Rà soát kỹ lưỡng các nội dung đã rõ, đã chín, được thực tiễn kiểm nghiệm

Cơ bản nhất trí với các đề xuất của Bộ Xây dựng về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH về phân loại đô thị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng nhấn mạnh phải rà soát kỹ lưỡng, bổ sung vào dự thảo Nghị quyết các nội dung đã rõ, đã chín, đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các cơ quan.

Góp phần hoàn chỉnh hệ thống đô thị theo hướng văn minh, hiện đại

Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 1210 theo hướng:

Các loại đô thị thuộc 4/6 vùng kinh tế - xã hội Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long có thể được giảm 2 tiêu chí về quy mô dân số toàn đô thị và mật độ dân số toàn đô thị theo các mức 50%, 60%, 70% và 80% so với mức quy định áp dụng đối với loại đô thị tương ứng, các tiêu chí khác thì phải đạt mức quy định.

Xác định một số đô thị có yếu tố đặc thù để được áp dụng mức thấp hơn của một số tiêu chí, tiêu chuẩn so với quy định chung gồm: đô thị có đường biên giới quốc gia; đô thị ở hải đảo; đô thị loại III, IV, V thuộc địa bàn miền núi, vùng cao, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc chịu tác động từ biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai; đô thị, khu vực dự kiến hình thành đô thị có di sản văn hóa hoặc di sản thiên nhiên thế giới; khu vực dự kiến hình thành đô thị được quy hoạch, đầu tư phát triển thành đô thị thông minh, sáng tạo, khoa học - công nghệ.

Nghị quyết số 1210 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 25.6.2016 nhằm cụ thể hóa quy định tại Điều 4 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và được sửa đổi, bổ sung tại Điều 140 Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, qua 6 năm thực hiện Nghị quyết số 1210 đã đạt nhiều kết quả tích cực, đến nay, hệ thống đô thị quốc gia đã có trên 880 đô thị.

"Vai trò của đô thị cũng đã được đánh giá rất kỹ, rất sát tại Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, thu hút nguồn lực đầu tư và đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, công tác đánh giá, phân loại đô thị thời gian qua cũng đã có nhiều đổi mới, được thực hiện toàn diện, chất lượng hơn từ phát triển kinh tế - xã hội cũng như khả năng, mức độ phát triển đô thị, không chỉ đối với khu vực nội thành, nội thị mà còn đối với cả khu vực ngoại thành, ngoại thị và các khu vực dự kiến thành lập quận, phường. Công tác quy hoạch, đầu tư phát triển đô thị và hạ tầng đô thị dần đi vào nền nếp, có kế hoạch, thứ tự ưu tiên, thu hút nguồn lực hiệu quả. Cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị được quan tâm đầu tư xây dựng và chỉnh trang, từng bước đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị, diện mạo, kiến trúc cảnh quan đô thị đã có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại...
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng chỉ rõ thực tiễn triển khai Nghị quyết 6 năm qua đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, đồng thời cũng phát sinh thêm một số vướng mắc cần phải sửa đổi, bổ sung.

Cụ thể, một số tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị chưa xem xét đặc điểm vùng miền, yếu tố đặc thù về mức độ phát triển kinh tế - xã hội, đặc điểm phân bố dân cư, lao động; chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển của các đô thị như quy mô dân số, mật độ dân số quy định ở mức cao; yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử; các chính sách ưu tiên với vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng chịu tác động của biến đổi khí hậu; đô thị có định hướng phát triển theo mô hình tăng trưởng xanh, thông minh... nên nhiều đô thị, bao gồm cả các đô thị loại I, II, III, đặc biệt là đô thị loại IV khó đạt được các tiêu chí theo quy định.

Một số tiêu chuẩn như: nhà ở, đất xây dựng các công trình dịch vụ công cộng đô thị, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý tại khu chôn lấp hợp vệ sinh hoặc tại các nhà máy đốt, nhà máy xử lý rác thải... chưa phù hợp với điều kiện thực tế, quy định mới; phương pháp tính toán một số tiêu chuẩn về kinh tế - xã hội, viễn thông, công nghệ thông tin, tiêu chuẩn về không gian công cộng hoặc các tiêu chuẩn đánh giá phân loại ở ngoại thành, ngoại thị, theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, cũng cần quy định rõ hơn hoặc phải sửa đổi phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành mới được ban hành, tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.

Các chính sách khuyến khích phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng chưa được quy định cụ thể trong Nghị quyết số 1210 để có cơ sở áp dụng...

Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Tập trung sửa đổi quy định không còn phù hợp, điều chỉnh vấn đề mới phát sinh

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá 6 năm thực hiện Nghị quyết 1210, Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1210 nhằm nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả công tác phân loại đô thị; xác lập cơ sở cho việc đánh giá chất lượng đô thị theo các giai đoạn phát triển; tổ chức, sắp xếp và phát triển hệ thống đô thị cả nước; phản ánh đúng trình độ phát triển đô thị, đô thị hóa, làm căn cứ cho công tác quy hoạch, quản lý, hoạch định chính sách phát triển đô thị; thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng và điều kiện sống đô thị; phân loại đơn vị hành chính; thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính.

Việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết bảo đảm tính kế thừa, phát huy các quy định của Nghị quyết số 1210 đã được thực tiễn kiểm nghiệm là hợp lý; tập trung sửa đổi các quy định không còn phù hợp, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn và bổ sung các quy định để điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh đã được xác định trong quá trình tổng kết.

"Tại sao lại chỉ đề xuất sửa đổi một phần Nghị quyết 1210? Là bởi qua quá trình thực hiện, Bộ Xây dựng thấy rằng, khung tiêu chí quy định tại Nghị quyết đã phản ánh toàn diện các yêu cầu đánh giá, phân loại đô thị và tương đối phù hợp với cách phân loại của các nước, đáp ứng các quy chuẩn về đô thị Việt Nam, cơ bản khả thi với các vùng kinh tế trọng điểm lớn", Bộ trưởng Bộ Xây dựng nêu rõ.

Nhất trí quan điểm và phạm vi sửa đổi như đề xuất của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh “cần tiến hành rà soát, bổ sung vào dự thảo Nghị quyết những nội dung đã rõ, đã chín, đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các cơ quan, còn các vấn đề chưa rõ, chưa thống nhất thì báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung khi có đủ điều kiện”.

Trong đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cần bổ sung thêm một số nội dung như: điều chỉnh một số tiêu chuẩn, tiêu chí áp dụng đối với đô thị trong trường hợp đặc thù để bảo đảm có thể xác định được tỷ lệ % mức giảm so với quy định, với những đô thị được xác định là có yếu tố đặc thù thì cần có định nghĩa hoặc tiêu chí cụ thể để có cơ sở áp dụng sau này; điều chỉnh Phụ lục các tiêu chuẩn của các tiêu chí phân loại đô thị ban hành kèm theo dự thảo Nghị quyết bảo đảm phù hợp với mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2025 - 2030 tại Nghị quyết số 06-NQ/TW và bảo đảm thống nhất với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 9 tới.

Qua rà soát các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị và yêu cầu của thực tiễn, Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ, các cơ quan hữu quan cần tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa trong dự thảo Nghị quyết các tiêu chuẩn, tiêu chí, nội hàm của một số loại đô thị được xác định tại Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như "đô thị sông nước sinh thái", "đô thị du lịch", "đô thị du lịch - logistics", "đô thị sinh thái".

Cùng với đó là bổ sung, cụ thể hóa các yêu cầu đặt ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó đã nhấn mạnh: “sửa đổi, bổ sung quy định về phân loại đô thị bảo đảm tính tương thích, đồng bộ giữa quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính và quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị. Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng cho xây dựng và lựa chọn mô hình phát triển đô thị bền vững, phù hợp cho từng vùng, miền, tại những địa bàn vùng đồi núi, cao nguyên, vùng có tính trọng yếu về quốc phòng, an ninh, các đô thị có nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên cần bảo tồn, gìn giữ. Khắc phục triệt để tình trạng nâng loại đô thị khi chưa đủ tiêu chí; xây dựng và chuẩn hóa các tiêu chuẩn, hệ thống chỉ tiêu, chỉ số về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững trên phạm vi cả nước và cho từng vùng, địa phương phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam”.

Để chuẩn bị cho việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 1210 (dự kiến theo quy trình thủ tục rút gọn - PV), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Bộ Xây dựng - cơ quan chủ trì soạn thảo - cần giải trình, làm rõ hơn lý do vì sao chỉ tập trung sửa đổi một phần Nghị quyết thay vì sửa đổi toàn diện; đồng thời phải thuyết minh đầy đủ, toàn diện, thuyết phục hơn cơ sở lý luận, thực tiễn, cơ sở khoa học đối với các nội dung sửa đổi, các tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể.

Nguyễn Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/ra-soat-ky-luong-cac-noi-dung-da-ro-da-chin-duoc-thuc-tien-kiem-nghiem-i296966/