Rắc rối chuyện miễn nhiệm tổng giám đốc

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, Công ty TNHH 2 thành viên trở lên được quyền bổ nhiệm một trong số thành viên góp vốn làm giám đốc, tổng giám đốc hoặc ký hợp đồng thuê giám đốc, tổng giám đốc bên ngoài để điều hành doanh nghiệp. Nhiệm kỳ của giám đốc, tổng giám đốc không quá 5 năm và doanh nghiệp có quyền miễn nhiệm giám đốc, tổng giám đốc thông qua cuộc họp của hội đồng thành viên.

Luật sư Lê Tấn Tý, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh, bên trái) tư vấn về tranh chấp hợp đồng cho người lao động. Ảnh minh họa: Đ.Phú

Luật sư Lê Tấn Tý, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh, bên trái) tư vấn về tranh chấp hợp đồng cho người lao động. Ảnh minh họa: Đ.Phú

Luật sư Lê Tấn Tý, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh) cho hay, trong trường hợp chủ tịch hội đồng thành viên đã giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) với ứng cử viên, sau đó ứng cử viên được bổ nhiệm làm giám đốc, tổng giám đốc theo nghị quyết của hội đồng thành viên thì khi họ bị miễn nhiệm chức danh, HĐLĐ của họ vẫn còn hiệu lực, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

* Tổng giám đốc cũng là người lao động

Ông C.N.L. (ngụ TP.HCM) là thành viên góp vốn của Công ty TNHH L.S. (Khu công nghiệp Giang Điền, H.Trảng Bom) với tỷ lệ vốn góp 20,04%. Ngày 1-4-2019, Hội đồng thành viên công ty họp và ra nghị quyết bổ nhiệm ông làm tổng giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của công ty. Tuy nhiên, kể từ ngày 7-11-2019, ông không còn giữ chức vụ tổng giám đốc nữa khi bị Hội đồng thành viên công ty họp và ra quyết định miễn nhiệm chức danh của ông.

Ông L. cho rằng, trong quá trình đảm nhận chức danh tổng giám đốc, ông luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, điều hành mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty theo đúng kế hoạch và nghị quyết của Hội đồng thành viên. Khi công ty miễn chức danh tổng giám đốc của ông, không thông báo cho ông biết trước và cũng không giao bất cứ việc nào khác cho ông làm. Đồng thời, kể từ ngày miễn chức danh, công ty lập tức cắt lương, ngưng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), không cho ông vào công ty, trong khi ông vẫn còn là người lao động của công ty.

“Công ty không ra quyết định kỷ luật hay bất kỳ quyết định đơn phương chấm dứt HĐLĐ nào. Do đó, việc công ty cho tôi nghỉ việc như vậy là xâm phạm tới quyền lợi hợp pháp của tôi, chưa phù hợp với pháp luật lao động hiện hành. Chính vì vậy, tôi yêu cầu công ty nhận tôi trở lại việc, bồi thường tiền lương và đóng BHXH, BHYT cho tôi trong khoảng thời gian cho nghỉ việc trái pháp luật” - ông L. cho biết.

Chính vì vậy, ông L. có đơn khởi kiện ra tòa yêu cầu công ty nói trên bồi thường như sau: thứ nhất, nhận ông vào làm công việc cũ. Thứ hai, trả tiền lương cho ông những ngày không được làm việc cho tới ngày công ty nhận ông trở lại làm việc. Truy đóng BHXH, BHYT cho ông trong những ngày không được làm việc cho tới khi nhận ông làm việc trở lại.

* Phát sinh vấn đề pháp lý

Luật sư Lê Tấn Tý cho biết, hiện có hai luồng ý kiến đối với trường hợp của ông L. Ý kiến thứ nhất cho rằng, thông thường việc bổ nhiệm hay thuê tổng giám đốc thông qua việc ký một HĐLĐ và ban hành một quyết định bổ nhiệm, trong đó thể hiện nội dung giao việc điều hành doanh nghiệp, có trả lương, đóng BHXH, BHYT thì về mặt bản chất, đây chỉ đơn thuần là quan hệ làm công ăn lương, được xác lập giữa người sử dụng lao động và người lao động, được điều chỉnh bởi Bộ luật Lao động năm 2012.

