Rà soát lại toàn bộ văn bản cấp đất xây chùa Bái Đính

Trong khi doanh nghiệp khẳng định doanh nghiệp không quản lý và sử dụng bất cứ một mét vuông đất nào tại khu vực xây dựng chùa Bái Đính thì Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình, cho biết UBND tỉnh đang rà soát lại toàn bộ những văn bản có liên quan đến việc cấp đất xây dựng chùa này...

Trước thông tin tỉnh Ninh Bình cấp hơn 1.000ha đất để mở mang, xây dựng chùa Bái Đính tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, nay do Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường quản lý, chia sẻ với phóng viên TTXVN, ông Đặng Đức Tân - Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình, cho biết UBND tỉnh đang rà soát lại toàn bộ những văn bản có liên quan đến việc cấp đất xây dựng chùa Bái Đính và trả lời báo chí cũng như các cơ quan chức năng trong thời gian sớm nhất.

Chùa Bái Đính. Ảnh: Zing

Chùa Bái Đính. Ảnh: Zing

Trước thông tin đề cập đến việc Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường sở hữu toàn bộ diện tích xây dựng chùa Bái Đính, qua đó sử dụng vào nhiều mục đích cá nhân, theo TTXVN, ông Nguyễn Văn Trường -Giám đốc Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường cho rằng thông tin dư luận đưa ra là không đúng. Ông Trường khẳng định doanh nghiệp không quản lý và sử dụng bất cứ một mét vuông đất nào tại khu vực xây dựng chùa; đồng thời nhấn mạnh toàn bộ diện tích xây dựng chùa Bái Đính đều thuộc quyền quản lý và sử dụng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Ông Trường cho biết việc chùa Bái Đính được du khách gần xa biết đến đã góp phần đưa điểm du lịch này có tên trên bản đồ những ngôi chùa nổi tiếng thế giới, là một trong những yếu tố cấu thành nên Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An.

Trước đó, trong văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc căn cứ nào cho việc cấp hàng ngàn ha đất tại Ninh Bình, Hà Nam, Thái Nguyên, Hải Phòng... để doanh nghiệp xây chùa? Việc xây chùa có nằm trong quy hoạch sử dụng đất không? Về vấn đề này, ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT), đã có văn bản trả lời.

Trong đó, với trường hợp chùa Bái Đính mới được xây dựng bên cạnh khu vực chùa cổ Bái Đính cũ trên núi Bái Đính (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), có quy mô diện tích 1.005,3 ha, nằm trong quy hoạch tổng thể Khu du lịch Tràng An.

Về giao đất, cho thuê đất, theo văn bản trả lời của Bộ trưởng TN&MT thì từ năm 2006 đến năm 2012, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành 09 Quyết định thu hồi diện tích 518,3 ha đất (chiếm 51,5 % so với quy hoạch được duyệt) bao gồm: đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân là 184,9 ha; đất do BQL rừng phòng hộ huyện Gia Viễn là 67,6 ha; đất do Ủy ban nhân dân xã quản lý là 178,9 ha; đất hoang, đất xâm canh 36,7 ha.

Đất được giao cho 03 cơ quan, gồm: Sở Thương mại - Du lịch (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) 495,3 ha để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu núi chùa Bái Đính; Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An 18,6 ha để xây dựng cơ sở hạ tầng khu núi chùa Bái Đính và UBND huyện Gia Viễn 4,3 ha để mở rộng khu dân cư hiện hữu.

"Việc giao đất cho 03 đơn vị như trên để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng, xây dựng khu tâm linh là chưa thể hiện rõ đối tượng được giao đất để quản lý hay giao đất để sử dụng; không thể hiện chế độ sử dụng đất (giao có thu tiền hay không thu tiền, hay thuê đất, không xác định thời hạn sử dụng đất); không thể hiện mục đích sử dụng từng loại đất theo quy định của Luật đất đai nên chưa đủ cơ ở để xác định diện tích phải tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, căn cứ để xác định giá đất", văn bản trả lời của Bộ trưởng Bộ TN&MT khẳng định.

