Ra mắt nhiều ngành mới liên quan đến công nghệ

Thời gian gần đây, nhiều trường đại học đã giới thiệu những ngành học mới để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp công nghệ.

(SGTT) – Thời gian gần đây, nhiều trường đại học đã giới thiệu những ngành học mới để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp công nghệ.

Các bạn trẻ yêu thích công nghệ tham dự một buổi tư vấn tuyển sinh tại trường Đại học Anh quốc Việt Nam. Ảnh: BUV.

Các bạn trẻ yêu thích công nghệ tham dự một buổi tư vấn tuyển sinh tại trường Đại học Anh quốc Việt Nam. Ảnh: BUV.

Xu hướng này có sự tham gia của tất cả các khối trường, từ công lập cho đến dân lập và quốc tế.

Rầm rộ mở ngành mới

Năm 2019, trường Đại học FPT công bố sẽ tuyển sinh các chuyên ngành mới như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) và digital marketing (tiếp thị số) vào mùa tuyển sinh năm nay. Trước đây trường này chỉ có bốn chuyên ngành thuộc ngành công nghệ thông tin là kĩ thuật phần mềm, hệ thống thông tin, an toàn thông tin và thiết kế đồ họa.

Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam vừa qua cũng công bố đưa vào đào tạo chương trình học mới là thiết kế và lập trình trò chơi, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực ngày càng cao trong các lĩnh vực này. Chương trình này do Đại học Staffordshire cấp bằng có các môn học nhằm mục đích cung cấp cho sinh viên các kỹ năng toàn diện về cả tạo hình và lập trình trò chơi. Tốt nghiệp chương trình này, sinh viên có thể làm việc tại các công ty công nghệ trong ngành công nghiệp trò chơi trên toàn thế giới.

Ngoài ra, trong tháng 4-2019, trường FPT Skillking, chuyên về đào tạo chuyên sâu tiếp thị số quốc tế đã mở thêm chi nhánh hoạt động tại Đà Nẵng sau khi đã mở tại Hà Nội và TPHCM. Trường FPT Skillking là hệ thống đào tạo chuyên sâu về digital marketing quốc tế đầu tiên tại Việt Nam – là sản phẩm hợp tác giữa Tổ chức giáo dục FPT và Skillking Ấn Độ.

Tới đây, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng sẽ tuyển sinh và đào tạo hai chương trình mới là hệ thống nhúng thông minh và IoT cùng với khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Hai chương trình mới này đều thuộc nhóm ngành kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ thông tin, khoa học máy tính, hệ thống thông tin. Với hai ngành học mới này, Đại học Bách khoa Hà Nội xét tuyển thí sinh dựa trên kết quả thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 của thí sinh với một trong hai tổ hợp môn sau: Toán-Lý-Hóa; Toán-Lý-Anh. Trong đó toán là môn chính, nhân hệ số 2. Cả hai chương trình này đều có chỉ tiêu tuyển sinh trong năm 2019 là 40 sinh viên.

Học ngành mới: Tốt nhưng không rẻ

Những ngành học mới được FPT đưa vào đào tạo bởi cho rằng đó là những lĩnh vực có nhu cầu nhân lực lớn, sẵn sàng trả lương cao nhưng lại ít nơi đào tạo chuyên sâu và vẫn đang thiếu nhân sự. Với những ngành học mới này, Đại học FPT tổ chức hai đợt tuyển sinh vào ngày 12-5 và 14-7 theo hai hình thức, xét tuyển học bạ/điểm tốt nghiệp phổ thông và thi sơ tuyển. Học bạ cần có tổng điểm ba môn (mỗi môn tính trung bình hai học kỳ cuối trung học phổ thông) đạt 21 điểm trở lên, xét theo tổ hợp môn tương ứng với ngành đăng ký học.

Nếu xét điểm thi trung học phổ thông quốc gia, ứng viên cần có tổng điểm ba môn đạt 21 điểm trở lên (đã bao gồm điểm ưu tiên) trong kỳ thi trung học phổ thông 2019 xét theo tổ hợp môn tương ứng với ngành đăng ký học. Những thí sinh không đủ điều kiện xét tuyển có thể đăng ký tham gia kỳ thi sơ tuyển của Đại học FPT. Mức học phí theo học tại Đại học FPT trong bốn năm đào tạo khá cao, trung bình khoảng 300 triệu đồng/người.

Ông Raymond Gordon, hiệu trưởng Đại học Anh Quốc Việt Nam, cho rằng trong những năm tới sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ về nhu cầu tuyển dụng trong các ngành thiết kế và lập trình trò chơi. Vì vậy, việc mở thêm ngành học này là cách mà trường nắm bắt những cơ hội sẽ đến trong tương lai gần. Được biết, mức học phí bốn năm của trường Đại học Anh Quốc không hề rẻ, khoảng trên dưới 600 triệu đồng/sinh viên.

Với ngành digital marketing, học viên trường FPT Skillking sẽ được đào tạo trong hai năm với bốn học kỳ từ các chuyên gia và cố vấn marketing của các công ty, tập đoàn lớn. Cấu trúc chương trình được thiết kế đi vào từng kỹ năng chuyên sâu: truyền thông xã hội, SEO… Tốt nghiệp FPT Skillking, học viên được cấp bằng quốc tế và có thể học liên thông lên các đơn vị thuộc Tổ chức Giáo dục FPT. Học phí cho hai năm học tại FPT Skillking khoảng 80 triệu đồng/sinh viên.

Về phần mình, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, chương trình khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo được thiết kế và giảng dạy bởi các giáo sư hàng đầu trong nước và quốc tế. Toàn bộ các môn học được dạy bằng tiếng Anh, với thời lượng thực hành và thực tập tại doanh nghiệp lớn. Sinh viên được thực tập tại doanh nghiệp từ năm thứ 3, được làm nghiên cứu liên tục với giảng viên từ năm thứ 4 và chuẩn ngoại ngữ sau khi ra trường là 650 TOEIC.

Chương trình học trên kéo dài năm năm. Sinh viên có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế được xét miễn học tiếng Anh năm thứ nhất. Sinh viên có thể được tham gia vào các chương trình chuyển tiếp với Đại học Uppsala (Thụy Điển), lấy bằng thạc sỹ khoa học dữ liệu.
Về mảng đào tạo hệ thống nhúng, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho biết, thị trường nhân lực Nhật Bản đang có nhu cầu rất lớn về nhân lực trong lĩnh vực hệ thống nhúng và IoT. Sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ được định hướng để làm việc tại Nhật Bản hoặc các công ty Nhật Bản tại Việt Nam.

Học phí đào tạo đại học của trường Đại học Bách khoa Hà Nội tương đối dễ chịu hơn so với các trường kể trên. Mức thu khoảng 100 triệu đồng cho thời gian đào tạo năm năm, tương đương với các trường đại học công lập khác trên cả nước.

Vân Ly

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/ra-mat-nhieu-nganh-moi-lien-quan-den-cong-nghe/