Ra văn bản phi lý - Không chỉ riêng Bộ Giáo dục & Đào tạo!

Thực tế, không phải đợi tới khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành 'Dự thảo Thông tư Ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp hệ chính quy' thì nhân dân mới nhận ra những điều kỳ cục về nhiều quy định ở nước ta.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời báo chí ở Quốc hội. Ảnh: laodong.vn

Chắc nhiều người còn nhớ, cách đây vài năm, Bộ Y tế đưa ra tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (Ban hành kèm theo Quyết định số 33/2008/QĐ- BYT ngày 30/9/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế) quy định về vòng ngực trung bình dưới 72 cm không được cấp bằng lái xe cho xe máy trên 50 phân khối. Văn bản này bị hủy sau đó vì vấp phải sự phản đối quyết liệt từ dư luận.

Tháng 4/2013, Cục Cảnh sát giao thông ra văn bản cấm người dân ghi hình lực lượng CSGT làm nhiệm vụ nhằm mục đích "ngăn chặn tình trạng giả danh phóng viên báo đài, chửi bới, lăng mạ và chống đối lực lượng chức năng". Văn bản cấm ghi hình cảnh sát làm nhiệm vụ trên đường của Cục Cảnh sát giao thông bị dừng ngay sau khi ban hành.

Cũng năm 2013, liên bộ Khoa học Công nghệ, Công thương, Công an và Giao thông ký thông tư liên tịch số 06/2013 về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe máy, xe đạp máy, xe máy. Cụ thể, với những người đội mũ bảo hiểm không có cấu tạo đủ ba bộ phận: vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo; có kiểu dáng đáp ứng yêu cầu quy định và đã được chứng nhận hợp quy sẽ bị xử phạt 200.000 đồng.

Quy định này lập tức bị người dân phản đối. Đại diện Bộ Công an nói thêm, không có chỉ đạo nào liên quan xử phạt người đội mũ bảo hiểm sai quy chuẩn và nhấn mạnh đây chỉ là "hiểu nhầm của dư luận".

Tháng 1/2016, Thông tư 57 của Bộ Công an có hiệu lực, quy định ô tô từ 4 chỗ trở lên, rơmoóc, xe chở khách... phải được trang bị bình cứu hỏa, nếu không chủ phương tiện sẽ bị phạt đến 500.000 đồng. Tuy nhiên, với đặc thù khí hậu Việt Nam, một số bình cứu hỏa mini để trong xe đã phát nổ. Bên cạnh đó, nhiều hãng xe không thiết kế nơi để bình cứu hỏa... Trước những tranh cãi và phản ứng trái chiều, Bộ Công an đã chỉ đạo không dừng phương tiện để kiểm tra bình cứu hỏa. Đến nay, việc xử phạt chưa được áp dụng với lỗi này.

Theo Thông tư 33 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ 3/9/2012, các sản phẩm thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ. Ngay sau khi ban hành thông tư, dư luận đã đặt nhiều câu hỏi về tính khả thi. Khi ấy, ông Trần Công Xuân, Chủ tịch Hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng việc thực hiện bán thịt trong 8 tiếng sẽ rất khó thực hiện bởi người tiêu dùng và cơ quan quản lý không thể tự kiểm tra thời gian mà phụ thuộc hoàn toàn tiểu thương khai báo. Mặt khác, vị này cũng cảnh báo việc xử phạt rất mập mờ, khó thực thi. Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn đã quyết định dừng thực hiện thông tư này.

Ngoài ra còn hàng nghìn các văn bản, quy định khác thiếu thực tế, bất khả thi, nhất là không phù hợp với thông lệ, nếp sống văn hóa ở nhiều lĩnh vực, địa phương, vùng miền.

Tổng kết gần đây nhất, theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2017 có 5639 văn bản trái pháp luật được các Bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương ban hành. Rất nhiều bộ ngành từng có các văn bản kỳ cục ra đời, vừa không khả thi, vừa bất hợp lý.

Sáng nay, tại hành lang nghị trường, nói về “Dự thảo Thông tư Ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp hệ chính quy”, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo nói: “Sai thì phải sửa”. Ông cũng khẳng định sẽ xem xét xử lý trách nhiệm cá nhân trong ban soạn thảo.

Dĩ nhiên, sai thì sửa. Nhưng khi hành luật mà có những cái sai cứ lặp đi lặp lại mãi thì nhân dân không khỏi ngao ngán.

Tử Hưng

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/dien-dan-cong-luan/ra-van-ban-phi-ly-khong-chi-rieng-bo-giao-duc-dao-tao-47742