'Rà soát hộ nghèo: Những chuyện chưa kể...' - Bài cuối: 'Xoay chiều' nghịch lý

Khi nói về bản chất của nghèo đói, có người đã xem nó là hình thức 'bạo lực' tồi tệ nhất. Bởi lẽ, nghèo đói không chỉ là kẻ thù của hạnh phúc, của tự do, mà nó còn có thể khiến cho nhiều đức hạnh của con người trở nên phi thực tế!

Căn nhà của một hộ thuộc diện cận nghèo năm 2019 ở phường Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn.

Những nghịch lý mang “gương mặt” đời sống

Căn nhà tiền tỷ to đẹp, với lối kiến trúc hiện đại, nằm án ngữ ngay trên trục đường chính. Thoạt nhìn, bất kỳ ai cũng sẽ tưởng tượng chủ nhân của ngôi nhà ấy nếu chẳng phải “đại gia chân đất”, thì chí ít cũng phải là người có của ăn của để trong làng. Ấy thế nhưng, trông vậy mà không phải vậy. Tiếp chuyện chúng tôi bên trong ngôi nhà mà nội thất gần như không có gì đáng giá, chủ nhân của nó – anh Lê Văn Khánh (thôn Hạnh Phúc, phường Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn) – cho hay: Trước đây cả nhà anh gồm 4 nhân khẩu phải ở chung với bố mẹ đẻ, gia đình vốn thuộc diện hộ cận nghèo. Do nhiều lý do bất khả kháng nên cuối năm 2019, anh quyết tâm ra ở riêng và được bố mẹ cho một mảnh đất. Anh Khánh đã bán mảnh đất này với giá 500 triệu đồng và mua một lô đất khác giá 200 triệu đồng. Tiếp đó, anh vay Ngân hàng SacomBank 400 triệu đồng và vay anh em thêm 200 triệu đồng để xây nhà. Ngôi nhà vừa hoàn thành chưa lâu thì anh bỗng dưng “có tiếng” trên mặt báo, vì có nhà to đẹp nhưng vẫn thuộc hộ cận nghèo. Vậy là, do áp lực dư luận và ngại mang tiếng với xóm giềng, mới đây, anh Khánh đã làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ cận nghèo. “Mọi người chỉ nhìn thấy tôi có nhà to nhưng không biết tôi đang nợ nần bao nhiêu”, anh Khánh tâm sự. Bởi như lời anh nói và “vật chứng” anh cho chúng tôi xem là 3 sổ nợ ngân hàng, thì quả thật, lực “chống đỡ” cho ngôi nhà này không gì khác ngoài khoản nợ lên đến trên 570 triệu đồng. Đó là chưa kể khoản nợ vật liệu xây dựng và nhân công cả trăm triệu, mà anh vẫn chưa có lối xoay xở để trả.

Dựng được ngôi nhà khang trang có lẽ là quyết tâm lớn nhất từ khi sinh ra của người đàn ông tròn 50 tuổi này. Thế nhưng, xong được cái “xác nhà” đáng mơ ước ấy là cả một “tao đoạn” gian nan và hậu quả là núi nợ đang đặt lên vai hai vợ chồng. Trong khi, bản thân họ vốn dĩ không có nghề nghiệp ổn định, ai thuê gì làm nấy, có việc thì đi không việc thì nghỉ. Chưa kể vợ con lại thường xuyên đau ốm, 2 đứa con (1 đứa lớp 7, 1 đứa lớp 3) đang tuổi ăn tuổi học. Cái “xác nhà” to đẹp vốn được xây lên để “mát mặt” với xóm giềng, giờ lại đang đặt vợ chồng này trong cái vòng luẩn quẩn vay trả - trả vay. Và dường như, họ đã đánh cược vào đó tất cả sức khỏe, thu nhập, cuộc sống và thậm chí là vận may cả đời. Bởi bao nhiêu sức khỏe đều dành để kiếm tiền trả nợ; phần lớn thu nhập cũng dành để trả nợ; cuộc sống xoay quanh hai từ trả nợ và hy vọng biết đâu đấy họ bỗng dưng đổi đời, đổi vận nhờ ngôi nhà mới để trả hết nợ?

