Rà soát để đổi mới thủ tục, tránh nhiêu khê

Mặc dù thời gian qua Chính phủ đã nỗ lực cải cách cắt giảm các điều kiện kinh doanh phi lý, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, trong đó chú trọng cải cách thủ tục hành chính liên quan đến thuế, hải quan song theo đánh giá của Ngân hàng thế giới thì chỉ số nộp thuế của Việt Nam tụt 45 bậc.

Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, chuyên gia tài chính-ngân sách Bùi Đức Thụ cho rằng, thủ tục thuế so với yêu cầu vẫn còn nhiều vấn đề cản trở và cần đổi mới mạnh mẽ, toàn diện.

Ông Bùi Đức Thụ.

PV: Thưa ông, trong thời gian qua dù chúng ta đã nỗ lực trong cải cách hành chính, cắt giảm những điều kiện kinh doanh để tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh nhưng chỉ số nộp thuế của ta vẫn chưa được cải thiện. Vậy phải chăng vẫn còn những lực cản đang tồn tại?

Ông Bùi Đức Thụ: Thuế giữ vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế, không chỉ tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN) mà còn để đảm bảo cho nhiệm vụ chi, quản lý kinh tế - xã hội. Trong những năm qua ngành thuế đã có nhiều đổi mới, đặc biệt là thủ tục thuế. Tuy nhiên so với yêu cầu vẫn còn nhiều vấn đề cản trở cần đổi mới mạnh mẽ toàn diện hơn để tạo nên môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Những tồn tại của ngành thuế hiện nay có thủ tục quản lý thuế. So với nhiều nước trong khu vực và thế giới thì số giờ làm thủ tục của ta còn cao. Hơn lúc nào hết chúng ta cần rà soát quy trình thủ tục quản lý thuế làm sao càng đơn giản, công tác tuyên truyền ngày càng tốt để nghĩa vụ nộp thuế trở thành tự giác của người dân, còn cơ quan quản lý nhà nước chỉ kiểm tra, đôn đốc thực thi pháp luật, chứ hiện tại thủ tục dù có đổi mới, rút ngắn nhưng vẫn hết sức nhiêu khê. Thanh tra, kiểm tra thuế cũng còn nhiều vấn đề. Mặc dù một số đơn vị đã được thanh tra thuế nhưng khi kiểm toán vào làm việc vẫn phát hiện ra số nợ đọng, trốn thuế còn tương đối lớn.

Hệ thống thuế của ta đã có nhiều cải cách, thu nội địa tăng chiếm tỷ trọng tương đối lớn, thu từ tài nguyên như: Cấp quyền sử dụng đất, dầu thô, khoáng sản giảm cho thấy thu đã chủ động hơn, thu trên 80% ở lĩnh vực sản xuất, kinh doanh làm cho thu NSNN ổn định và bền vững hơn. Tuy nhiên hệ thống thu từ sản xuất kinh doanh vẫn có nhiều yếu tố chưa bền vững. Phần lớn thất thoát thuế trong quá trình mua bán, chuyển đổi như thu từ tiền cấp quyền sử dụng đất, cho thuê mặt đất, mặt nước, cho thuê sử dụng công sản.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành Tài chính, Thủ tướng đã chỉ rõ vẫn còn những thủ tục hành chính, đặc biệt chi phí không chính thức sẽ “giết chết” doanh nghiệp. Vậy chúng ta cần giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên thưa ông?

- Đa số cán bộ thuế được đào tạo cơ bản, có chất lượng, có đạo đức phẩm chất nhưng bên cạnh đó có một bộ phận nhỏ đạo đức bị xuống cấp trong điều kiện kinh tế thị trường. Nhũng nhiễu với doanh nghiệp, cá nhân người nộp thuế để từ đó phát sinh những tiêu cực, tham nhũng. Phát hiện ra sai phạm của doanh nghiệp thì một số cán bộ có biểu hiện “mặc cả”, “ăn chia” không những làm lu mờ hình ảnh của ngành Thuế, Hải quan đồng thời cũng làm ảnh hưởng đến số thu của NSNN.

