Rác bủa vây, 'bức tử' rạch Xuyên Tâm

Với nhiệm vụ tiêu thoát nước thải cho người dân trên địa bàn quận Bình Thạnh nói riêng và người dân TP.HCM nói chung, rạch Xuyên Tâm (nối kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, quận Bình Thạnh với sông Vàm Thuật, quận Gò Vấp) có vai trò đặc biệt quan trọng. Thế nhưng, dòng kênh này dường như đang bị 'bức tử' bởi tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng!

Nước trong rạch có màu đen sánh; rác nổi lềnh bềnh trên mặt nước, kết đọng dưới lòng rạch; mùi hôi thối bốc ra, lan tỏa hàng cây số; những dòng nước thải chưa được xử lý thải thẳng ra rạch qua các ống cống là những điều rất quen thuộc với người dân sống hai bên bờ con rạch Xuyên Tâm.

Khổ với mùi hôi thối

Với chiều dài 6,2 km và 3 tuyến nhánh dài 1,94 km, rạch Xuyên Tâm là hệ thống tiêu thoát nước chủ đạo của người dân sống trên khu vực quận Bình Thạnh. Theo đó, ước tính có khoảng 1.600 hộ dân sống hai bên bờ rạch Xuyên Tâm hàng ngày vẫn xả nước thải sinh hoạt, nước thải trong kinh doanh ra thẳng dòng rạch này. Không chỉ là hệ thống tiêu thoát nước chính, rạch Xuyên Tâm còn góp phần cải tạo cảnh quan, sinh thái đô thị cho toàn bộ TP.HCM.

Theo thống kê, mỗi ngày hệ thống rạch Xuyên Tâm phải hứng lượng nước thải của 40% người dân quận Bình Thạnh với khoảng 40.000 m3/ngày chưa qua xử lý. Với lượng nước thải khủng khiếp và không ngừng gia tăng như vậy, dường như rạch Xuyên Tâm đang bị quá tải, mức độ ô nhiễm càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Cô Nguyễn Út, một hộ dân sống ngay bên bờ rạch Xuyên Tâm cho hay, tình trạng này đã kéo dài hàng chục năm. Cách đây khoảng 15 năm, rạch đã bắt đầu ô nhiễm, rác thải xuất hiện ngày càng nhiều. Gần đây, cơ quan chức năng tiến hành chặn cầu, không cho nước trong rạch chảy ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè khiến rác tồn ứ trong rạch gây ô nhiễm nghiêm trọng.

“Mùa mưa còn đỡ, chứ đến đến mùa khô, nước trong rạch cạn dần thì mùi hôi thối phát ra kinh khủng. Thậm chí đi xa hàng cây số vẫn còn nghe thấy mùi. Rác thải tồn đọng bên dòng nước đen ngòm tại các ống thải là nơi trú ngụ của ruồi muỗi, chuột cũng là nguồn phát sinh dịch bệnh. Vì thế có nhiều nhiều người không chịu nổi mùi hôi thối, lo sợ bệnh tật nên đã chuyển đi nơi khác ở” - cô Út tâm sự.

Cần nhanh chóng khơi thông dòng chảy, xử lý ô nhiễm

Cô P.T.P (P.2, quận Bình Thạnh) cho hay: “Trước đây khi mùa mưa xuống, nước thải từ kênh tràn vào nhà khiến người dân khổ sở đủ đường. Ngày đó, UBND phường hứa sẽ xây dựng phương án giải tỏa những hộ dân sống xung quanh khu vực rạch Xuyên Tâm để làm bờ kè, xây dựng công viên liên phường, khơi thông dòng chảy, xử lý ô nhiễm. Thế nhưng đợi mãi không thấy cơ quan chức năng trả lời, trong khi tình trạng ô nhiễm rạch Xuyên Tâm càng ngày càng nghiêm trọng...”

Được biết, trước đó, UBND TP.HCM đã phê duyệt Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, phát triển hạ tầng và phát triển đô thị thông minh tại khu vực rạch Xuyên Tâm. Dự án có tổng vốn đầu tư lên đến hơn 5.000 tỷ đồng, giải tỏa gần 2.000 hộ dân ven rạch. Đây là dự án được khởi động từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa khởi công.

Dự kiến tổng kinh phí bồi thường cho dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm là khoảng gần 1.200 tỷ đồng. Dự án này đã được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương cho hai nhà đầu tư là Công ty TNHH đầu tư Sato và Công ty Hà Nội Ngàn Năm nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư, xây dựng, chỉnh trang đô thị dọc theo các tuyến rạch này theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) từ vài năm trước. Tuy nhiên, đến nay chưa có nhà đầu tư nào chính thức được công nhận do chưa đưa ra được phương án đầu tư.

“Chúng tôi ở đây cũng gần nửa đời người thì sống chung với rác, ô nhiễm và mùi hôi thối bốc ra từ lòng kênh cũng chừng đó thời gian. Có rất nhiều đoàn đã đến kiểm tra, đo đạc, “chỉ trỏ”, nhưng rồi rác vẫn đầy ở đó, mùi hôi thối vẫn phát ra, có ai giải quyết đâu!” - chú C. (chồng cô P.) cho biết.

“Mới đây, thấy người ta bảo là trong năm 2017 sẽ có phương án giải quyết. Nếu đúng như vậy thì xin cơ quan chức năng giữ đúng lời hứa chớ người dân ở đây chịu hết nổi rồi” - cô P. bức xúc!

Bài & ảnh: Văn Nguyễn

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/rac-bua-vay-buc-tu-rach-xuyen-tam-d63439.html