Có hoàn cảnh gần giống với gia đình anh Khánh là hộ ông Bùi Anh Ngọt (thôn Hòa, xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương). Tại thời điểm rà soát hộ nghèo (tháng 8-2019), gia đình ông đang sống trong căn nhà cấp 4 khá tồi tàn. Hai vợ chồng là lao động tự do, thu nhập bấp bênh, lại có 2 con đang tuổi ăn tuổi lớn, cho nên được địa phương xét vào danh sách hộ cận nghèo. Vốn là trưởng họ, ông Ngọt có trách nhiệm thờ cúng cả gia tiên và dòng họ. Vì thế đầu năm 2020, mấy anh em trong nhà đã thống nhất bán đi mảnh đất bố mẹ để lại, hỗ trợ ông Ngọt xây nhà, tiện cho việc thờ cúng. Ngoài số tiền 1,5 tỷ đồng bán đất, ông Ngọt còn vay thêm 300 triệu đồng để xây cất căn nhà khang trang... Dân gian có câu “lựa cơm gắp mắm”, nhưng hình như nó không phải lúc nào cũng đúng. Ví như những trường hợp vừa nêu, nhiều người hẳn sẽ có suy nghĩ rằng, tại sao họ không làm ngôi nhà trong khả năng có thể, với số tiền vừa phải? Tại sao cứ cố xây cho to, cho đẹp để gánh lấy khoản nợ nằm ngoài khả năng chi trả? Phải chăng do quan niệm “an cư lạc nghiệp”, một lần xây nhà cho cả đời nên phải xây cho thật hoành tráng? Rồi thì “con gà tức nhau tiếng gáy”, cho nên, khi nhà hàng xóm đã xây to thì nhà mình càng phải nhỉnh hơn, hay chí ít cũng phải bằng họ cho “nở mày nở mặt”?...

Thêm một ví dụ ở xã Quảng Lưu (huyện Quảng Xương), vốn là xã bãi ngang có tỷ lệ hộ nghèo cao. Vài năm gần đây, nhờ nhiều chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng, cụm công nghiệp và các chính sách an sinh như giảm nghèo, giải quyết việc làm, vay vốn chính sách... nên kinh tế - xã hội địa phương đã có bước phát triển và cuộc sống người dân cũng trở nên khấm khá hơn. Đặc biệt, nhờ vào tiền bán đất cho doanh nghiệp và tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, hàng chục hộ cận nghèo đã đầu tư xây dựng nhà cửa và mua sắm nhiều vật dụng sinh hoạt đắt tiền. Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Mai Xuân Chiến, Chủ tịch UBND xã, mặc dù nhiều hộ có nhà cửa khang trang, nhưng thực chất vẫn rất khó khăn. Bởi quan niệm của người dân miền biển là phải xây dựng nhà kiên cố để chống chọi với mưa bão, nên dù phải nợ nần, bà con vẫn cố vay mượn để xây. Vậy nên có không ít nhà “xác to” nhưng “ruột rỗng”, có nhà xây xong là kiệt quệ do ốm đau, vỡ nợ.

Cuộc sống vốn muôn màu, nên quan niệm sống của con người cũng muôn vẻ. Vậy nên, có những nghịch lý mang “gương mặt” cuộc sống cũng là điều dễ hiểu. Ngoài việc “cố đấm ăn xôi” để xây dựng nhà cửa hoành tráng, thì vẫn còn không ít chuyện “cười ra nước mắt”. Ví như chuyện người... chuyên đi kiện (ông L.V.T. ở Yên Định), để đòi “quyền được nghèo”, đòi lại cái danh “hộ nghèo” mà ông xem như quyền lợi của bản thân. Thậm chí, người đàn ông này còn đòi “trả” 2 đứa con tật nguyền của mình cho xã hội nuôi, còn bản thân thì đâm đơn “xin đi tù”, nếu việc tố cáo cán bộ của ông không được làm rõ trắng đen. So sánh trường hợp này với câu chuyện của một bà cụ đã ngót 80 tuổi ở tỉnh Trà Vinh, để thấy, dù có những người giống nhau về cảnh ngộ (nghèo), nhưng lại rất khác biệt về nhận thức và hành vi. Cả đời bà sống bằng nghề hái dừa, cuộc sống khó khăn nhưng bà thấy an yên. Câu nói giản dị được đúc kết từ cuộc sống vất vả, nhưng đủ truyền cảm hứng cho nhiều người, rằng “đồng tiền của người nghèo có mệnh giá riêng”. Vậy mệnh giá hay thước đo giá trị đồng tiền người nghèo làm ra là gì? Phải chăng, đồng tiền ấy là sự phản ánh của phẩm giá làm người, của lòng tự trọng và khả năng vượt lên nghịch cảnh, số phận bằng sức lao động, để không dựa dẫm, không than thân trách phận? Quả đúng như có người đã nói “nghèo khó là điều không đáng xấu hổ, nhưng xấu hổ vì nó thì rất đáng”!

