Ra mắt iPhone 11, Apple của ngày xưa đã chết

Sự kiện ra mắt iPhone 11 là minh chứng cho thấy ai rồi cũng phải thay đổi, kể cả là công ty công nghệ hàng đầu như Apple.

Gần cuối sự kiện ra mắt iPhone 2019, có một chi tiết khiến mạch theo dõi của tôi dừng lại. Đó không phải là một tính năng quá hấp dẫn, mà là một hình ảnh trình chiếu. Trên màn hình, đại diện Apple nói về chiếc iPhone 11, và đằng sau là một loạt tính năng của máy được liệt kê ra.

Điều khiến tôi chú ý chính là sự lộn xộn của tấm hình này. Có khoảng hơn 10 tính năng được liệt kê ra, mỗi thứ một phông chữ, một màu sắc, một hình ảnh khác nhau. Nó khác hoàn toàn với những ảnh trình chiếu thông thường của Apple, vốn chỉ có tông màu đen và một vài dòng chữ đơn giản.

Một ảnh trình chiếu rất lộn xộn trong sự kiện ra mắt iPhone 11. Ảnh: Apple.

Một ảnh trình chiếu rất lộn xộn trong sự kiện ra mắt iPhone 11. Ảnh: Apple.

Đây không phải là sai lầm duy nhất trong phần thuyết trình về iPhone 11 của bà Kaiann Drance. Sự dư thừa về mặt thông tin tiếp tục được thể hiện khi nói về vi xử lý Apple A13 Bionic, sau đó là iPhone 11 Pro dưới sự trình bày của Phó chủ tịch Phil Schiller. Rõ ràng Apple đang cố tình khoe ra nhiều công nghệ, từ khóa trên những chiếc iPhone 11.

Từ bao giờ Apple lại phải khoe mẽ kiểu như vậy?

Sự kiện của Apple đã thay đổi như thế nào?

Năm nay, người xem trên khắp thế giới dễ dàng theo dõi sự kiện ra mắt iPhone 11 khi Apple quyết định phát trực tiếp sự kiện trên YouTube. Thông tin này chỉ được xác nhận 1 ngày trước khi sự kiện diễn ra.

Đây là sự thay đổi lớn nếu nhớ lại cách đây 4 năm, họ vẫn chỉ phát trực tiếp sự kiện qua trình duyệt Safari, yêu cầu một thiết bị của Apple mới xem được.

"Táo khuyết" dần thay đổi khi mở rộng phạm vi ra trình duyệt Edge của Microsoft, rồi tới Chrome, Firefox trong sự kiện WWDC vừa qua, nhưng người dùng vẫn phải truy cập trang web của Apple. Khi phát qua YouTube, nền tảng video lớn nhất thế giới, Apple có thể đảm bảo mọi người đều xem được sự kiện của mình.

Đây là lần đầu tiên Apple chỉ đích danh những thiết bị cạnh tranh với iPhone để so sánh. Ảnh: Apple.

Tuy nhiên, đó không phải thay đổi duy nhất trong sự kiện vừa qua. Trong phần nói về sức mạnh xử lý của iPhone 11, Apple lần đầu tiên so sánh iPhone với những đối thủ Android như Samsung Galaxy S10+, Huawei P30 Pro hay Google Pixel 3.

Theo đó, hiệu năng con chip A13 Bionic được so với các smartphone cao cấp của thế giới Android và cả iPhone XR. Theo con số Apple công bố, chip A13 Bionic của hãng có hiệu suất GPU và CPU nhanh gấp rưỡi các mẫu điện thoại trên.

Trong 11 lần ra mắt trước đây, xuất hiện trên sân khấu Apple chỉ có iPhone. Không ai là đối thủ của họ. Theo Business Insider, táo khuyết không so sánh mình với bất kỳ ai bởi họ muốn tại sự kiện trọng đại của hãng chỉ có Apple.

Trước đó, tại sự kiện Unpacked Galaxy Note10 Samsung không đả động gì đến Apple hay bất kỳ hãng nào khác. Họ chỉ đơn thuần so sánh hiệu năng Note10 với Note9.

Không phải công nghệ, mức giá mới là thứ nhận được nhiều sự quan tâm nhất trên iPhone 11. Ảnh: Apple.

Sự kiện vừa qua cũng là lần đầu tiên Apple ra mắt một chiếc iPhone rẻ hơn phiên bản mà nó thay thế. Cụ thể, iPhone 11 có giá 699 USD, thấp hơn 50 USD so với iPhone XR. Đi kèm với đó là mức giá được coi là hấp dẫn, 5 USD/tháng của dịch vụ Apple TV+. Dịch vụ này thậm chí còn được tặng kèm 1 năm cho người mua thiết bị iPhone mới.

