RÀ SOÁT QUY ĐỊNH BỔ SUNG ĐỐI TƯỢNG ƯU TIÊN TIẾP CẬN THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN GIÁO DỤC VỀ PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS

Thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành với việc điều chỉnh, bổ sung một số đối tượng nguy cơ cao được ưu tiên các biện pháp tiếp cận thông tin, giáo dục truyền thông phòng chống HIV/AIDS; đồng thời đề nghị bổ sung thêm một số đối tượng.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) điều chỉnh, bổ sung một số đối tượng nguy cao được ưu tiên các biện pháp tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS gồm nhóm người quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM), người chuyển đổi giới tính, người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV và với các đối tượng nguy cơ cao, phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam, trại viên cơ sở giáo dục bắt buộc, học sinh trường giáo dưỡng. (Khoản 2 Điều 11 của Luật HIV 2006).

Đại biểu Trương Thị Yến Linh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau

Đại biểu Trương Thị Yến Linh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Trương Thị Yến Linh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho rằng quy định tại khoản 2 Điều 11 có sự trùng lặp về đối tượng ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS. Đại biểu chỉ rõ, tại điểm (a) khoản này quy định là người nhiễm HIV và thành viên gia đình của họ và điểm (e) khoản này lại quy định là vợ, chồng người nhiễm HIV hoặc của các đối tượng quy định tại các điểm (b), (c), (d) và (đ) của khoản này. Theo quy định, tại khoản 16 Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành thì thành viên gia đình bao gồm vợ chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng, con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, v.v.. Như vậy quy định tại điểm (a) đã bao hàm vợ chồng của người nhiễm HIV, do đó, đại biểu Trương Thị Yến Linh đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ đối tượng vợ chồng của người nhiễm HIV tại điểm e khoản này để tránh trùng lặp. Bên cạnh đó quy định thành viên gia đình của họ là đối tượng rất rộng và rất khó thực hiện, do đó đề nghị chỉ quy định tại điểm (a) về thành viên gia đình là những người đang chung sống với người nhiễm HIV, như vậy thực hiện sẽ tốt hơn.

Đồng thời, liên quan đến quy định tại điểm d khoản này quy định người có quan hệ tình dục đồng giới nam, đại biểu đề nghị sửa đổi là “người có quan hệ tình dục đồng giới” để bao hàm cả đồng giới nam và đồng giới nữ. Đại biểu lý giải do nguy cơ lây truyền HIV trong quan hệ đồng giới nữ thấp hơn nguy cơ lây nhiễm HIV ở quan hệ đồng tính nam, nhưng không phải hiếm gặp ở nữ. Việc nhiều người đồng tính có suy nghĩ sai lệch về quan hệ tình dục đồng giới là hậu quả của việc thiếu những chương trình tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS. Bởi những đối tượng này thuộc nhóm thiểu số trong xã hội, ít có chương trình cũng như các nội dung tham khảo dành riêng cho mình.

Cùng quan điểm, đại biểu Cầm Thị Mẫn – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng, việc quy định ưu tiên tiếp cận thông tin giáo dục truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cho 12 đối tượng cụ thể như trong dự thảo luật là khá hợp lý, trừ trường hợp tại điểm d về đối tượng là người có quan hệ tình dục đồng giới nam. Theo đại biểu Cầm Thị Mẫn, trên thực tế nguy cơ lây truyền HIV trong quan hệ đồng tính nữ tuy có thấp hơn nguy cơ lây nhiễm HIV ở quan hệ đồng tính nam nhưng vẫn thường xảy ra. Có thể nói những người có quan hệ tình dục đồng giới đều có nguy cơ lây truyền HIV rất cao chứ không chỉ xảy ra đối với trường hợp quan hệ tình dục đồng giới nam. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần giữ nguyên quy định như luật hiện hành tại điểm d khoản 2 Điều 11 về đối tượng ưu tiên tiếp cận thông tin giáo dục truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS, đó là người có quan hệ tình dục đồng giới.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa

Đại biểu Ngàn Phương Loan – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn cũng cho rằng việc ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục truyền thông trong phòng, chống HIV/AIDS cần được thực hiện bình đẳng, không phân biệt là đồng giới nam hay đồng giới nữ. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét giữ nguyên như quy định của luật hiện hành đó là người có quan hệ tình dục đồng giới. Việc giữ nguyên quy định này như luật hiện hành sẽ bảo đảm được nguyên tắc nam nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình đã được quy định tại Luật Bình đẳng giới.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình tán thành với dự thảo và cho rằng, trong các quan hệ tình dục có quan hệ đồng giới nữ, quan hệ nam nữ, quan hệ giữa nam với nam, thì đối tượng nguy cơ cao nhất phải là nam với nam, rồi sau đó là nam với nữ và cuối cùng mới là nữ với nữ, nếu như ưu tiên tiếp cận đối với nữ thì đương nhiên đối với nam và nữ cũng phải ưu tiên tiếp cận. Như vậy thì ưu tiên tiếp cận tất và không còn có ưu tiên tiếp cận nữa. Do đó, đại biểu bày tỏ tán thành với dự thảo chỉ trong 3 loại đối tượng này nên giới hạn lại một loại đối tượng để ưu tiên.

Ngoài ra, tại phiên họp các đại biểu cũng đề nghị quy định bổ sung về các trại viên cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng là các đối tượng cần được ưu tiên tiếp cận thông tin giáo dục truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS để họ tự bảo vệ, phòng vệ cho mình trước các nguy cơ lây truyền HIV/AIDS cho người khác hoặc họ có thể bị lây truyền HIV/AIDS từ người khác trong chính môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao.

Đại biểu Ngàn Phương Loan – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn

Đại biểu Ngàn Phương Loan đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng được ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục truyền thông về Phòng chống HIV/AIDS là những người sống tại khu vực biên giới. Theo đó thì điểm m sẽ được viết lại như sau: người sống ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; bổ sung đối tượng được ưu tiên tiếp cận thông tin giáo dục truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS, bao gồm cả người yếu thế.

Đại biểu Lê Quang Trí – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang chỉ rõ, thực tiễn một số đối tượng cũng cần được ưu tiên tiếp cận thông tin giáo dục truyền thông về phòng, chống HIV là người hành nghề cắt tóc, người hành nghề làm móng tay, móng chân, người hành nghề châm cứu, người hành nghề massage, vì những người hành nghề này có nguy cơ phơi nhiễm với HIV./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=49502