* Trước đó, trong tuyến bài viết Chùa, du lịch tâm linh dưới góc nhìn kinh doanh đăng tải trên Người Đô Thị đã phản ánh thực tế thời gian qua đã xuất hiện các chùa to tượng lớn được doanh nghiệp xây dựng khá rầm rộ, được coi như một sản phẩm “du lịch tâm linh”. Những dự án ấy đang hoạt động như thế nào, mang lại hiệu quả kinh tế ra sao? Không chỉ chùa Bái Đính - Tràng An (Ninh Bình) rộng hơn 700ha, chùa Tam Chúc rộng 144 ha trong khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao (Hà Nam), và hàng trăm héc ta cho chùa chiền trong Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) của Doanh nghiệp Xuân Trường, rất nhiều chùa “khủng” liên tiếp được các sư xây dựng trong mấy năm gần đây, đặc biệt là ở miền Bắc.

Có thể kể đến Khu danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh), ngoài các chùa chiền, tượng Phật Hoàng lớn nhất Việt Nam thì tại đây vừa khánh thành giai đoạn 1 của Cung Trúc Lâm rộng 6.000m2; giai đoạn 2 sẽ xây dựng thêm điện thờ Phật Hoàng với quy mô lớn. Chùa Ba Vàng trước đây chỉ là một ngôi chùa nhỏ bé giữa núi rừng Quảng Ninh, nhưng đến năm 2014, nó trở thành “Ngôi chùa trên núi có chính điện lớn nhất Đông Dương” với hàng chục ngàn mét vuông.

Tại Hà Nội, nhiều ngôi chùa lớn với nhiều kỷ lục cũng được xây dựng gần đây như chùa Non Nước (huyện Sóc Sơn), chùa Khai Nguyên (thị xã Sơn Tây) với tượng Phật A Di Đà cao 72m - lớn nhất Đông Nam Á...

Chia sẻ quan điểm với Người Đô Thị, theo luật sư Nguyễn Tiến Lập (Đoàn Luật sư Hà Nội), cần phân định rõ là đất dành cho tôn giáo hay dự án kinh doanh: "Đất tôn giáo, theo Luật Đất đai 2013, được UBND tỉnh cấp cho các cơ sở tôn giáo theo quy hoạch của địa phương và không thu tiền sử dụng đất, được sử dụng lâu dài, tức thuộc loại ưu tiên số một. Nếu Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như lãnh đạo các địa phương đều khẳng định các chùa Bái Đính, Tam Chúc là của Giáo hội dù Doanh nghiệp Xuân Trường xây dựng, thì rất có thể những dự án này không phải nộp thuế sử dụng đất.

Người dân không rõ đây là chùa để thực hành tín ngưỡng hay là cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp? Liệu có phải ở những ngôi chùa như Bái Đính, Tam Chúc... người ta đang cố tình mê hoặc dân chúng bằng đủ các loại kỷ lục chùa to tượng lớn, lợi dụng tâm linh để lôi kéo dân chúng đến khu kinh doanh để kiếm lời. Nếu doanh nghiệp công bố đây là dự án kinh tế của doanh nghiệp như bản chất nó là, thì chắc chắn số người đến với các ngôi chùa đó sẽ giảm hẳn.

Sự lập lờ giữa một công trình tôn giáo với một dự án du lịch cũng dẫn đến những tiêu cực, tham nhũng về thuế, đất đai, nguồn vốn... Bởi lẽ, một dự án kinh tế làm du lịch thì các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, nguồn vốn... là rất khác với một công trình văn hóa tôn giáo".

3 tỉnh phải báo cáo việc cấp hàng ngàn ha đất xây chùa khủng

Theo Vietnamnet, lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và môi trường), cho biết phản ánh của doanh nghiệp cũng là một kênh thông tin còn Bộ sẽ làm việc với các tỉnh.

“Bộ đang yêu cầu UBND các tỉnh báo cáo cụ thể về vấn đề này” – Lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai thông tin.

Các tỉnh được yêu cầu báo cáo, gồm: Ninh Bình, Hà Nam và Thái Nguyên.

Trong đó, Ninh Bình sẽ báo cáo về vấn đề giao đất làm chùa Bái Đính; Hà Nam sẽ báo cáo về việc giao đất làm chùa Tam Chúc; Thái Nguyên sẽ báo cáo về việc giao đất đối với dự án Khu văn hóa tâm linh Hồ Núi Cốc.

Song Ngô tổng hợp

Hàng loạt chùa to tượng lớn liên tiếp ra đời
Chùa, du lịch tâm linh dưới góc nhìn kinh doanh
Có nên quy hoạch cả ngàn ha cho du lịch tâm linh hay không?
Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh: Cầu viện quyền lực siêu nhiên vì sa sút niềm tin

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ra-soat-lai-toan-bo-van-ban-cap-dat-xay-chua-bai-dinh-20139.html