Ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa

Sáng 9/6, Lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa do Bộ TN&MT phối hợp với UBND TP Hà Nội và T.Ư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức đã diễn ra tại khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ (phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Tham dự buổi lễ có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bộ Trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành T.Ư, lãnh đạo các địa phương, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, các tập đoàn, tổng công ty, các tổ chức quốc tế cùng đông đảo học sinh, sinh viên và nhân dân TP Hà Nội.

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ ra quân

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ ra quân

Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa là một hành động thiết thực đối với môi trường sống của mỗi người. Đồng thời đánh giá cao phong trào - sáng kiến có ý nghĩa quan trọng mang tính toàn cầu này.

Thủ tướng cho biết: Vấn đề rác thải nhựa và túi nilon đã trở thành vấn đề toàn cầu, không của riêng một quốc gia, một địa phương đơn lẻ nào. Năm 2018, Liên hợp quốc đã phát động chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông”, nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng cùng thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2019, nguyên thủ các nước, lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia đã cam kết mạnh mẽ về việc chống rác thải nhựa. Nhiều quốc gia trên thế giới đã có những hành động cụ thể để giảm thiểu và cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa không thân thiện môi trường, đồng thời tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa.

Theo số liệu của Bộ TN&MT, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang đối mặt tình trạng ô nhiễm do chất thải nhựa gây ra cho môi trường. Tại Việt Nam, ước tính mỗi người dân tiêu thụ sử dụng khoảng từ 30 đến 40 kg nhựa/năm và là một trong bốn quốc gia tại châu Á (sau Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a và Phi-li-pin) phát sinh chất thải nhựa nhiều nhất. Riêng hai TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilông/ngày. Số lượng bao bì nhựa và túi ni lông sử dụng ngày càng gia tăng ở Việt Nam dẫn đến lượng thải bỏ tăng dần theo từng năm. Tỷ lệ chất thải bao bì, túi ni lông không được tái sử dụng, phải chôn lấp chiếm khoảng từ 5 - 8% tương đương với khoảng 2,5 triệu tấn/năm.

Vì môi trường sống và sự phát triển bền vững của hành tinh chúng ta, cùng cộng đồng quốc tế, Việt Nam tích cực đề xuất các sáng kiến và tham gia các cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để giải quyết rác thải nhựa. Nước ta đã ban hành và thực thi nhiều chính sách, quy định liên quan trực tiếp đến quản lý chất thải rắn, đặc biệt là nhựa và túi nilon, như: Luật môi trường, Luật thuế bảo vệ môi trường, Nghị định về quản lý chất thải, Chiến lược quốc gia về xử lý chất thải rắn và gần đây là Chỉ thị 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đối với phế liệu nhập khẩu, bao gồm nhựa phế liệu.

“Với quan điểm nhất quán là không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng, phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Kinh tế, xã hội và môi trường là 3 trụ cột cho Việt Nam phát triển bền vững và là nhiệm vụ trọng tâm của quá trình phát triển. Chính phủ đang quyết liệt thực hiện chính sách, chiến lược để kiểm soát ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, nhất là sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, trong đó chú trọng giảm thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng, tận dụng tối đa giá trị của rác thải nhựa cho phát triển kinh tế - xã hội” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng kêu gọi: Cộng đồng doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm xã hội, cùng chung tay chống rác thải nhựa, tích cực tham gia phân loại, thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; các cửa hàng, siêu thị, nhà hàng, khu du lịch, dịch vụ, khách sạn… không sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; khuyến khích người mua sắm tự mang bao bì, túi đựng sử dụng nhiều lần, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Cần đặt quyết tâm chính trị cao, phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Mỗi người dân, từng cộng đồng dân cư ngay từ bây giờ hãy thực hiện từ những hành động nhỏ nhất, thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa và túi ni lông, góp phần bảo vệ môi trường sống cho chúng ta và các thế hệ mai sau.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại lễ ra quân

5 giải pháp trọng tâm của Hà Nội

Tại buổi lễ ra quân, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã thay mặt lãnh đạo các tỉnh, TP trên cả nước phát biểu hưởng ứng lời kêu gọi và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục chung tay với cộng đồng quốc tế ngăn chặn hiểm họa của ô nhiễm rác thải nhựa đối với môi trường sinh thái và sức khỏe người dân.

Để thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết TP Hà Nội sẽ tập trung triển khai ngay một số giải pháp, biện pháp trọng tâm. Trong đó, tổ chức lễ ký bản cam kết chống rác thải có nguồn gốc từ nhựa trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng của TP Hà Nội và một số tỉnh, TP đến 100% các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối; mục tiêu đến ngày 31/12/2020, 100% các trung tâm thương mại, siêu thị không dùng túi nilon;

Nắm bắt tình hình các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, sử dụng rác thải nhựa trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng để có các các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi nilon sử dụng một lần đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Gắn kết các doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp kinh doanh để chung tay vào cuộc trong công tác bảo vệ môi trường, từ khâu sản xuất cho đến tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường trên địa bàn TP;

Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu đi bộ đồng hành để cổ vũ, hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa.

Xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, bao gói, túi xách thân thiện với môi trường; đưa danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm nhựa tái chế, bao gói, túi xách thân thiện với môi trường vào danh mục các dự án khuyến khích đầu tư xã hội hóa…. Đồng thời, triển khai hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 3258/VPCP-KGVX ngày 23/4/2019 với mục tiêu thực hiện cam kết đến ngày 31/12/2020 giảm tối đa các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng từ nhựa xuống thấp nhất;

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy; nghiên cứu cơ chế chuyển giao công nghệ tiên tiến tái chế chất thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy trở thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường; thực hiện các biện pháp phân loại chất thải tại nguồn;…

Nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách trình HĐND TP về việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp đóng, sản xuất túi lilon nhựa chuyển đổi công nghệ sang sản xuất các loại túi vải, túi giấy; chính sách hỗ trợ cho người dân để chuyển đổi thói quen từ dùng túi nilon sang túi bằng các chất liệu khác dùng nhiều lần.

“Bằng những hành động thiết thực và cụ thể nêu trên, tôi tin tưởng rằng, với những chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực chỉ đạo thực hiện của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự chung tay hành động của mỗi người dân, cộng đồng doanh nghiệp và hỗ trợ tích cực từ các tổ chức quốc tế, TP Hà Nội cùng với cả nước sẽ thực hiện thành công, có hiệu quả phong trào “Chống rác thải nhựa” góp phần giữ gìn và bảo vệ môi trường chung của chúng ta” - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định.

Chất thải nhựa và túi nilon có thể do con người xả thải trực tiếp hoặc bị cuốn trôi theo nước mưa xuống cống, sông, ao, hồ, biển… sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp đến chất lượng môi trường sống và sức khỏe con người; làm giảm diện tích ao, hồ, sông; gây cản trở các dòng chảy, tắc cống rãnh thoát nước. Sự tồn tại của nó trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước bởi túi ni lông lẫn vào đất sẽ ngăn cản ôxi đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, từ đó làm cho cây trồng chậm tăng trưởng.

Thương Huế

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ra-quan-toan-quoc-phong-trao-chong-rac-thai-nhua-345162.html