Rà soát Đề án phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh

Ngày 6/3, UBND tỉnh có buổi làm việc, rà soát, nghe đơn vị tư vấn báo cáo Đề án phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì, cùng dự có đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì buổi làm việc.

Quảng Ninh hiện có 6 khu vực cảng, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Quảng Ninh tăng trưởng trung bình 21,7%/năm. Cụ thể, năm 2018, tổng lượng hàng hóa thông qua các cảng đạt 81,79 triệu tấn, chủ yếu thông qua 2 cảng là Cái Lân và Cẩm Phả, chiếm 97,5% lượng hàng hóa trực tiếp. Cảng biển của Quảng Ninh đang khai thác phát triển 11 loại dịch vụ, trong đó nổi bật là dịch vụ bốc xếp hàng hóa tại cảng CICT được trang bị hệ thống xếp dỡ hàng hóa hiện đại với 4 cẩu bờ Panamax; dịch vụ đóng mới, sửa chữa tàu biển tại Nosco Vinalines; dịch vụ quản lý hải quan tự động… đem lại doanh thu tốt, năm 2018 đạt 1.801 tỷ đồng, tỷ trọng đóng góp giá trị tăng thêm của ngành dịch vụ cảng biển trong GRDP là 0,42%.

Tuy nhiên, theo đánh giá từ đơn vị tư vấn, dù có nhiều lợi thế, kết nối giao thương với các tỉnh trong vùng, cả nước và quốc tế ở cả 4 phương thức giao thông gồm đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không là điều kiện tốt để thu hút hàng hóa biên mậu, hàng hóa từ các tỉnh lân cận, thu hút khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, đến nay dịch vụ cảng biển của tỉnh còn đơn giản, chất lượng thấp. Các cơ chế, chính sách phát triển dịch vụ cảng biển chưa hoàn thiện, thiếu ưu đãi để thu hút đầu tư. Đặc biệt, lợi thế của tỉnh trong việc phát triển dịch vụ cảng biển chưa được phát huy tối đa.

Từ yêu cầu thực tế, Quảng Ninh đã xây dựng Đề án phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên quan điểm gắn kết, phù hợp chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Đơn vị tư vấn báo cáo Đề án phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Cụ thể: Giai đoạn đến năm 2030 sẽ phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng nhanh, đồng bộ, hiện đại theo chuẩn quốc tế gắn với các khu kinh tế, khu công nghiệp; tập trung nguồn lực đầu tư các bến cảng tại khu vực tiềm năng; ưu tiên hình thành chuỗi dịch vụ cảng biển gắn liền với hoạt động kinh tế, giao lưu thương mại quốc tế, phát triển tối thiểu 15/20 dịch vụ. Đến năm 2045 định hướng phát triển cảng biển và kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào quản lý, khai thác, phát triển 20/20 dịch vụ.

Trên cơ sở đó, mục tiêu tổng doanh thu dịch vụ cảng biển đến 2025 đạt khoảng 22.000 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng trung bình mỗi năm đạt 14,5%; đến năm 2030, tổng doanh thu dịch vụ cảng biển đạt khoảng 33.000 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng trung bình mỗi năm đạt 12,5%. Từ 2045, đưa cảng biển Quảng Ninh trở thành ngành chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu ngành dịch vụ của tỉnh.

Tại cuộc họp, các đơn vị liên quan đã làm rõ thêm một số nội dung: giải pháp đối với vấn đề chuyển tải hàng hóa, phát triển hệ thống cảng khách và khai thác hiệu quả cảng thủy nội địa, hạ tầng giao thông hiện có… Đồng thời, đề xuất bổ sung một số giải pháp phát triển vào nội dung đề án.

Đại diện lãnh đạo Cảng CICT tham gia ý kiến vào đề án.

Kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ghi nhận nỗ lực của tổ công tác đề án và đơn vị tư vấn.

Đồng chí nhấn mạnh: Mục tiêu của đề án nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; giải pháp phát triển chất lượng dịch vụ cảng biển; khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển; các giải pháp về nguồn vốn đầu tư, phát triển, đào tạo nguồn nhân lực. Vì thế, tổ công tác, đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến tại cuộc họp, làm rõ thêm một số nội dung, số liệu đảm bảo chính xác, phân tích so sánh lợi thế với cảng Hải Phòng.

Đặc biệt cần lưu ý diện tích đất quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển, như khu vực phát triển hạ tầng tại Quảng Yên cần có từ 3.000 - 5.000ha để phát triển kết nối với hệ thống logistics cảng Hải Phòng, phân tích sâu hơn về hiện trạng một số cảng biển lớn để đưa ra giải pháp áp dụng cho Quảng Ninh, phải rõ tính chất đặc thù.

Đỗ Phương

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201903/ra-soat-de-an-phat-trien-cang-bien-va-dich-vu-cang-bien-tren-dia-ban-tinh-2431904/