Ra mắt Viện Trọng tài quốc tế Việt Nam

Chiều nay (20.11), Lễ ra mắt Viện Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIArb) đã được tổ chức tại TP.HCM, với sự góp mặt của các thành viên sáng lập, đông đảo khách mời là các trọng tài viên, luật sư, cán bộ ngành tư pháp...

Tầm nhìn của VIArb là trở thành tổ chức nghiên cứu và đào tạo về trọng tài và ADR hàng đầu Việt Nam, đóng góp cho sự tăng trưởng chất lượng và giá trị xã hội cho cộng đồng ADR Việt Nam.

Tầm nhìn của VIArb là trở thành tổ chức nghiên cứu và đào tạo về trọng tài và ADR hàng đầu Việt Nam, đóng góp cho sự tăng trưởng chất lượng và giá trị xã hội cho cộng đồng ADR Việt Nam.

Theo đó, VIArb là một tổ chức đào tạo phi lợi nhuận được thành lập bởi 7 thành viên sáng lập, những người được đào tạo bài bản, có nhiều kinh nghiệm hành nghề về trọng tài và các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) tại Việt Nam. Các thành viên sáng lập, gồm: Thạc sỹ-MCIArb Lương Văn Lý, Luật sư-FCIArb Trương Trọng Nghĩa, Tiến sĩ-MCIArb Lê Nết, Luật sư-MCIArb Lương Văn Trung, Thạc sĩ-MCIArb Phan Trọng Đạt, Luật sư-FCIArb Nguyễn Trung Nam, Luật sư Nguyễn Duy Linh.

Chia sẻ tầm nhìn chung, các thành viên sáng lập VIArb mong muốn về một tương lai phát triển mạnh mẽ của nghề nghiệp trọng tài và ADR tại Việt Nam, nâng tầm phát triển của cộng đồng ADR tại Việt Nam lên ngang tầm với thế giới cả về tầm vóc, kiến thức kinh nghiệm và sự kết nối với các thị trường ADR trong khu vực và quốc tế.

Trong phát biểu mở đầu buổi lễ, đại diện các thành viên sáng lập, Luật sư Trương Trọng Nghĩa chia sẻ sứ mệnh của VIArb: "Chúng tôi muốn góp phần phát triển ADR ở Việt Nam với tinh thần phi lợi nhuận. VIArb sẽ cố gắng cung cấp dịch vụ đào tạo và nghiên cứu để phát triển hoạt động ADR, làm sao để đông người có thể tiếp cận. Trong lộ trình có tính toán và chuẩn bị kỹ, VIArb cũng sẽ tổ chức những khóa học, giới thiệu các quy tắc trọng tài, các kỹ năng trọng tài quốc tế đang diễn ra và so sánh đánh giá để học hỏi, từ đó tiếp cận sâu rộng với quốc tế. Không chỉ VIArb, đang có và sẽ có những tổ chức như chúng tôi sẽ ra đời, cùng nhau chúng ta phát triển hoạt động ADR mạnh mẽ, rộng rãi, tiếp cận với thế giới và đặc biệt trong một sự tương tác với hệ thống tòa án của Việt Nam."

Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho biết không thông qua hoạt động VIArb để kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận mà mục đích tối cao là phát triển ADR ở Việt Nam.

Thực tế trong nhiều năm qua các thành viên sáng lập VIArb đã tự mình riêng rẽ và kết hợp với những nguồn lực khác tiến hành nhiều hoạt động thúc đẩy ADR tại Việt Nam như tham gia tổ chức các sự kiện, đào tạo, hội thảo chia sẻ về trọng tài và ADR, làm giám khảo, tài trợ cho các sự kiện lớn nhỏ về ADR và tham gia giám khảo, giảng dạy về ADR tại các trường đại học, các diễn đàn doanh nghiệp và luật sư, cũng như viết các bài nghiên cứu, chia sẻ kiến thức về ADR.

