Ra mắt cuốn sách 'Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu' của nhà báo Anh Ngọc: Có một niềm vui nho nhỏ

Trong một không gian gần gũi, giản dị, tác giả cuốn sách "Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu" và người bạn đồng hành quen thuộc - "Giáo sư" Cù Trọng Xoay - Đinh Tiến Dũng đã thu hút khán giả bằng lối dẫn dắt câu chuyện tự nhiên, sống động, hóm hỉnh. Buổi ra mắt sách có thể nói rất thành công đó đã gợi lên nhiều điều đáng suy ngẫm, đáng hy vọng về cách thức nuôi dưỡng văn hóa đọc nói chung, đam mê đọc trong giới trẻ nói riêng.

Không thể phủ nhận, buổi ra mắt cuốn sách thứ 3 về nước Ý của nhà báo Trương Anh Ngọc tại Hà Nội sáng 15/4 nhận được sự quan tâm của nhiều người, trước hết bởi sức hấp dẫn tự thân của những người "cầm chịch" sự kiện.

Đó là Trương Anh Ngọc, một nhà báo, một bình luận viên thể thao quen mặt, nhất là với những fan hâm mộ bóng đá Ý, người luôn để lại ấn tượng với lối nói chuyện sôi nổi, cuốn hút. Đó là một Đinh Tiến Dũng, được biết đến nhiều hơn bằng nhân vật "Giáo sư Xoay", một anh chàng bụi bặm, có lối dẫn chuyện láu cá, tưng tửng, dí dỏm nhưng không kém phần thâm thúy.

"Cặp sam" này đã gắn với nhau từ khi nhà báo Trương Anh Ngọc ra mắt cuốn sách đầu tiên năm 2012 (cuốn Nước Ý, câu chuyện tình của tôi), đến cuốn sách thứ hai (Phút 90++, năm 2013) và giờ là "Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu". Nhưng không phải vì thế mà sự kết hợp của họ trở nên nhàm chán. Ngược lại, "giáo sư Xoay" luôn biết khéo léo khai thác để tác giả Anh Ngọc từng bước, từng bước giúp người tham dự mở dần cuốn sách, dừng lại ở những điểm nhấn, những mảng màu ấn tượng, những xúc cảm đọng lại.

Nhà báo Trương Anh Ngọc (phải) và "giáo sư" Cù Trọng Xoay - Đinh Tiến Dũng tại buổi ra mắt cuốn sách "Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu"

"Giáo sư Xoay" không ngần ngại vào đề như "bổ vào mặt" tác giả, rằng tại sao nước Ý cũng được biết đến với bao điều không hay ho, như mafia, như "đặc sản" móc túi..., mà Anh Ngọc lại viết nên một tác phẩm ngọt ngào đến thế? Có phải suốt "nghìn ngày" ở nước Ý, Anh Ngọc "rỗi việc" đến nỗi chỉ lang thang khắp các quảng trường, quán cà phê, các ngõ phố để hau háu "rình" người ta nói chuyện với nhau, yêu thương, quan tâm đến nhau mà... viết sách?

Cười hiền như thường lệ trước những câu chia sẻ mà như bắt bẻ, hỏi mà như mắng, tóc mách tới tim mạch, thần kinh của tay "giáo sư" nổi tiếng lắm điều, nhà báo Anh Ngọc cũng khéo léo không kém để bày ra trước mắt khán giả những câu chuyện mà anh là nhân chứng, hơn thế, theo cách nói của anh là "nhúng mình" vào cuộc sống ở đó, để có những góc nhìn mới mẻ về những điều tưởng như quen thuộc nhất.

Đó là câu chuyện về Marcel, người nghệ sĩ Ý 70 tuổi đắm say mối tình như định mệnh với cô gái Việt tên Trúc kém hàng chục tuổi dù cách xa hàng vạn dặm.

Đó là chuyện hòn đảo Sicilia nổi tiếng đã bị "đóng đinh" vào văn chương, phim ảnh, chỉ nhắc đến là trăm người cả trăm nghĩ tới những tay Mafia khét tiếng, đến Bố già được Mario Puzo hư cấu..., nhưng Anh Ngọc cho độc giả biết, đó là vùng đất với những con người nồng hậu, ai cũng chỉ muốn nói đến những món ăn ngon và tình yêu; đó là mảnh đất ươm mầm cho hầu hết những câu chuyện thần thoại của Hy Lạp, là mảnh đất mà nhà toán học, vật lý học tài ba Archimedes đã sinh ra, để lại những phát minh vĩ đại cho nhận loại trước khi ra đi mãi mãi cũng ở mảnh đất này.

