Ra mắt nhà chồng, tôi choáng váng vì họ hàng đến dự, lúc dọn dẹp 12 mâm bát tôi từ chối rửa thì lập tức có tiếng xì xào nhưng sau đó là tiếng vỗ tay của một người không ngờ tới

Tôi không muốn phải thể hiện bản thân bằng màn rửa bát nhiệt tình.

Tôi năm này 27 tuổi, đến tuổi lấy chồng theo quan niệm của các cụ. Bố mẹ tôi sốt ruột giục giã mãi tôi mới chịu yêu. Được 6 tháng thì chúng tôi bàn chuyện cưới. Người yêu tôi chẳng phải ai xa lạ, là bạn học cùng cấp 3, cũng khá hiểu nhau rồi. Bố mẹ chồng cũng biết tôi từ khi tôi học chung lớp với anh ấy.

Chúng tôi quan điểm hôn nhân rất rõ ràng: hai người cùng phải nỗ lực, có trách nhiệm về kinh tế và chia sẻ việc nhà. Sau này, tôi đi làm về muộn anh sẵn sàng nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa khi anh về trước. Chúng tôi trước khi yêu đã là bạn bè nhiều năm, hiểu nhau cả về tính cách lẫn thói quen. Thế mà trước hôm về ra mắt gia đình, anh vẫn bảo tôi: "Sẽ có màn thử thách dành cho em. Bố bảo muốn xem con dâu thể hiện thế nào rồi mới quyết cưới luôn hay không".

Tôi khá hồi hộp khi đến nhà anh. Tôi là người giỏi nữ công gia chánh, có bắt tôi nấu cỗ tôi cũng chẳng sợ, nhưng tôi chúa ghét rửa bát. Ở nhà tôi, bố mẹ đã lắp máy rửa bát. Ăn xong xếp vào rồi cả nhà ngồi thư thả trà nước, hoa quả, chuyện trò vui vẻ.

Tôi bất ngờ vì lực lượng khách mời hùng hậu bên nhà chồng. (Ảnh minh họa)

Tôi bất ngờ vì lực lượng khách mời hùng hậu bên nhà chồng. (Ảnh minh họa)

Đến nơi tôi mới giật mình. Đúng là bố mẹ chồng làm long trọng quá. Chỉ là buổi ra mắt của chúng tôi mà ông bà mời hết họ hàng ở quê lên. Tính ra cả người lớn trẻ con ngồi 12 mâm cỗ. Mẹ chồng tôi đã đặt cỗ chứ không bắt tôi nấu. Nhưng tôi chào hỏi xong cũng nhanh nhẹn ra bày biện cỗ, gọt thêm hoa quả, chuẩn bị ấm chén trà mạn trước cùng với cô em chồng.

Ăn uống xong, mọi người ngồi nói chuyện, xôn xao vui vẻ. Có mấy bà cô bên chồng bắt đầu chú ý, có người còn nói thẳng: "Phen này cháu dâu rửa bát mệt rồi đây". Tôi mỉm cười, đứng lên dọn bát đũa, gạt bỏ thức ăn thừa rồi xếp hết vào các giỏ nhựa của bên giao cỗ.

Nhìn thấy tôi làm vậy, tiếng xì xào vang lên, đâu đó có người nguýt dài: "Lại tiểu thư thành phố không biết rửa bát, xếp vào đấy đợi ai phục vụ đây". Tôi chẳng nói gì, xong việc tôi vào chào bố mẹ chồng xin phép về. Lúc này bố chồng mới đứng lên vỗ tay, bảo tôi: "Con dâu bố sắc sảo đấy. Nghe mọi người xì xào thế mà vẫn nhất định không rửa bát, chào về luôn".

Tôi thẳng thắn thể hiện quan điểm kiếm tiền để giảm bớt việc nặng nhọc. (Ảnh minh họa)

Tôi mỉm cười bảo ông: "Con biết nhà mình khéo sắp xếp để ăn cơm xong mọi người được nghỉ ngơi, nói chuyện vui vẻ sau một ngày làm việc vất vả. Bố mẹ đã lo chu tất đặt cỗ bàn nên con hiểu dịch vụ đó chỉ cần thu dọn là xong ạ. Nếu cần con vẫn có thể dọn rửa cùng mọi người".

Tôi chẳng ngại nói với ông là tôi nấu ăn ngon, kiếm tiền cũng không kém đàn ông. Sau này, tôi tin bố mẹ chồng sẽ thích tôi vì những gì tôi làm được và cách tôi cư xử chứ không phải vì tôi giỏi rửa bát. Nghe xong ông mỉm cười bảo người yêu tôi đưa tôi ra xe để về.

Tiếng xì xào sau lưng vẫn vang ra đến tận xe. Tôi tin là bố mẹ chồng hiểu tôi muốn thể hiện điều gì. Không lấy được người chồng này thì coi như duyên chưa tới, chứ tôi chẳng việc gì phải gồng mình lên làm việc mình không thích để thể hiện với họ hàng nhà anh

Tối hôm ấy, người yêu nhắn tin bảo bố khen tôi và hẹn tôi tuần sau đi thử váy cưới. Vậy mà mẹ tôi cứ ca thán mãi, bảo tôi cứng đầu, không khéo léo. Bà muốn tôi phải hoàn hảo trong mắt bố mẹ chồng lẫn bà con bên chồng. Mẹ trách tôi thể hiện như "hợm của", dùng tiền mua mọi thứ. Tôi thấy mình làm thế có gì sai đâu mọi người nhỉ?

K.H.O.I

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/ra-mat-nha-chong-toi-choang-vang-vi-ho-hang-den-du-luc-don-dep-12-mam-bat-toi-tu-choi-rua-thi-lap-tuc-co-tieng-xi-xao-nhung-sau-do-la-tieng-vo-tay-cua-mot-nguoi-khong-ngo-toi-20191110071748359.htm