Cần cái nhìn công tâm

Việc rà soát hộ nghèo mặc dù là việc làm định kỳ và thường xuyên, song nó cũng có tính thời điểm và bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Chẳng hạn như thời điểm tháng 4, tháng 5 vừa qua, dư luận cả tỉnh xôn xao vì có nhiều trường hợp hộ cận nghèo nhưng lại có nhà to đẹp và vẫn được hưởng trợ cấp từ gói 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 42 của Chính phủ. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Quảng Xương, thì tại thời điểm rà soát, bình xét hộ nghèo (bắt đầu tháng 8-2019 đối với cấp xã), nhiều hộ gia đình vốn nằm trong ngưỡng cận nghèo, do thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và có nhiều hộ phát sinh khó khăn đột xuất. Từ thời điểm rà soát đến khi phát sinh các sự việc liên quan đến chi trả chính sách theo Nghị quyết 42, đã là 8 - 9 tháng. Trong khoảng thời gian này, nhiều hộ dân nhờ vào các nguồn “trợ lực” và từ sự nỗ lực làm ăn, nên cuộc sống đã tốt hơn. Ví như trường hợp hộ ông Đinh Văn Tài (thôn Hòa, xã Quảng Nham) vốn làm nghề đi biển, vợ làm nghề gội đầu - cắt tóc, có 3 con nhỏ. Tuy chung vốn cùng anh em mua được 1 tàu cá, nhưng do một lần gặp nạn trên biển (ở khu vực Bạch Long Vĩ, tỉnh Quảng Ninh), con tàu đã bị hư hỏng nặng. Thiệt hại lớn và bất ngờ đã khiến gia đình lâm vào cảnh túng thiếu, khó khăn. Bởi vậy, khi tiến hành rà soát, hộ ông Lâm đã được địa phương xét vào danh sách hộ cận nghèo. Đồng thời, được hỗ trợ vay vốn làm ăn, tạo sinh kế nên cuộc sống gia đình hiện đã cải thiện đáng kể.

“Người nhà cán bộ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo” là câu nói khá “nhạy cảm” thời gian qua và cũng rất dễ gây tranh cãi. Câu nói này có thể lý giải theo hai cách. Thứ nhất, “người nhà cán bộ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo” là điều phi lý, thậm chí là sai phạm nghiêm trọng. Điều đó đúng với điều kiện “người nhà” này không có đủ các căn cứ, cơ sở hay tiêu chí để đứng tên trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đồng thời, có sự nể nang, nương tay, châm chước trong quá trình rà soát; hoặc có sự chỉ đạo, gửi gắm từ “cán bộ” đối với ban chỉ đạo rà soát; hoặc do chính quyền cơ sở cố tình “mắt nhắm mắt mở” trong khi phê duyệt danh sách hộ nghèo, cận nghèo... Thứ hai, “người nhà cán bộ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo”, tại sao không? Bởi thực tế, có những ông trưởng thôn hay bí thư chi bộ, trước thời điểm được người dân tín nhiệm bầu vào các vị trí công tác, thì gia cảnh cũng không khấm khá. Kể cả gia đình họ có hoàn cảnh tốt, thì điều đó cũng không đồng nghĩa với việc anh em họ hàng cũng đều có hoàn cảnh tốt và không được nghèo hay không gặp phải hoàn cảnh khó khăn, tai ương đột xuất. Chính vì vậy, nhìn nhận một sự việc, phải nhìn ở một quá trình, dưới nhiều góc độ, trên nhiều phương diện mới thấy được bản chất. Còn nếu để hiện tượng dẫn dắt thì sẽ khó tránh khỏi sự quy kết và phủ định một cách đáng tiếc.

