Ra mắt Tủ sách biển đảo quê hương

Ngày 10-12, tại Hà Nội, Tủ sách Biển đảo quê hương, do Nhà xuất bản Văn học hợp tác với Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương thực hiện đã chính thức ra mắt nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Dự án Tủ sách Biển đảo quê hương của NXB Văn học được xây dựng góp phần làm phong phú hơn các loại hình nghệ thuật, ca ngợi phẩm chất cao đẹp, hình ảnh tươi sáng của những người lính hải quân cũng như các lực lượng đang làm nhiệm vụ trên biển, đảo. Là nguồn động viên, khích lệ tinh thần đối với hậu phương chiến sĩ nơi quê nhà.

Theo TS Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc NXB Văn học, từ năm 2020 dự án Tủ sách sẽ chính thức đi vào hoạt động. Bên cạnh những tác phẩm đã có trước đó như cuốn “Nơi đầu sóng” và “Mắt trùng khơi”, tủ sách mong muốn sẽ thu hút sự tham gia của nhiều tác giả, đặc biệt là những người đã từng sinh sống, chiến đấu, làm việc; những người có may mắn được đến tận nơi "mắt thấy, tai nghe" ghi lại cho bạn đọc hôm nay và thế hệ mai sau, về cuộc sống của chiến sĩ và người dân- những "cột mốc sống" của dân tộc trên biển.

Tủ sách với những tác phẩm về chủ đề biển đảo như thơ, văn xuôi, báo chí, ảnh, lịch... sẽ góp phần lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa tình yêu về biển đảo quê hương và chủ quyền của dân tộc đến với nhiều người, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.

Những tấm hình của các chiến sĩ đang chiến đấu và làm việc trên biển đảo của Tổ Quốc

Những tấm hình của các chiến sĩ đang chiến đấu và làm việc trên biển đảo của Tổ Quốc

Trong buổi lễ công bố về Tủ sách biển đảo quê hương, tác giả Lữ Mai và Trần Thành cũng giới thiệu tới độc giả cuốn “Mắt trùng khơi”. Tác phẩm thuộc thể loại tản văn, ghi chép, ảnh có độ dày trên 150 trang, gồm 18 câu chuyện và bộ ảnh chọn lọc minh họa xoay quanh chủ đề những chân dung, thân phận con người gắn bó với biển đảo như: người lính hải quân, thân nhân của họ, tàu trên biển…

Nếu "Nơi đầu sóng"- cuốn sách đầu tay của hai tác giả này được ví như cánh cửa mở ra biển trời, hoa lá, sóng gió khơi xa qua hình ảnh, ngôn ngữ giàu cảm xúc thì "Mắt trùng khơi" đề cập trực diện tới số phận con người. Đó là những lực lượng đang làm nhiệm vụ giữ biển và cả gia đình họ trong đất liền cũng chung nhịp đập thổn thức của trái tim người giữ biển. Đó là những người vợ, người cha người mẹ, những người con bao năm đi học không có bố đưa đến trường; những thủy thủ can trường trên từng chuyến tàu nối đất liền với biển đảo; những người trông giữ “mắt biển” là hải đăng, ra-đa…

Phần cuối sách sẽ đăng tải trích đoạn nhật ký của những người lính biển với nhiều xúc động. Đây chính là món quà tinh thần quý giá mà những người lính dành tặng nhóm tác giả và độc giả. Phần “vĩ thanh” này có tựa đề “Tâm tình người lính” là tự sự mộc mạc, đau đáu yêu thương, trách nhiệm với gia đình, quê hương, Tổ quốc của bộ đội trên đảo, trên những chuyến tàu trực, tàu cấp hàng... vào những giờ khắc đặc biệt như: đón giao thừa trên biển, bước chân lên tàu làm nhiệm vụ, khi sóng gió bão giông...

Theo tác giả sách, đây chính là phần quan trọng làm nên giá trị của "Mắt trùng khơi" bởi đó là người thật, việc thật và tác giả cũng như Nhà xuất bản không biên tập ở phần nội dung này.

Tác phẩm “Mắt trùng khơi” có ý nghĩa hơn khi ra mắt nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2019) và 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2019).

MAI AN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/ra-mat-tu-sach-bien-dao-que-huong-634159.html