Rà soát lại các tuyến đê bao xung yếu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Các địa phương ở ĐBSCL tiến hành rà soát các tuyến đê bao chưa đủ cao trình, các tuyến đê bao xung yếu, các tuyến mới đắp, xây kế hoạch chuẩn bị nhân lực, vật lực nhằm ứng phó kịp thời trong mùa lũ.

Các chiến sỹ sử dụng bao cát để gia cố chân đê biển Gò Công, tỉnh Tiền Giang năm 2018. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Các chiến sỹ sử dụng bao cát để gia cố chân đê biển Gò Công, tỉnh Tiền Giang năm 2018. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Theo ông Nguyễn Huy Khôi, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, khu vực Nam Bộ, từ nhận định của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương và của Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam ,đỉnh lũ năm ở đầu nguồn sông Cửu Long chỉ ở mức dưới báo động 2.

Ứng với lũ ở mức từ báo động 2 trở xuống, về cơ bản hệ thống đê bao, bờ bao đáp ứng bảo vệ sản xuất. Tuy nhiên, các khu vực chịu ảnh hưởng cả lũ và triều cường, chịu ảnh hưởng mạnh bởi triều cường cần đề phòng và có giải pháp gia cố các bờ bao xung yếu bảo vệ sản xuất.

Giá trị mực nước dự báo lớn nhất cụ thể cho từng khu vực là cơ sở cho các địa phương rà soát lại hiện trạng đê bao xem có đảm bảo ổn định hay không để có các biện pháp gia cố, hoặc giảm diện tích xuống giống cho phù hợp.

Trên cơ sở kết quả dự báo như trên, kiến nghị các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiến hành rà soát các tuyến đê bao chưa đủ cao trình, các tuyến đê bao xung yếu, các tuyến mới đắp... cũng như xây dựng kế hoạch chuẩn bị nhân lực, vật lực nhằm ứng phó kịp thời trong mùa lũ.

Tình hình cực đoan về thời tiết trong điều kiện hiện nay xuất hiện nhiều hơn và tính chất khốc liệt hơn. Vì vậy, các địa phương trong vùng cần theo dõi chặt chẽ dự báo lũ của các đơn vị dự báo như Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, dự báo nguồn nước của Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam để có giải pháp ứng phó kịp thời.

Theo ông Nguyễn Huy Khôi, từ tháng Sáu đến tháng Bảy năm nay tổng lượng dòng chảy trên các trạm thượng nguồn Mekong ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 10-20%. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,1-0,2m.

Trong mùa lũ 2019, ít có khả năng xuất hiện lũ sớm ở đầu nguồn sông Cửu Long. Đỉnh lũ năm ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức báo động 1, báo động 2, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm. Tuy ít có khả năng xuất hiện lũ lớn, nhưng tiềm ẩn nguy cơ cường suất lũ lên nhanh hơn bình thường do tác động điều tiết dòng chảy từ thượng lưu.

Cùng với đó, mùa bão năm 2019 trên khu vực Biển Đông đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Dự báo số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền trong năm 2019 có khả năng ít hơn so với trung bình nhiều năm.

Cụ thể, có khả năng xuất hiện khoảng 10 đến 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông; trong đó, có khoảng 4 đến 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Từ tháng Bảy đến tháng Tám năm, nay, có khả năng xuất hiện một số nhiễu động và hoàn lưu xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Bắc Biển Đông và ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc.

Sau đó, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng chủ yếu đến khu vực Trung Bộ. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông dự báo thấp hơn so với trung bình nhiều năm nhưng cần đề phòng khả năng xuất hiện của những cơn bão mạnh và có quĩ đạo phức tạp.

Tiếp tục đề phòng nguy cơ xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc./.

Hồng Dân (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/ra-soat-lai-cac-tuyen-de-bao-xung-yeu-vung-dong-bang-song-cuu-long/580649.vnp