Ra mắt công trình quan trọng về hàng hải Việt Nam

Ngày 6-10, tại Đường sách TPHCM, kỹ sư - dịch giả Đỗ Thái Bình đã có buổi giao lưu cùng các độc giả nhân dịp tái bản công trình Phác thảo dân tộc học hàng hải Việt Nam.

Theo chia sẻ của dịch giả Đỗ Thái Bình (phải), cuốn sách của Pierre Paris có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu căn bản những vấn đề hàng hải của dân tộc.

Theo chia sẻ của dịch giả Đỗ Thái Bình (phải), cuốn sách của Pierre Paris có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu căn bản những vấn đề hàng hải của dân tộc.

Công trình Phác thảo dân tộc học hàng hải Việt Nam được chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Pháp theo bản in lần thứ hai tại Rotterdam, Hà Lan và bản in lần thứ nhất trong Bulletin des Amis du vieux Húe năm thứ XXIX, số 4, tháng 10-12, năm 1942. Bản in chuyển ngữ tiếng Việt do kỹ sư đóng tàu Đỗ Thái Bình - thành viên Hội Đóng tàu Hoàng gia Anh (MRINA), thành viên Hội Đóng tàu Hoa Kỳ (MSNAME) thực hiện.

Trong lần tái bản này, cuốn sách bao gồm hơn 100 trang in, 227 hình minh họa, 2 bản đồ khổ lớn và 1 bảng tổng kết kèm theo hơn 200 ghi chú cuối mỗi trang, trong đó có các ghi chú của tác giả cùng các ghi chú của C.Nooteboom, nhà dân tộc học Hà Lan và cũng là người biên tập cho cuốn sách.

Công trình Phác thảo dân tộc học hàng hải Việt Nam do kỹ sư đóng tàu Đỗ Thái Bình chuyển ngữ từ tiếng Pháp.

Nhiều tư liệu lịch sử cho thấy giao thương hàng hải đã được hình thành từ rất sớm trên thế giới và có tầm quan trọng đặc biệt đối với một quốc gia. Nó ảnh hưởng đến nhiều mặt, đặc biệt nó còn quyết định đến sự phát triển của một quốc gia. Việt Nam là một quốc gia ven biển, với vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn, có diện tích trên 1 triệu km2. Bờ biển Việt Nam trải dài trên 3.260km, với nhiều cửa ngõ thông thương và gần các tuyến hàng hải quốc tế, tạo lợi thế lớn cho chiến lược phát triển kinh tế biển.

Việc nghiên cứu và phát triển hàng hải ngày càng được chú trọng. Tuy nhiên các tài liệu về lĩnh vực này không nhiều và hầu hết thiên về tính kỹ thuật. Do vậy, việc tái bản tác phẩm Phác thảo dân tộc học hàng hải Việt Nam của ông Pierre Paris - thành viên Viện Viễn Đông Bác Cổ góp phần bổ sung các kiến thức nền tảng cần thiết.

Sự kiện ra mắt công trình Phác thảo dân tộc học hàng hải Việt Nam thu hút đông đảo bạn đọc tham dự.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu chia sẻ tại chương trình.

Về tác phẩm, C.Nooteboom đã nhận xét: "Giá trị của cuốn sách này là đã mở ra cho chúng ta một lĩnh vực hầu như chưa được khám phá và nó đề cập tới một vùng rất quan trọng mà riêng vị trí địa lý của nó đã nói lên sự đúng đắn cần thiết phải tái bản cuốn sách".

Một cách khiêm tốn, Pierre Paris gọi công trình nghiên cứu của mình là "phác thảo", nhưng thực sự với cuốn sách này, khá nhiều những tư liệu và kiến thức được đề cập một cách chi tiết. Các thuật ngữ hàng hải, giải thích các thuật ngữ dùng trong đóng tàu thuyền, các địa danh, tên người, tên thuyền được sắp xếp theo thứ tự để bạn đọc dễ dàng tra cứu.

Ngoài những thuật ngữ, luận giải về hình dáng thân thuyền, phương pháp đóng thuyền, các phương pháp chèo thuyền, trang trí… mang nét đặc trưng, tác phẩm còn mang tính nhân văn cao bởi Pierre Paris đã dành hẳn một chương để cung cấp những dữ liệu lịch sử liên quan đến thuyền bè Việt Nam mà hiện nay nhiều loại hình đã không còn nữa, mối tương quan giữa thuyền bè Việt Nam và thuyền bè các nước trong khu vực.

Dịch giả Đỗ Thái Bình ký tặng sách cho bạn đọc.

Dịch giả Đỗ Thái Bình chia sẻ: “Gần 80 năm đã trôi qua, kể từ ngày Phác thảo dân tộc học hàng hải Việt Nam được xuất bản, nên có nhiều thay đổi lớn trong dân tộc học hàng hải trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam. Chúng tôi chuyển ngữ nguyên vẹn công trình của Pierre Paris cùng các phụ lục với mong muốn đóng góp vào việc nghiên cứu căn bản những vấn đề hàng hải của dân tộc, một công việc cần thiết không chỉ cho ngày hôm nay mà cả mai sau”.

Kỹ sư Đỗ Thái Bình, sinh năm 1941, tốt nghiệp khoa Đóng tàu tại Đại học Giao thông Hà Nội năm 1966. Ông là tác giả của các cuốn sách: Megallan (NXB Kim Đồng, 1972); IMO hỏi và đáp (NXB Giao thông Vận tải, 1997); Hỏi đáp tàu thuyền nhỏ (NXB Nông nghiệp, 1984); Trong thế giới tàu thuyền (NXB Khoa học kỹ thuật, 1978); Đường trên biển (NXB Khoa học kỹ thuật, 1985); Từ điển Bách khoa Hàng hải (NXB Khoa học kỹ thuật 2018)… Cùng một số dịch phẩm như: Sổ tay của người lắp ráp tàu (NXB Khoa học kỹ thuật Hà Nội, 1984); Bè tre vượt Thái Bình Dương (NXB Trẻ, 2013); Thuyền buồm Đông Dương (NXB Trẻ, 2016)…

HỒ SƠN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/ra-mat-cong-trinh-quan-trong-ve-hang-hai-viet-nam-550977.html