Ra nước ngoài đăng ký khởi nghiệp thủ tục dễ hơn trong nước

Thủ tục đầu tư, đăng ký kinh doanh rườm rà khiến các nhà đầu tư, doanh nghiệp chạy ra nước ngoài tìm cơ hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Một doanh nghiệp cơ khí tại TPHCM ứng dụng đổi mới sáng tạo vào sản xuất . Ảnh: Văn Nam

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 9 HĐND TPHCM diễn ra sáng nay (12-7), ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM nêu thực trạng hiện nay rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sang Singapore để đăng ký thành lập công ty vì ở đó, các thủ tục đăng ký kinh doanh rất nhanh gọn.

"Khi đầu tư mạo hiểm, họ cần thủ tục cực kỳ nhanh vì nay họ đầu tư nhưng tháng sau có thể bán lại. Trong khi đó, các thủ tục về đầu tư, hoàn tất hồ sơ tại Việt Nam kéo dài đến mấy tháng. Đương nhiên hệ lụy của sự chậm chạp này dẫn đến kết quả thu hút đầu tư khởi nghiệp còn khiêm tốn so với khu vực", ông Dũng nói.

Ông Dũng cho biết trong năm 2016, Việt Nam chỉ thu hút được 202 triệu đô la Mỹ trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong khi đó, khu vực Đông Nam Á thu hút được hơn 2 tỉ đô la, còn thị trường đầu tư mạo hiểm của thế giới lên đến 250 tỉ đô la mỗi năm. Sang năm 2017, con số này ở Việt Nam cũng chỉ tăng lên 290 triệu đô la.

Thu hút đầu tư khởi nghiệp thấp, song mức chi cho nghiên cứu khoa học tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng cũng thấp. Theo ông Dũng, trong khi ở các nước, tỉ lệ chi cho nghiên cứu khoa học công nghệ chiếm 2-6% trong tổng GDP và trên 90% từ khu vực tư nhân thì kinh phí nghiên cứu khoa học từ ngân sách thành phố và từ các doanh nghiệp còn ít. Tiền chi cho mỗi đề tài nghiên cứu khoa học ít (mỗi đề tài khoảng 1 tỉ đồng), còn ở Nhật Bản, mỗi đề tài được chi đến vài triệu đô la.

Hiện Sở Khoa học và Công nghệ hàng năm đều hỗ trợ sinh viên thực hiện vườn ươm nghiên cứu khoa học. Mỗi đề tài nghiên cứu được ngân sách thành phố hỗ trợ 150 triệu đồng, tăng cao so với con số 40-50 triệu đồng/đề tài trước đây. Cùng với đó, các trường đại học tại hàng năm đều có các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng nghiên cứu khoa học sáng tạo tiềm năng.

Chất vấn Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, đại biểu Cao Thanh Bình nêu thực trạng nhiều chuyên gia nhận định các vườn ươm tạo chưa có nhiều hoạt động tương xứng với khả năng của một thành phố lớn như TPHCM, sự kết nối giữa doanh nghiệp và nhà khoa học chưa hiệu quả. Trong khi đó, hiện nay ngành nông nghiệp công nghệ cao có sản phẩm nhưng khó tiêu thụ sau thu hoạch, vậy thành phố có giải pháp gì hữu hiệu hơn?

Ông Dũng thừa nhận 24 vườn ươm tạo công lập về sáng tạo khoa học công nghệ của thành phố hiện vẫn chưa đạt hiệu quả tương xứng bởi họ hoạt động theo quy định của nhà nước, không bằng cơ sở ươm tạo tư nhân. Còn chuyện kết nối giữa nhà trường, viện nghiên cứu và doanh nghiệp chưa hiệu quả luôn là vấn đề nhức nhối lâu nay. Nguyên nhân là do “văn hóa” chia sẻ giữa các bên còn hạn chế.

"Hiện nay thành phố có chương trình kết nối cho 4 nhóm sản phẩm công nghiệp trọng điểm theo hướng đẩy mạnh kết nối giữa trường, viện và doanh nghiệp. Sắp tới, thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các vườn ươm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao …", ông Dũng nêu giải pháp

Về kết quả hỗ trợ khởi nghiệp thời gian qua, ông Dũng cho biết trong giai đoạn 2016 - 2018, thành phố đã nghiệm thu được trên 300 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó, gần 90% đề tài nghiên cứu được chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất, nhiều chuyển giao cho doanh nghiệp có thể sản xuất và bán được hàng ngay cho các đối tác lớn.

Nhiều đại biểu HĐND thành phố đặt vấn đề thành phố đang đối diện với ngập nước, kẹt xe, liệu ngành khoa học công nghệ thành phố có “sáng kiến” gì để người dân kết nối các thông tin về kẹt xe ngập nước để giám sát và ứng phó hay không?

Ông Dũng cho biết hiện thành phố đang hướng ngành công nghệ thông tin nghiên cứu giải pháp cho đô thị thông minh, đồng thời, các vườn ươm cũng đang tuyển chọn các dự án đóng góp cho việc xây dựng thành phố thông minh.

Văn Nam

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/td/275131/ra-nuoc-ngoai-dang-ky-khoi-nghiep-thu-tuc-de-hon-trong-nuoc.html