Rà soát kỹ việc tách nội dung bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo hướng chuyên biệt

Tiếp tục chương trình phiên họp, ngày 16-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Báo cáo trước UBTVQH, lý giải về sự cần thiết ban hành một luật riêng về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) năm 2008 có phạm vi điều chỉnh gồm cả hai lĩnh vực là: Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐBxây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng GTĐB, quản lý vận tải đường bộ. Trong đó, hầu hết các hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB tác động đến quyền con người, quyền công dân mà theo tinh thần của Hiến pháp thì phải được quy định trong văn bản luật.

Trong khi đó, nhiều nội dung về bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB nêu trong Công ước viên 1968 về GTĐB chưa được nội luật hóa. Do đó, việc tách bạch rõ ràng hai lĩnh vực này để đưa vào xây dựng hai đạo luật điều chỉnh cụ thể đối với mỗi lĩnh vực là rất cần thiết, sẽ quy định đầy đủ hơn, cụ thể hơn.

 Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc báo cáo tại phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc báo cáo tại phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB đang tồn tại, nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, nhất là việc quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia GTĐB. Tình hình tai nạn và ùn tắc đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội... đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống pháp luật. “Tình trạng coi thường pháp luật, vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông diễn biến hết sức phức tạp ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội và hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế”, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.

Đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật như tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo Luật. Trong đó, chú ý tập trung rà soát, đối chiếu với dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) để bảo đảm tính thống nhất, không chồng chéo, phân định, tách bạch rõ ràng phạm vi và nội dung được điều chỉnh, nhất là về quản lý nhà nước và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, lực lượng chức năng.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu nhất trí với việc sửa đổi luật vì cho rằng, những năm qua, các cơ quan chức năng đã cố gắng trong việc hạn chế tai nạn giao thông ở cả 3 tiêu chí, tuy nhiên, số người bị tai nạn giao thông vẫn còn rất lớn. Trong quá trình xây dựng dự thảo, các Bộ đã chủ trương tách riêng 2 dự án luật và đều nhận được sự đồng thuận của thành viên Chính phủ, các cơ quan, đại biểu Quốc hội.

Góp ý vào dự thảo luật, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phân tích, những năm gần đây, tai nạn GTĐB chiếm tỉ lệ rất cao trong tổng số các vụ tai nạn trên toàn quốc nên cần thiết tìm giải pháp tháo gỡ những bất cập. Luật GTĐB từ năm 2008 đã được triển khai quyết liệt nhưng số vụ tai nạn chỉ giảm nhẹ, thậm chí không giảm, cần có bổ sung, hoàn thiện về mặt pháp lý. "Việc tách nội dung bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo hướng chuyên biệt là cần thiết, hy vọng có thể đem lại hiệu quả cao", Tổng Thư ký Quốc hội nói.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì cho rằng, việc tách thành hai luật phải được xem xét rất kỹ; cần rà soát lại phạm vi điều chỉnh của từng luật, bảo đảm tính ổn định khi sửa luật. “Không thể nói một luật này, hay cả luật GTĐB (sửa đổi) có thể làm tốt được bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Vấn đề là nhận thức, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông và quản lý giao thông chưa tốt”, Phó chủ tịch Quốc hội phân tích và đề nghị rà soát về phạm vi điều chỉnh của dự luật, vấn đề nào đã chứng minh qua thực tiễn rồi thì nên giữ ổn định, tránh xáo trộn.

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp rà soát, nghiên cứu bổ sung để rõ hơn về lĩnh vực, trách nhiệm, hạn chế sự giao thoa giữa hai luật, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, sát thực tiễn và yêu cầu đặt ra.

Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, về việc tách luật, qua thảo luận chiều qua và sáng nay có thể thấy còn băn khoăn. Xuất phát từ yêu cầu thống nhất, hợp lý trong tổ chức điều hành, đề nghị Chính phủ tiếp tục làm rõ để báo cáo Quốc hội.

Liên quan đến đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh hướng đào tạo sẽ là xã hội hóa, người dân muốn học và sát hạch ở đâu cũng được và Bộ sẽ có quy định, xác định tiêu chí sát với thực tế. Ví dụ, sẽ tính toán với phương tiện dưới 50 phân khối, chấm điểm các trung tâm sát hạch qua đánh giá ý thức tham gia giao thông của người học từ trung tâm, hạn chế giấy phép giả...

HÀ HẢI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/ra-soat-ky-viec-tach-noi-dung-bao-dam-trat-tu-an-toan-giao-thong-theo-huong-chuyen-biet-635336