Ngay sau sự kiện, giá bán iPhone và Apple TV+ được rất nhiều báo tập trung khai thác. Hai năm trước, iPhone X gây sốc vì mức giá cao kỷ lục của một chiếc smartphone. Đến nay, Apple khiến mọi người ngạc nhiên theo chiều hướng ngược lại.

Ai đã khiến Apple thay đổi?

Là lãnh đạo của Apple, CEO Tim Cook chính là người đưa ra những quyết định cuối cùng về cách tổ chức sự kiện ra mắt iPhone 2019. Tuy nhiên, thị trường mới là yếu tố khiến Tim Cook buộc phải đưa ra những thay đổi cho Apple.

Đã có lúc Apple chễm chệ trên đỉnh của thế giới smartphone. Họ gần như tạo ra định nghĩa cho dòng smartphone cao cấp, chiếm phần lớn thị phần smartphone cao cấp. Apple cũng chiếm phần lớn lợi nhuận của toàn bộ ngành công nghiệp smartphone.

Apple vẫn chiếm thị phần lớn trong phân khúc điện thoại cao cấp, nhưng các hãng Trung Quốc ngày càng nguy hiểm hơn. Ảnh: Couterpoint Research.

Đến nay, đó vẫn là thực tế. Theo công ty nghiên cứu Counterpoint Research, Apple vẫn chiếm tới 73% lợi nhuận toàn bộ ngành smartphone trong năm 2018. Tuy nhiên, con số này đã giảm so với mức 75% của năm 2017. Thị phần smartphone cao cấp của Apple cũng giảm từ 58% xuống 51%, khi những sản phẩm từ Huawei, Oppo đã thay thế iPhone.

Năm qua, Apple cũng nhận ra một thực tế khác: không phải ai cũng sẵn sàng bỏ hàng đống tiền để nâng cấp smartphone. iPhone XS Max, mẫu iPhone đầu tiên đạt giá bán 1.100 USD có doanh số ở mức vừa phải, đạt 9,6 triệu máy trong nửa đầu 2019. Con số này thấp hơn số cam kết của Apple và Samsung, khiến Táo khuyết mất thỏa thuận độc quyền về màn hình OLED với nhà sản xuất Hàn Quốc.

Không phải iPhone cao cấp, chiếc điện thoại "bình dân" XR mới là iPhone bán chạy nhất, thậm chí là smartphone bán chạy nhất thế giới với doanh số đạt tới 26,9 triệu máy trong nửa đầu 2019. Có lẽ, kết quả này đã làm Apple thức tỉnh.

Từ danh xưng "iPhone giá rẻ", iPhone XR bỗng trở thành chiếc điện thoại quan trọng nhất của Apple. Ảnh: PhoneArena.

Khi thị trường di động đi xuống dần, thậm chí tỷ trọng của iPhone trong tổng doanh thu cũng giảm, Apple hiểu rằng họ không thể chỉ phụ thuộc vào iPhone cao cấp để giữ lợi nhuận. Về mặt công nghệ, nhiều hãng cạnh tranh đã có những sáng tạo khiến iPhone bị lu mờ. Họ cũng sẵn sàng tấn công iPhone ở phân khúc thấp hơn mức giá mà iPhone X đặt ra.

Đó là lý do Apple cần iPhone 11, một chiếc iPhone "bình dân" với sứ mệnh phải bán được thật nhiều. Không chỉ thu về lợi nhuận, iPhone 11 sẽ giúp Apple phổ biến iPhone tới nhiều người dùng hơn, qua đó giúp thúc đẩy mảng kinh doanh dịch vụ. Sau iPhone, dịch vụ chính là mảng đóng góp doanh thu lớn thứ hai cho Apple.

Giờ đây iPhone không còn là mặt hàng cao cấp, bởi iPhone 11 đã có giá dễ chịu. Apple tặng kèm cả năm dịch vụ để thu hút người dùng. Apple cũng sẵn sàng "cà khịa" những đối thủ trong cùng phân khúc của iPhone 11 để chứng tỏ sự vượt trội.

Hình ảnh sang chảnh, không cần quan tâm đến đối thủ của Apple không còn nữa. Apple của "ngày xưa" cũng không còn, nhưng có lẽ Tim Cook cũng chẳng cần bận tâm. Ngay sau khi iPhone 11 ra mắt, những tín hiệu tích cực giúp giá trị công ty tăng lên và vượt qua mốc 1.000 tỷ USD. Điều đó cho thấy cách làm hiện tại đem lại cho nhà đầu tư sự tin tưởng Apple sẽ phát triển bền vững, dài lâu. Đó mới là nhiệm vụ của Tổng giám đốc Apple.

Vì sao điện thoại giá cao lại thiếu jack cắm tai nghe? Dù đã tồn tại hơn 100 năm nhưng jack cắm tai nghe 3,5 mm vẫn bị Apple và nhiều hãng khác khai tử. Lý do thực sự cho việc này là gì?

Nhật Minh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/ra-mat-iphone-11-apple-cua-ngay-xua-da-chet-post988993.html