Thực tế thu thuế đối với các đối tượng là các tổ chức kinh tế chúng ta thu theo hóa đơn, chứng từ nên có cơ sở pháp lý. Nhưng đối với kinh tế hộ gia đình và kinh tế tư nhân thì chủ yếu thu dưới hình thức khoán. Cơ chế khoán có mặt tích cực là đơn giản hóa thủ tục do chỉ căn cứ vào mức thuế khoán hàng năm mà các hộ gia đình, cá nhân phải nộp cho Nhà nước nhưng cũng là “mảnh đất màu mỡ” dẫn đến việc “ăn chia” giữa cán bộ thu thuế với hộ gia đình kinh doanh cá thể.

Qua thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan dân cử vừa qua cho thấy, một số cán bộ có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực. Để xử lý vấn đề này phải có cơ chế khuyến khích các hộ gia đình kinh doanh lớn chuyển đổi thành doanh nghiệp để quản lý chuẩn chỉ theo đúng quy định của pháp luật. Đối với hộ nhỏ và cá nhân kinh doanh mức khoán phải công khai, và thông qua giám sát của người dân sẽ ngăn chặn, loại trừ dần kiểu làm luật như hiện nay.

Trong thời gian tới khi chúng ta ký hàng loạt các hiệp định FTA thế hệ mới và hội nhập sâu rộng thì vấn đề thu thuế sẽ trở nên khó khăn khi thuế suất theo cam kết kéo giảm gần như về 0%. Vậy trong bối cảnh đó, theo ông làm sao để có thể thu đúng, thu đủ để đảm bảo nguồn lực chi cho bộ máy và đầu tư phát triển?

- Trong thời gian tới thu trong lĩnh vực xuất nhập khẩu sẽ còn giảm, cùng với hội nhập kinh tế quốc tế chúng ta mở cửa WTO, ký một loạt FTA thế hệ mới thì phải mở cửa thị trường, bãi bỏ thuế quan. Tình hình đó dẫn đến thu thuế xuất nhập khẩu, chủ yếu là nhập khẩu sẽ giảm, ước tính khoảng vài chục ngàn tỷ đồng trong năm 2019. Đây là một thách thức lớn cần nghiên cứu và có giải pháp phù hợp để không chỉ đảm bảo nguồn thu của NSNN, duy trì mức chi, bội chi NSNN ở mức Quốc hội cho phép. Tôi cho rằng, ngoài công cụ tài chính cần xử lý phối hợp tổng hợp các công cụ khác như tiêu chí mà các nước đã làm là dựng lên hàng rào kỹ thuật để kiểm soát dòng hàng nhập khẩu, từng bước làm lành mạnh hóa cán cân thương mại quốc tế, cũng như đảm bảo sự ổn định của sản xuất kinh doanh trong nước.

Như vậy để NSNN được đảm bảo trong bối cảnh cắt giảm thuế theo các cam kết, chúng ta phải siết lại vấn đề thu, thưa ông?

- Trong quản lý thu còn nhiều vấn đề cần phải đặt ra. Theo quy định mọi khoản thu của NSNN phải được phản ánh đầy đủ, kịp thời vào NSNN nhưng cũng có một số địa phương, đơn vị xuất hiện khoản thu không nộp đầy đủ và phản ánh vào trong cân đối NSNN. Ví dụ một số khoản thu từ cấp quyền sử dụng đất thông qua các dự án bất động sản các địa phương đặt ngoài sổ sách và chỉ phản ánh vào cân đối ngân sách một phần. Như vậy là không đúng yêu cầu của pháp luật. Hay khoản thu từ xổ số kiến thiết trước kia là nguồn thu NSNN dùng để đầu tư vào các công trình phúc lợi xã hội, văn hóa, giáo dục. Theo Luật NSNN năm 2015 phải phản ánh đầy đủ vào trong số thu cân đối NSNN nhưng hiện tại qua kết quả kiểm toán thấy rằng một số đơn vị, địa phương chưa thực hiện tốt việc này…Do đó thời gian tới ngành thuế phải đổi mới cải cách để đảm bảo thu đúng, thu đủ một cách kịp thời đúng theo các quy định mà Nhà nước đã ban hành.

Trân trọng cảm ơn ông!

H.Vũ (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/ra-soat-de-doi-moi-thu-tuc-tranh-nhieu-khe-tintuc427566