Thực tế, việc giao chỉ tiêu giảm nghèo là cần thiết. Bởi lẽ, đây là căn cứ để các địa phương huy động nội lực, ngoại lực cho công cuộc giảm nghèo. Đồng thời, cũng là nhằm tránh tình trạng nơi muốn làm tốt sẽ tìm giải pháp, còn nơi không muốn làm sẽ tìm lý do bao biện. Tuy nhiên, có điều gì đó vẫn chưa thật thỏa đáng. Quy trình “chuẩn” trong công tác giảm nghèo hiện nay đi theo hướng từ trên xuống. Nghĩa là huyện giao chỉ tiêu xuống xã, xã giao chỉ tiêu về thôn và thôn “chọn mặt gửi vàng” một số hộ để đưa vào diện “cần giảm”. Song, giả sử có một quy trình đi ngược lại là bắt đầu từ thôn, trong quá trình rà soát, nắm bắt tình hình trên địa bàn để đánh giá cơ sở, điều kiện, khả năng và nguyện vọng của các hộ dân thuộc đối tượng nghèo và cận nghèo. Từ đó, lập danh sách số lượng/chỉ tiêu hộ nghèo và cận nghèo có thể giảm trong năm để báo cáo lên cấp trên. Đồng thời, dựa trên căn cứ khách quan, sát với tình hình thực tế địa phương, chính quyền cơ sở sẽ đề xuất các cơ chế và giải pháp hỗ trợ các đối tượng? Cũng bởi, đi theo quy trình từ trên xuống nên công cuộc giảm nghèo đối với không ít địa phương, cũng ví như chữ “đao” treo trên đầu chữ “tâm” vậy. Bởi không dễ thực hiện nên có nơi phải vừa “làm” vừa “lựa”, sao cho “trên thuận” (đúng chính sách, đúng chỉ đạo và đúng chỉ tiêu được phân bổ) – “dưới hòa” (được người dân đồng tình, ủng hộ). Dùng chữ “nhẫn” để đi trên lớp băng mỏng, chẳng may băng tan thì sa sẩy là khó tránh. Và sai phạm tại xã Thiệu Thành như chúng tôi đã nêu ở bài trước, là một ví dụ nhãn tiền.

...

Vun “cái gốc” cho vững

Cả một đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh có vô vàn mối quan tâm, trong đó, công tác cán bộ được Bác dành sự quan tâm đặc biệt. Người cho rằng “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, nên trong việc sử dụng cán bộ phải đánh giá đúng để “khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu” của họ. Đồng thời, cũng bởi “dụng nhân như dụng mộc”, nên trong công tác cán bộ, sử dụng đúng cán bộ đã khó, xử lý sai phạm còn khó hơn, bởi phải xử lý sao cho đúng công đúng tội. Sai phạm đương nhiên cần xử lý, nhưng đó mới là phần ngọn, là phương án xử lý tình huống. Còn cái gốc vấn đề vẫn là xây dựng được đội ngũ cán bộ cấp cơ sở đủ về số lượng, cao về chất lượng, mạnh về năng lực... để làm điểm tựa cho việc triển khai các quyết sách ở tầm vĩ mô đi vào đời sống và mang lại hiệu quả như mục tiêu kỳ vọng.

Trong hoạt động của bộ máy chính quyền, thì UBND cấp xã là khâu cuối cùng, cũng là khâu giữ vai trò quyết định hay là nền tảng để triển khai các quyết sách. Với các chính sách giảm nghèo cũng vậy, không chỉ được giao chỉ tiêu, các xã còn phải xây dựng kế hoạch thực hiện và hàng năm đều điều tra nguyên nhân, đánh giá nhu cầu, lập danh sách hộ dự kiến thoát nghèo và xây dựng giải pháp giảm nghèo đến từng hộ. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên, các tổ chức đoàn thể, hộ khá... hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Cũng từ đó mà trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cấp xã là rất nặng nề. Đồng thời, yêu cầu đối với đội ngũ này không chỉ là kiến thức chuyên môn, năng lực quản lý, kỹ năng điều hành và phương pháp thực hiện nhiệm vụ, thực thi công vụ; mà còn là phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển.

Theo thống kê của Sở Nội vụ, tính đến hết năm 2018, 93,5% cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên (mục tiêu đến năm 2020 là 100%); 85% công chức cấp xã có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí đảm nhiệm (mục tiêu đến năm 2020 là 90%). Hàng năm, có khoảng 59% cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp, đạo đức công vụ (mục tiêu là 60%). Ngoài ra, ít nhất 1 lần, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được bồi dưỡng, cập nhật và nâng cao kỹ năng, phương pháp hoạt động... Cũng theo đánh giá, thì công tác đào tạo, bồi dưỡng hàng năm đã góp phần tạo sự chuyển biến sâu sắc, từng bước xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đủ tiêu chuẩn, chức danh, trình độ, bản lĩnh lãnh đạo, quản lý và thành thạo chuyên môn, nghiệp vụ.

Đương nhiên, từ đánh giá qua báo cáo số liệu, đến đánh giá dựa trên năng lực và hiệu quả thực thi nhiệm vụ trong thực tiễn, vẫn luôn có khoảng cách. Song, dù có đánh giá ra sao thì thiết nghĩ, vẫn phải đặt đội ngũ này trong điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, bằng sự công tâm, khách quan và cái nhìn toàn diện.

Nhóm PV Phòng VHXH

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/ra-soat-ho-ngheo-nhung-chuyen-chua-ke-bai-cuoi-xoay-chieu-nghich-ly/121115.htm