Ra mắt sách 'Hồ Chí Minh với Ấn Độ' tại New Delhi và Kolkata

Ngày 21/11 và ngày 24/11 diễn ra lễ ra mắt sách Hồ Chí Minh với Ấn Độ tại hai thành phố lớn của Ấn Độ là New Delhi và Kolkata. Cuốn sách do Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện.

Lễ ra mắt sách "Hồ Chí Minh với Ấn Độ" tại thủ đô New Delhi, ngày 21/11. (Ảnh: D.H)

Lễ ra mắt sách Hồ Chí Minh với Ấn Độ là một trong gần 40 hoạt động trong “Tháng Việt Nam” do Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức nhân kỷ niệm 3 năm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước (2016-2019).

Tại thủ đô New Delhi, Lễ ra mắt cuốn sách diễn ra trong khuôn khổ Tọa đàm “Việt Nam - Ấn Độ: Từ quan hệ truyền thống tới Đối tác chiến lược toàn diện” do Đại sứ quán Việt Nam phối hợp với Quỹ Ấn Độ tổ chức ngày 21/11. Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách phương Đông của Ấn Độ Vijay Thakur Singh, Phó Chủ tịch Quốc gia và Phát ngôn viên Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) Baijayant Jay Panda, Đại sứ các nước Lào, Indonesia, Philippines… cùng đông đảo chính trị gia, học giả, nhà nghiên cứu của hai nước đã chứng kiến sự kiện này.

Tại thành phố Kolkata, thủ phủ bang Tây Bengal, lễ ra mắt sách sẽ diễn ra tại Hội thảo quốc tế “Quan hệ ngày càng phát triển: Những thách thức mới và tính thời sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh” do Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam chủ trì ngày 23-24/11. Kolkata – nơi Bác Hồ từng đến thăm 3 lần (năm 1911, năm 1946 và năm 1958) là thành phố đầu tiên ở Ấn Độ có con đường mang tên Hồ Chí Minh và tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh do chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp khánh thành.

Cuốn sách dày hơn 1.000 trang là nỗ lực trong một thời gian dài nghiên cứu, biên soạn, biên dịch và xuất bản của nhóm tác giả gồm PGS. TS Lê Văn Toan – Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, TS. Nguyễn Thị Phương Thảo – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ và Giáo sư G. Jayachandra Reddy – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Đại học Sri Venkateswara, Ấn Độ.

PGS. TS Lê Văn Toan cho biết: Đến nay có nhiều công trình nghiên cứu hoạt động ngoại giao của Hồ Chí Minh, tuy nhiên, về hoạt động ngoại giao của Người tại Ấn Độ, đối với Ấn Độ, tư tưởng và phong cách ngoại giao của Người trong quan hệ với Ấn Độ thì chưa có nhiều công trình nghiên cứu và chưa được nghiên cứu toàn diện, đầy đủ.

Do đó, sự ra đời của cuốn sách nhằm đáp ứng yêu cầu nhận thức đúng về giá trị lịch sử của tư tưởng Hồ Chí Minh với Ấn Độ, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm giáo dục truyền thống, bồi dưỡng ý chí cách mạng cho thế hệ trẻ, tăng cường công tác tuyên truyền đối ngoại.

Trên tinh thần đó, nhóm tác giả đã kế thừa các nghiên cứu đi trước, đồng thời làm việc trực tiếp với Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng và Thư viện Tưởng nhớ Nehru ở New Delhi, Ấn Độ, các trường đại học, các viện nghiên cứu ở Việt Nam và Ấn Độ, các học giả Việt Nam và Ấn Độ để tham khảo, sưu tầm tài liệu, tham bác ý kiến, đặt bài nghiên cứu về Hồ Chí Minh với Ấn Độ, Ấn Độ với Hồ Chí Minh, tạo chất liệu khoa học cần thiết cho xây dựng, hoàn thành ấn phẩm.

PGS. TS Lê Văn Toan, đồng chủ biên cuốn sách và TS. Shakti Sinha, nguyên Giám đốc Bảo tàng và Thư viện Tưởng nhớ Nehru tại buổi lễ. (Ảnh: D.H)

“Các tác giả Việt Nam và Ấn Độ được tuyển chọn viết bài cho bộ sách này có thể khác về ý thức hệ, về tư tưởng, về tôn giáo, tín ngưỡng, có cách tiếp cận khác nhau trong nghiên cứu khoa học, trong trải nghiệm thực tiễn, nhưng đều có điểm chung là hết sức tôn trọng, kính yêu Bác Hồ, yêu mến đất nước, dân tộc Việt Nam và Ấn Độ, trân quý và mong muốn quan hệ Việt Nam - Ấn Độ ngày càng phát triển sâu sắc, ngày càng đơm hoa, kết trái”, PGS. TS Lê Văn Toan nhấn mạnh.

Cuốn sách thể hiện bằng tiếng Việt và tiếng Anh, được chia làm 4 phần. Phần đầu là các bài viết, thư, điện, thơ của Hồ Chí Minh về Ấn Độ và với Ấn Độ. Phần cuối là những hình ảnh ghi lại kỷ niệm về hoạt động của Bác Hồ với Ấn Độ và quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Phần hai và phần ba, với số lượng trang nhiều hơn, là những bài viết của các học giả Việt Nam và Ấn Độ về Hồ Chí Minh cũng như quan hệ hai nước dưới lăng kính tư tưởng Hồ Chí Minh.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, “Kết cấu này không hề tùy hứng, ngẫu nhiên, mà thực sự là một phương án được cân nhắc kỹ, chuyển tải đầy đủ nội dung cần nghiên cứu, thể hiện, đồng thời đảm bảo tính logic, tính thực tiễn, tính lịch sử, thấm đẫm tinh thần nhân văn và tính thời sự”.

“Tôi được biết cuốn sách này từ khi nó mới chỉ là ý tưởng của các vị Lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ngay từ lúc đó, tôi đã nghĩ, khi cuốn sách đến với bạn đọc Việt Nam và Ấn Độ, họ sẽ cảm nhận sâu hơn về những gì đã làm nên tình hữu nghị vượt thời gian, làm nên mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ “trong sáng như bầu trời không một gợn mây” như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng khẳng định.

Khi tôi được mời tham gia Ban Biên soạn, cùng trao đổi, bàn bạc, và nhất là khi cầm bản thảo cuốn sách trên tay, tôi nhận thấy nội dung cuốn sách thật ấn tượng trên phương diện khoa học. Những sưu tầm, khảo cứu, lựa chọn tư liệu công phu và đầy ắp thông tin, những khảo cứu lịch sử đa tầng, đa diện để lựa chọn, sắp xếp theo đúng trình tự thời gian, những cách tiếp cận nghiên cứu mới, đa dạng đưa đến những phân tích khách quan, cặn kẽ, những đánh giá, nhận định thận trọng, hợp lý, hợp tình.

Tôi tin rằng cuốn sách sẽ là cẩm nang quý giá, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tư tưởng, tình cảm của Hồ Chí Minh với Ấn Độ, tư tưởng, tình cảm của lãnh đạo, nhân dân Ấn Độ với Hồ Chí Minh, với Việt Nam, cũng như quan hệ Việt Nam - Ấn Độ dưới lăng kính tư tưởng Hồ Chí Minh".

(Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu)

(từ New Delhi)

Diễm Hạnh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ra-mat-sach-ho-chi-minh-voi-an-do-tai-new-delhi-va-kolkata-104896.html