Rà soát để hạn chế những nghịch lý

Hai xã cạnh nhau, có điều kiện kinh tế - xã hội gần giống nhau, nhưng do một xã nằm trong danh sách xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) nên giáo viên tại đây có mức lương gấp đôi. Chính vì vậy, có không ít trường hợp, giáo viên thuộc diện 'ưu tiên' mới được phân công về dạy ở xã ĐBKK.

Từ chính sách nhân văn

Nghị định 116/2011/NĐCP và Nghị định 19/2013/NĐCP của Chính phủ quy định: Cán bộ quản lý, nhà giáo công tác ở vùng kinh tế ĐBKK sẽ được hưởng phụ cấp ưu đãi bằng 70%, phụ cấp thu hút bằng 70% lương.

P hụ cấp thu hút, ưu đãi là động lực để các thầy, cô giáo kiên trì bám trụ ở những vùng đất khó

Với chính sách nhân văn này, từ năm 2011 đến nay, nhiều giáo viên đã có thêm điều kiện để bám bản, bám lớp dạy học cho các em học sinh, đặc biệt là trẻ em DTTS. Thay vì mức lương 2,5 – 3 triệu đồng/tháng, nhiều thầy cô giáo trẻ đã có mức lương 6 – 7 triệu đồng/tháng, tạm đủ để trang trải sinh hoạt. Thậm chí, tại nhiều điểm trường mà học sinh đa số là con hộ nghèo, số tiền lương này còn được các thầy cô bớt ra để mua sách vở, đồ dùng giúp đỡ các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Cô giáo Hảng Thị Háng, dạy học ở điểm trường Kể Cả (xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) chia sẻ: Ở điểm trường xa, cái gì cũng thiếu thốn, nhưng với mức lương có thêm phụ cấp thu hút và phụ cấp ưu đãi, mỗi tháng cô cũng tiết kiệm được một vài triệu đồng gửi về nuôi con nhỏ. Giống với cô Háng, thầy Trần Xuân Hiệu, Phụ trách mảng bán trú, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Du Tiến (xã Du Tiến, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang) thật thà bộc bạch: Dạy học xa nhà cả hơn trăm cây số, học sinh thích thì đi học, không thích thì nghỉ học lên nương… giữ được học sinh, thầy cô cực khổ trăm bề. Nếu không có thêm phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thu hút chắc không nhiều thầy cô bám trụ được với nghề.

Rất nhiều lần ngược núi lên với các điểm trường ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Nậm Pồ (Điện Biên), Mường Tè (Lai Châu)…, tôi luôn ngưỡng mộ những thầy cô giáo đang cắm bản trong điều kiện muôn vàn khó khăn. Chứng kiến các thầy cô khắc phục vất vả, kiên trì gieo chữ nơi vùng đất khó, mới thấy hết ý nghĩa nhân văn, thiết thực mà Nghị định 116/2011/NĐCP mang lại. Bên cạnh lòng yêu nghề, chính sách này chính là động lực để các thầy cô giáo thêm yên tâm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

… Đến những bất cập cần tháo gỡ

Cũng liên quan đến chính sách phụ cấp ưu đãi và phụ cấp thu hút cho giáo viên công tác tại vùng ĐBKK, mới đây, tôi đã nghe được câu chuyện: Một cô giáo thay vì nhận phân công làm hiệu trưởng ở trường mầm non xã A, đã làm đơn xin được làm hiệu phó của trường mầm non xã B, chỉ vì xã B là… xã biên giới, xã 135. Công tác ở xã B đương nhiên sẽ có mức lương cao gấp đôi ở xã A, trong khi 2 xã giáp nhau, đường sá khá thuận tiện.

Đây là thực tế không hiếm ở một số địa phương hiện nay. Khi mà, cơ sở hạ tầng của nhiều xã vùng ĐBKK, vùng bãi ngang ven biển đã được đầu tư khá đầy đủ. Nhiều điểm trường được xây dựng khang trang, ô tô, xe máy có thể đi đến tận sân trường. Với điều kiện như vậy, nhưng chỉ vì có tên trong danh sách xã ĐBKK mà mức lương của nhiều thầy cô dạy tại đây đã tăng gấp đôi. Điều này đã tạo nên những thắc mắc, so sánh của giáo viên ở các xã kề bên nhưng không được hưởng phụ cấp ưu đãi, thu hút.

Bên cạnh đó, phụ cấp ưu đãi, thu hút theo quy định là 70% lương, nhưng với giáo viên mới vào nghề, lương còn thấp - mức phụ cấp này chỉ là 2 - 3 triệu đồng/tháng; trong khi giáo viên lâu năm, phụ cấp có thể lên tới - 10 triệu đồng/tháng. Thực tế, chi phụ cấp kiểu “cào bằng” này đang khiến những giáo viên cùng dạy ở một điểm trường, nhưng lại có mức thu hút, ưu đãi chênh nhau đến 6 - 8 triệu đồng. Chưa kể không ít trường hợp, các thầy cô có hộ khẩu ở vùng ĐBKK, gia cảnh neo đơn nhưng dạy học ở địa bàn không phải xã ĐBKK nên không được hưởng ưu đãi, khiến thầy cô vẫn phải xoay đủ nghề để sống.

Rõ ràng, không thể phủ nhận ý nghĩa, giá trị của Nghị định 116/2011/NĐCP đối với đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, đã đến lúc cần có sự rà soát, bổ sung, sửa đổi để hạn chế những nghịch lý, bất công khi triển khai chính sách này. Làm sao để các khoản phụ cấp đến được đúng tay giáo viên cần hỗ trợ, là động lực để động viên, khuyến khích các thầy cô gắn bó với nghề. Đồng thời, cắt giảm chế độ này tại những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đang dần tốt lên, từng bước tiết kiệm ngân sách nhà nước, tạo công bằng trong giáo dục.

Phương Tú

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ra-soat-de-han-che-nhung-nghich-ly-111725.html