Do đó, việc công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ với ông L. mà không có lý do chính đáng, không báo trước (30 ngày đối với HĐLĐ xác định thời hạn) là vi phạm pháp luật về lao động. Vì vậy, công ty phải nhận ông vào làm việc trở lại cho đến khi HĐLĐ mà hai bên ký kết kết thúc. Còn việc nhận ông trở lại làm việc và bố trí công việc ra sao là do hai bên thỏa thuận. Đồng thời, do công ty chấm dứt HĐLĐ đối với người lao động trái luật nên ông L. khởi kiện đòi công ty nhận ông trở lại làm việc, bồi thường những thiệt hại về quyền lợi như ông trình bày là có căn cứ.

“Điều 3, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định áp dụng Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành như sau: Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của luật đó. Cho nên, vụ việc Công ty TNHH L.S. miễn nhiệm, chấm dứt HĐLĐ của ông L. cần áp dụng theo Bộ luật Lao động năm 2012 để giải quyết tranh chấp liên quan tới HĐLĐ” - luật sư Cao Sơn Hà, Đoàn Luật sư tỉnh nêu quan điểm.

Còn luồng ý kiến thứ hai, luật sư Tý cho hay, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định, nhiệm kỳ của tổng giám đốc được bổ nhiệm, thuê là không quá 5 năm. Trong khi đó, pháp luật lao động nước ta chỉ quy định 3 loại hợp đồng: HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn (từ 12-36 tháng) hoặc HĐLĐ theo mùa vụ.

“Thực tế, còn một loại hợp đồng nữa không có trong quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 nhưng được nhiều công ty áp dụng đó là hình thức hợp đồng ủy quyền, nghĩa là chủ tịch hội đồng thành viên sẽ ký hợp đồng ủy quyền với tổng giám đốc và quy định rõ nghĩa vụ và trách nhiệm cũng như quyền lợi của hai bên” - luật sư Tý bày tỏ.

Cũng theo luật sư Tý, tại Điểm d, Khoản 2, Điều 56, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định, hội đồng thành viên có quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch hội đồng thành viên; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, ký và chấm dứt hợp đồng đối với giám đốc hoặc tổng giám đốc, kế toán trưởng và người quản lý khác quy định tại điều lệ công ty.

“Trường hợp này, ngoài giá trị pháp lý nghị quyết của Hội đồng thành viên thì ông L. còn phải chấp hành pháp luật về lao động, dân sự, doanh nghiệp, điều lệ của công ty, văn bản ủy quyền ( nếu có )… Cho nên, trong việc này cần phải xem xét, đánh giá một cách toàn diện các cơ sở pháp lý thì mới nhận định được việc công ty miễn nhiệm chức danh tổng giám đốc của ông L. là đúng hay sai” - luật sư Tý phân tích.

Đồng ý kiến với luật sư Tý, luật gia Phạm Đình Đức, Hội Luật gia TP.Biên Hòa cho biết thêm, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định, dù là người được doanh nghiệp bổ nhiệm hay thuê làm tổng giám đốc và đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, tổng giám đốc chỉ có quyền ký HĐLĐ với người lao động khác, không được quyền ký kết HĐLĐ cho chính mình. HĐLĐ của tổng giám đốc phải do chủ tịch hội đồng thành viên (đại diện cho hội đồng thành viên) hoặc chủ tịch hội đồng quản trị (đại diện cho hội đồng quản trị) công ty ký kết.

“Điều này thể hiện rất rõ việc Công ty TNHH L.S. bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh tổng giám đốc của ông L. được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp năm 2014. Còn chấm dứt HĐLĐ với ông thì áp dụng theo pháp luật về lao động, nếu tách bạch vấn đề ra như vậy thì không có gì gọi là xung đột trong việc áp dụng pháp luật” - luật gia Đức bày tỏ.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202012/rac-roi-chuyen-mien-nhiem-tong-giam-doc-3033621/