Tuy nhiên họ vẫn không ngừng trăn trở về việc tổ chức đào tạo một cách bài bản, chuyên nghiệp và có chiều sâu cho cộng đồng ADR tại Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam lạc hậu hơn thế giới khá nhiều trong lĩnh vực trọng tài và ADR, và các luật sư, trọng tài viên, hòa giải viên Việt Nam có ít cơ hội được tiếp cận với thông lệ cũng như thực tiễn giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Nhận định về điều này, Luật sư-FCIArb Nguyễn Trung Nam, giám đốc điều hành VIArb, chỉ ra thực tế trọng tài Việt Nam vẫn bị thiếu một mảnh ghép, đó chính là đào tạo và phát triển về con người. Điều này được nhiều người chia sẻ, rằng ở Việt Nam chưa có một chiến lược về đào tạo con người bài bản và chất lượng cao về trọng tài và chưa có tư duy trọng tài.

"Điều này có thể nhìn qua các khóa học cho sinh viên về trọng tài còn rải rác, chưa có nhiều trường đại học xây dựng được các chương trình đào tạo chuyên sâu, chuyên về trọng tài như ở nước ngoài. Hầu hết sự kiện, cách thức để chia sẻ và truyền tải thông tin về trọng tài cho mọi người mang tính phong trào, kết nối giao lưu nhiều hơn là những hóa học, khóa đào tạo có giá trị chuyên môn và bài bản. Đặc biệt, những người tham gia trong hoạt động trọng tài bao gồm trọng tài viên, luật sư tranh tụng, cả những người hoạt động trong hệ thống tòa án liên quan đến đến trọng tài thì cũng đều có chung một tình trạng là phải học hỏi qua thực tiễn hành nghề chứ không có sự bắt buộc, thúc đẩy để học những kiến thức mang tính bài bản, có hệ thống về hoạt đồng trọng tài", Luật sư-FCIArb Nguyễn Trung Nam cho biết.

VIArb là tổ chức tiên phong đào tạo trọng tài chuyên nghiệp tại Việt Nam.

Với việc thành lập VIArb vào ngày 28.5.2020 mà mục đích xây dựng những chương trình đào tạo cơ bản và nâng cao, cả ngắn hạn và trung, dài hạn về trọng tài và ADR chủ yếu cho những người đang và sẽ hành nghề trọng tài và ADR tại Việt Nam, VIArb là tổ chức tiên phong đào tạo trọng tài chuyên nghiệp tại Việt Nam, nơi tổ chức những chương trình đào tạo do ban biên tập soạn thảo trên cơ sở những chương trình đào tạo tiên tiến nhất trên thế giới của CIArb, SIAC và ICC, dựa trên những kiến thức và thực tiễn kết hợp của trọng tài quốc tế và Việt Nam đồng thời phù hợp với từng nhóm đối tượng học viên.

VIArb tập hợp các giảng viên đều là các trọng tài viên Việt Nam và quốc tế có kiến thức và thực tiễn sâu sắc về trọng tài quốc tế, và đều có các chứng chỉ quốc tế phù hợp về trọng tài và ADR, và đã có kinh nghiệm giảng dạy và đào tạo về trọng tài và ADR tại Việt Nam và nước ngoài.

Ngày 27.11 tới đây, khóa học của VIArb giới thiệu về Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và trọng tài quốc tế (chi phí tham gia khóa học chỉ 200.000 đồng) sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng trong vòng một ngày cho khoảng 200 luật sư. Sẽ có 8 giảng viên từ Đại học Luật TP.HCM, VIArb đứng lớp, chia sẻ các thông tin kiến thức về trọng tài, đặc biệt là thực tiễn trọng tài ở Việt Nam so sánh với rọng tài quốc tế. Sau hoạt động mang tính "mở màn" này của VIArb, theo Luật sư Nguyễn Trung Nam thì tiếp sau đó sẽ là các khóa học và khóa đào tạo khác giới thiệu về trọng tài, giới thiệu về hòa giải, khóa nâng cao cho trọng tài viên, khóa nâng cao cho luật sư tranh tụng, khóa nâng cao cho hòa giải viên.

Ngoài ra, còn có các khóa học đặc biệt dánh cho thẩm phán, thư ký tòa, khóa dành cho nhân chứng, khóa hòa giải trọng tài trong đầu tư...

Trọng Văn

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ra-mat-vien-trong-tai-quoc-te-viet-nam-26363.html