Rác, lửa 'uy hiếp' núi Sơn Trà

Là điểm đến lý tưởng cho du khách, đặc biệt là dân phượt nhưng do không kiểm soát được người lên xuống, các điểm du lịch cũng vắng bóng đơn vị quản lý nên bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng đang có nguy cơ bị rác du lịch bủa vây. Không chỉ xả rác, nhiều nhóm còn dùng lửa nướng đồ ăn ngay cả những lúc trời nắng nóng, cơ quan kiểm lâm cảnh báo cháy rừng ở cấp độ nguy hiểm...

Là điểm đến lý tưởng cho du khách, đặc biệt là dân phượt nhưng do không kiểm soát được người lên xuống, các điểm du lịch cũng vắng bóng đơn vị quản lý nên bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng đang có nguy cơ bị rác du lịch bủa vây. Không chỉ xả rác, nhiều nhóm còn dùng lửa nướng đồ ăn ngay cả những lúc trời nắng nóng, cơ quan kiểm lâm cảnh báo cháy rừng ở cấp độ nguy hiểm...

Nguồn nước khu vực Hồ Xanh nhiễm bẩn do rác thải du lịch.

Rác "bủa vây"

Núi Sơn Trà với các điểm: Chùa Linh Ứng, cây đa cổ thụ, trạm Radar, đỉnh Bàn Cờ, bãi Cát Vàng, bãi Tiên Sa, bãi Đá Đen, bãi Bụt, bãi Bắc... vô cùng thu hút các nhóm phượt. Tuy nhiên, với rất nhiều hướng để tiếp cận, việc ra vào các khu điểm gần như thả nổi thì du khách gần như tự do đi lại và tổ chức vui chơi mà không hề có sự quản lý nào của cơ quan chức năng. Điểm tiếp cận dễ dàng nhất và cũng bị rác "tấn công" nhiều nhất là khu vực Hồ Xanh ngay chân núi Sơn Trà. Đây không chỉ là địa điểm lý tưởng cho các đôi uyên ương chụp ảnh cưới ngoại cảnh mà còn là nơi hẹn hò của các cặp tình nhân, các nhóm học sinh, sinh viên. Khoảng 10 năm trước, Hồ Xanh giữ được nét nguyên sơ với mặt nước trong xanh, bờ lau trắng muốt và những bãi cỏ mịn. Các studio của Đà Nẵng đã cho ra mắt những bộ ảnh cưới nổi tiếng khiến sức hút của nó ngày càng lớn. Tuy nhiên, với việc tự do ra vào, hồ cấp nước sạch cho vùng bán đảo Sơn Trà không những bị "lão hóa" mà còn đứng trước nguy cơ ô nhiễm bởi các loại rác "mang đến chẳng mang về". Quanh bờ hồ, các loại rác phổ biến như vỏ lon bia, chai nước, bánh kẹo, hộp cơm, đũa, muỗng... vứt vô tội vạ. Tại nhiều khu vực, nguồn nước vẩn đục tạo thành sình, nhiều loài thủy sinh chết nổi lềnh bềnh bốc mùi hôi thối. Một thợ nhiếp ảnh gắn bó với Sơn Trà cho biết, một ê-kíp chụp ảnh cưới tại Sơn Trà thường mất một ngày với nhiều địa điểm khác nhau, họ mang theo nhiều đồ ăn, thức uống. Ai có ý thức thì chớ, nhiều người bạ đâu vứt đấy, có bức xúc cũng không nói được, nhiều khi lại bị chửi. Chưa kể nhiều bạn trẻ đến chơi, ăn uống, hát hò rồi thản nhiên ra về, để lại một đống rác từ bữa tiệc phượt. Theo cán bộ Trung tâm Bảo tồn Nước Việt Xanh (Green Việt), 5 năm trở lại đây, Hồ Xanh bị rác thải du lịch bủa vây ngày một nhiều và không còn trong lành như trước. Đáng ngại hơn, đây chính là túi nước khổng lồ cung cấp nước sạch cho khu vực bán đảo Sơn Trà.