Đó là câu chuyện lý giải vì sao nước Ý có vô số quảng trường, chỉ riêng Thủ đô Roma đã có tới 400 quảng trường lớn nhỏ, đơn giản bởi người Ý luôn có nhu cầu giao tiếp, nhìn thấy nhau, nghe giọng nói của nhau, tranh luận với nhau những câu chuyện đời thường nhất... Tuyệt nhiên không có cảnh những chàng trai, cô gái Ý ra quảng trường hay ngồi cùng một bàn trong quán cà phê nhưng mỗi người đều cắm đầu vào smartphone mà hý hoáy...

Cho đến cách Anh Ngọc lý giải không kém phần đáng yêu cho lý do chỉ viết về những điều tốt đẹp, ngọt ngào của nước Ý. Rằng: "Không phải tôi không thấy những khu phố bốc mùi khai; không chứng kiến những vụ móc túi, mất visa, ví tiền... Nhưng khi yêu, tôi nhìn mọi thứ đều đẹp và chỉ muốn nói về cái đẹp. Sự thực là nước Ý có nhiều cái đẹp, thậm chí, một anh chàng quét rác ở Ý cũng rất đẹp trai, vậy vì sao phải nói về cái xấu?".

Những câu chuyện tình yêu, những điều thú vị, những nhân vật sống động cứ lần lượt từ trang sách bước ra, đến với người nghe một cách tự nhiên, cuốn hút như thế, trong một không gian gần gũi, thư thái như thế. Tuyệt nhiên không có chút nào hàn lâm, cứng nhắc, không có những câu chữ bay bổng, sáo rỗng về sách thế nào là hay, về giá trị của sách; không có những lời hô hào về văn hóa đọc...

Đông đảo bạn trẻ đón nhận cuốn "Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu". Ảnh: Nhà báo Trương Anh Ngọc ký tặng các độc giả trẻ

Thú thực, cá nhân tôi không ấn tượng lắm với tên cuốn sách. "Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu". Ngay từ cái tên, cuốn sách đã cho thấy thiên về đi vào chiều sâu, với cái nhìn đằm thắm hơn của tác giả. Như thế, lẽ thường sẽ không thu hút người đọc trẻ.

Vậy nhưng, điều dễ nhận thấy là, phần đông những người có mặt, tham dự buổi ra mắt cuốn sách là các bạn trẻ, nhiều trong số đó là sinh viên. Có những người quen, từng biết đến sách của Trương Anh Ngọc, nhưng cũng có những người mới, chưa từng gặp Anh Ngọc, thậm chí cũng chưa đọc Anh Ngọc. Họ chăm chú, thích thú, ồ lên hưởng ứng mỗi khi tác giả và người dẫn chuyện có màn đối đáp thú vị. Họ hào hứng tham gia vào câu chuyện bằng cách đặt những câu hỏi cho tác giả. Họ có thể phần nào hiểu được cuốn sách dù mới nhận nó ít phút trước đó, có lẽ còn chưa kịp xem hết mục lục.

Tôi nghĩ, những người giới thiệu sách đã đặt được viên gạch đầu tiên để người đọc sẵn sàng bước vào khu vườn tình yêu của tác giả, đồng thời, đã giúp người đọc hình dung được lối đi trong khu vườn ấy, ở góc nào có loài hoa gì quyến rũ, hương nồng đượm ra sao, đủ hấp dẫn, gợi tò mò để người đọc đi hết khu vườn.

Không phải lần đầu tiên dự một sự kiện ra mắt sách, nhưng đến với Trương Anh Ngọc, với "Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu", trong tôi nhen lên một niềm vui nho nhỏ khi chứng kiến tình cảm của các bạn trẻ với sách. Rõ ràng, người trẻ không dửng dưng, không bỏ rơi sách. Tôi tin rằng, khi các tác giả ngày đêm chắt chiu cuộc sống của mình để viết nên một cuốn sách hay và xuất bản chúng, thì thực ra cuốn sách mới đi được nửa chặng đường. Chỉ khi có một người truyền cảm hứng, một cách truyền cảm hứng phù hợp với độc giả, những cuốn sách hay mới không nằm trong câm lặng, mới đi nốt chặng đường ý nghĩa của nó, là đến với độc giả thực thụ. Người trẻ, độc giả trẻ lại càng cần những người truyền cảm hứng, những cách truyền cảm hứng như vậy.

Bá Thư

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/ra-mat-cuon-sach-nghin-ngay-nuoc-y-nghin-ngay-yeu-cua-nha-bao-anh-ngoc-co-mot-niem-vui-nho-nho-d61939.html