày xưa" xuất hiện trước nên được quyền xác lập tác phẩm gốc, còn "Tinh hoa Bắc bộ" dàn dựng sau thì không thể nói rằng "Ngày xưa" mô phỏng của mình.

Chúng tôi phân định giá trị "Ngày xưa" và "Tinh hoa Bắc bộ" rất khách quan. Ở góc độ cá nhân, tôi thấy đạo diễn Việt Tú và đạo diễn Hoàng Nhật Nam đều có những ưu điểm riêng, nhưng quan trọng nhất là ý tưởng khởi đầu thuộc về "Ngày xưa". Chúng tôi chỉ dựa trên yếu tố chuyên môn để đưa ra nhận định của giới làm nghề sân khấu chuyên nghiệp!".

Tuy Hòa

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/rac-roi-tinh-hoa-bac-bo-tiep-tuc-nay-sinh-539407/