Ngoài Hồ Xanh, dọc các hướng lên đỉnh Sơn Trà như hướng chùa Linh Ứng ra bãi Bụt, đường Yết Kiêu đi qua trạm phát sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng, lên trạm radar, chúng tôi chứng kiến rất nhiều dấu vết do các phượt thủ để lại. Một bãi cỏ bằng phẳng, một mỏm đá, một gốc cây cổ thụ đều có thể trở thành "bàn ăn" chớp nhoáng. Tại một số điểm, rác được gom lại vào túi ni-lông nhưng cuối cùng được vứt trong bụi rậm. Trong một lần trò chuyện với chúng tôi, anh Đào Đặng Công Trung - người được mệnh danh là anh chàng "nghiện nhặt rác" ở Sơn Trà tâm sự: "Vì yêu Sơn Trà, tôi và một vài người bạn thường dành thời gian để thu dọn rác ở các khu điểm du lịch, không hy vọng nhặt hết nhưng góp phần tuyên truyền mọi người giữ gìn Sơn Trà được sạch đẹp. Nhìn những rạn san hô bị rác quấn lấy, những bãi cỏ bị rác bủa vây, thật xót lắm!".

Người dân xử lý rác, nướng đồ ăn trong rừng Sơn Trà vào thời điểm nắng nóng, có nguy cơ cháy rừng diện rộng.

Ngay bên bìa rừng, người dân đốt rác, đốt đồ cúng vừa phản cảm, vừa tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng.

Nguy cơ cháy rừng vì những buổi tiệc nướng

Không chỉ để lại rác, nhiều nhóm du khách còn mang theo lửa để nướng đồ ăn hoặc hút thuốc tại một số khu vực trong rừng Sơn Trà. Mới đây nhất, ngày 3-9, một vụ cháy rừng xảy ra tại khu vực Mũi Súng mà nguyên nhân được xác định là do người dân hút thuốc rồi vứt tàn vào rừng trong thời tiết nắng nóng. Trong quá trình đi thực tế để viết bài, chúng tôi đã phát hiện rất nhiều bếp lửa đã được sử dụng tại một số địa điểm thường xuyên có du khách lui tới. Tiếp cận Sơn Trà theo hướng đầu đường Hoàng Sa, thậm chí còn có một vị trí rất nhiều người đốt nhang, hàng mã cúng bái ngay bên đường đoạn gần Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II. Tại đây còn có cả bình hoa, chân nhang, nến và nhiều đồ dùng tâm linh được đốt cháy dở nhìn rất phản cảm...

Trao đổi với phóng viên về câu chuyện rác thải du lịch ở rừng Sơn Trà, bà Trần Thị Thanh Tâm - Chủ tịch UBND Q. Sơn Trà cho biết, cơ quan chức năng đã ghi nhận tình trạng này và sẽ giao cho Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch tổ chức thu gom. Quận cũng đang đề xuất thành phố giao các địa điểm du lịch tại rừng Sơn Trà về một đầu mối để bảo vệ môi trường được tốt hơn. Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Vũ - Trưởng ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch thì cho rằng, đơn vị vẫn thường xuyên tổ chức các đợt thu gom rác, tuy nhiên có tới 3 lối tiếp cận Sơn Trà, người ra vào tự do nên việc thu gom rác không xuể.

Trong buổi đối thoại với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng mới đây, nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng rất cần một cơ chế phối hợp để quản lý Sơn Trà hiệu quả. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh cho rằng: "Quản lý Sơn Trà hiện rất lỏng lẻo, phường cũng có, quận cũng có, Sở Du lịch cũng có mà biên phòng cũng có. Nhiều người quản lý cuối cùng không có ai quản lý, để Sơn Trà bị xâm hại. Thành phố nên có cơ chế quản lý tập trung, thậm chí có thu phí du khách ra vào để bảo vệ và tái tạo Sơn Trà".

CÔNG KHANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_195134_rac-lua-uy-hiep-nui-son-tra.aspx