Ra ngõ gặp... VARVăn hóa - Giải trí 09:16 - 14/10/2021

Tối 12/10, đội tuyển bóng đá Việt Nam đã thất thủ 1-3 trên sân khách Oman. Trước một đối thủ có đẳng cấp cao hơn, lại được chơi trên sân nhà trước sự cổ vũ cuồng nhiệt của 17.000 khán giả, dù các cầu thủ của ta đã rất nỗ lực nhưng vẫn không thể tránh khỏi thất bại.

Đáng chú ý, đây là trận đấu mà Việt Nam phải chịu tới 2 quả penalty và cũng là trận đấu mà hệ thống trợ lý trọng tài bằng công nghệ video (VAR) phải rất nhiều lần "vào cuộc". 2 tình huống bị thổi penalty diễn ra theo một kịch bản gần y hệt nhau: Những "động tác thừa" của các hậu vệ khi cản phá đối phương và diễn ra ngay trong vòng cấm địa. Cụ thể, đó là những cú vung tay trúng mặt đối thủ của Tấn Tài và Duy Mạnh.

Ở V-League, những trường hợp như vậy vẫn thường diễn ra, phần lớn đều được các trọng tài bỏ qua với nhận định "không cố ý". Vì chưa có VAR nên nhận định của trọng tài trong một khoảnh khắc đều mang ý nghĩa quyết định. Các cầu thủ có lẽ cũng quen với điều kiện như vậy nên sử dụng các tiểu xảo một cách khá bản năng. Nhưng khi bước ra sân chơi lớn, có sự hỗ trợ của VAR thì những lỗi như vậy lập tức được các trọng tài "mổ xẻ" tới nơi tới chốn. Khi ấy, họ sẽ xác định đó là lỗi hành vi và không xét tới yếu tố việc phạm lỗi có cố ý hay không. Nhất là khi phải thi đấu trên sân khách, chuyện đội chủ nhà được trọng tài "ưu ái" hơn là điều thường thấy, khi ấy VAR không chỉ là công cụ hỗ trợ trọng tài mà còn có thể trở thành "căn cứ" để các vị "vua áo đen" đưa ra các quyết định bất lợi cho đội khách.

Không thể phủ nhận sự bất thường trong việc sử dụng VAR của tổ trọng tài bắt trận Oman - Việt Nam. Trong khi các bàn thắng của Oman đều được công nhận một cách dễ dàng thì bàn mở tỷ số của Việt Nam đã bị tổ trọng tài "lật đi lật lại" một loạt tình huống, dễ dàng nhận thấy ý đồ "vạch lá tìm sâu" của họ. Nhưng vì không có cái cớ nào để khước từ bàn thắng nên họ đành công nhận.

Việc lạm dụng VAR một cách có ý đồ như vậy không khỏi khiến các cầu thủ của ta ức chế tâm lý. Nhưng đó không thể là lý do để bào chữa cho thất bại. Không thể phủ nhận hai tình huống gây ra các quả penalty là do cầu thủ của ta có lỗi.

Đành rằng tiểu xảo là một phần của bóng đá nhưng để có thể chơi tiểu xảo mà không bị phạt, cầu thủ cần phải tập luyện rất công phu, đồng thời phải cập nhật các quy định của luật để thoát khỏi sự "trừng phạt" của VAR. Cầu thủ chơi ở các nền bóng đá hàng đầu không thiếu tiểu xảo nhưng trọng tài mặc dù có thể biết mà vẫn không thể thổi phạt. Đó là đẳng cấp.

Việt Nam có mặt tại vòng loại thứ 3 khu vực châu Á đã là một kỳ tích. Trước những đối thủ không cùng đẳng cấp, có lẽ chúng ta không nên quá quan tâm đến kết quả mà hãy nhìn vào những bước tiến về trình độ cầu thủ cũng như lối chơi của toàn đội để vui mừng và tự hào. Về phía ban huấn luyện và cầu thủ, qua từng trận đấu có thể rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục tiến bộ về mọi mặt, bao gồm cả kỹ năng sử dụng tiểu xảo để mai này VAR không còn là nỗi ám ảnh như những gì chúng ta mới trải qua...

BẢO KHÁNH

Nguồn Dân Sinh: https://baodansinh.vn/ra-ngo-gap-var-20211014080407.htm