Rắc rối chuyện giam giữ người chuyển giới

Theo đại biểu, người đã can thiệp phẫu thuật để chuyển đổi giới tính từ nam thành nữ nhưng vẫn bị giam chung với phạm nhân nam thì sẽ phát sinh phức tạp tại buồng giam.

Sáng 19-11, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Phó Giám đốc Sở Tư pháp Long An Phan Thị Mỹ Dung băn khoăn về quy định giam giữ riêng các phạm nhân chuyển đổi giới tính và người chưa xác định được giới tính.

Giam giữ người chuyển giới thế nào?

Liên quan đến vấn đề quản lý giam giữ đối với phạm nhân quy định tại Điều 30 dự thảo, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Long An Phan Thị Mỹ Dung thống nhất cao việc bổ sung một số đối tượng để giam giữ riêng. Theo đó, dự luật đã quy định giam giữ riêng đối với người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định được giới tính.

ĐB Phan Thị Mỹ Dung.

ĐB Phan Thị Mỹ Dung.

Bà Dung cũng chia sẻ với ngành công an về những phức tạp phát sinh tại buồng giam, khi giam các phạm nhân là người đã can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính, nam thành nữ, nữ thành nam.

“Anh A đã can thiệp phẫu thuật để chuyển đổi giới tính từ nam thành nữ. Do pháp luật chưa quy định, về mặt pháp lý, giấy tờ vẫn là giới tính nam, về nguyên tắc phải giam chung với phạm nhân nam. Như vậy sẽ phát sinh phức tạp tại buồng giam” - bà Dung nói.

Phó giám đốc Sở Tư pháp Long An đề nghị cân nhắc về cơ sở pháp lý của quy định nói trên.

Đối với người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, Hiến pháp, BLHS, BLTTHS, Luật Hôn nhân và Gia đình cũng không quy định tách bạch các thực thể nêu trên. Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì quy định Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính. BLDS quy định việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật nhưng hiện hành chưa có quy định nào.

“Vậy việc tạm giam những đối tượng này thì cơ sở pháp lý nào, cơ quan nào, cá nhân nào có thẩm quyền xác định? Cũng như văn bản pháp lý nào để xác định một người A, người B là đồng tính hay chuyển đổi giới tính để cơ quan tư pháp căn cứ vào đó tổ chức thi hành án hình sự?” - bà Dung băn khoăn.

Còn đối với quy định bố trí nơi giam giữ riêng đối với người chưa xác định giới tính, pháp luật hiện hành chưa có quy định về người chưa xác định được giới tính. Theo bà, chỉ có Luật Hộ tịch 2014 quy định xác định lại giới tính là một trong những thủ tục đăng ký hộ tịch.

Bà Dung dẫn lại quy định của pháp luật hộ tịch, giới tính của một người hoặc một công dân luôn được ghi là nam hoặc nữ khi đăng ký hộ tịch. Theo đó, cá nhân có quyền yêu cầu xác định lại giới tính đã được đăng ký trong khai sinh do giới tính chưa được hình thành chính xác, do lúc đăng ký khai sinh có sai sót, nhầm lẫn dẫn đến ghi nhầm giới tính trong giấy khai sinh…

“Trong bản án hình sự tuyên cho một người đều xác định là giới tính nam hoặc nữ chứ không có trường hợp chưa xác định giới tính” - bà Dung nói và đề nghị rà soát đối chiếu quy định với quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu về đối xử với tù nhân của Liên Hiệp Quốc, rà soát với các quy định hiện hành có liên quan để phân loại việc giam giữ riêng, vừa đáp ứng thực tiễn nhưng đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật VN hiện hành.

Bất cập thi hành án tử hình

Đề cập đến việc giam giữ các phạm nhân bị kết án tử, ĐB Bế Minh Đức (Cao Bằng) cho hay khi đi tiếp xúc cử tri, cán bộ quản giáo quản lý người bị kết án tử hình phản ánh những quy định hiện nay còn nhiều bất cập, khó khăn.

ĐB Bế Minh Đức.

Cụ thể, thời gian giam giữ người bị kết án tử hình kéo dài gây áp lực cho đơn vị quản lý, đặc biệt là cán bộ quản giáo hằng ngày phải vào trại giam bị không ít phạm nhân chống đối, không hợp tác.

“Có bị án viết đơn xin tha tội chết gửi Chủ tịch nước, tuy nhiên thời gian chờ đợi kéo dài một đến vài năm nhưng không được trả lời. Có bị án xin được thi hành án ngay để được chết nhưng không được xem xét, giải quyết, gây tư tưởng hoang mang, bi quan, chán nản, chống phá” - ông Đức nói và cho hay thực tế người bị kết án tử hình thường có biểu hiện tâm lý không bình thường như chán nản, suy nhược thần kinh, liều lĩnh. Nếu không quản lý chặt chẽ dẫn đến bỏ trốn hoặc có những hành động gây hậu quả đáng tiếc.

Cũng theo ĐB tỉnh Cao Bằng, BLTTHS 2015 quy định sau khi bản án xử phạt tử hình có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án phải được chuyển lên chánh án TAND Tối cao và bản án phải được gửi ngay lên viện trưởng VKSND Tối cao. Theo quy định của luật, bản án tử hình chỉ được đưa ra thi hành khi không có kháng nghị của chánh án TAND Tối cao và viện trưởng VKSND Tối cao trong thời hạn luật định và có quyết định bác đơn xin ân giảm của Chủ tịch nước nếu người bị kết án tử hình có đơn xin ân giảm.

Tuy vậy, bộ luật này lại chưa quy định thời hạn ra quyết định ân giảm cũng như thời hạn chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao phản hồi ý kiến của mình về việc xin ân giảm án tử hình của người bị kết án tử hình lên Chủ tịch nước. Những bất cập nói trên là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng bản án tử hình chậm được thi hành, nhiều trường hợp kéo dài gây khó khăn cho trại tạm giam.

Ông Đức đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ thời gian từ khi nhận đơn và trả lời đơn của bị đơn gửi lên Chủ tịch nước là bao nhiêu ngày, có như vậy mới giải quyết dứt điểm tình trạng kéo dài thời gian giam người bị án tử hình đã được tòa các cấp xét xử.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/rac-roi-chuyen-giam-giu-nguoi-chuyen-gioi-803510.html