Ra mắt bốn tác phẩm tiếp theo trong bộ sách Việt Nam danh tác

Việt Nam danh tác là tên bộ sách các tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, được Nhã Nam tuyển chọn và in lại dựa trên những ấn bản toàn vẹn nhất, thường là các bản gốc hoặc gần với bản gốc nhất. Đây là một nỗ lực vinh danh, giới thiệu lại với bạn đọc những gì đã một thời là tinh túy của văn học Việt Nam.

Từ năm 2014 đến nay, bộ sách Việt Nam danh tác của Nhã Nam đã ra mắt 44 tác phẩm, của 27 tác giả, chia thành hai mảng: văn xuôi và thơ. Bộ sách có một format riêng, trang trọng cho cả bìa lẫn ruột sách.

Đầu năm mới 2021, Nhã Nam ra mắt bốn tác phẩm tiếp theo trong bộ Việt Nam danh tác:

1. Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng - Hồi ký “Những ngày thơ ấu” là một trong những tác phẩm đặc sắc nhất của Nguyên Hồng, bao gồm thiên hồi ký cùng tên “Những ngày thơ ấu” và bốn truyện ngắn khác, được NXB Đời Nay in lần đầu năm 1940. Với lối viết chân thực giản dị mà thắm đượm trữ tình, tác phẩm đã tái hiện những kỷ niệm sâu sắc về thời thơ ấu nhiều cay đắng của tác giả trong một gia đình không hạnh phúc.

Ấn bản này của Nhã Nam được thực hiện theo bản in “Những ngày thơ ấu” của NXB Đời Nay năm 1940, chỉ sửa một số cách viết cho phù hợp với quy tắc chính tả hiện nay như “theo dõi” thay cho “theo rõi”, “trầy trật” thay cho “chầy chật”… Các ảnh minh họa trong sách được lấy lại trong các truyện của Nguyên Hồng đã đăng trên Báo Ngày Nay.

Những ngày thơ ấu không bị sa vào thói quen bi kịch hóa những khốn khổ nhân sinh như văn học tả chân hay đề cao. Trái lại, “Những ngày thơ ấu” lấp lánh niềm vui sống trong những điều nhỏ nhặt.

2. “Lạnh lùng” của Nhất Linh Tiểu thuyết “Lạnh lùng” của Nhất Linh đăng dài kỳ trên Báo Ngày Nay, từ số 16 (ngày 12/7/1936) đến số 37 (ngày 6/12/1936), NXB Đời Nay xuất bản lần đầu năm 1937. “Lạnh lùng” là câu chuyện về Nhung - một góa phụ trẻ tuổi, lòng đầy khát khao yêu đương nhưng bị trói buộc trong nghĩa vụ thủ tiết thờ chồng.

Ấn bản này của Nhã Nam được thực hiện theo bản in “Lạnh lùng” của NXB Đời Nay in xong ngày 7/6/1940, chỉ sửa một số cách viết cho phù hợp với quy tắc chính tả hiện nay như “dồn dập” thay cho “rồn rập”, “xồng xộc” thay cho “sồng sộc”…

Người đọc đã quen thuộc với Nhất Linh là thủ lĩnh và cây bút chủ đạo của Tự Lực văn đoàn, nhưng ông còn là một họa sĩ. Thi đỗ vào Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1925, sau này, với bút danh Đông Sơn, Nhất Linh là người vẽ tranh minh họa cho rất nhiều tiểu thuyết đăng báo nhiều kỳ của các thành viên trong Tự Lực văn đoàn.

Ấn bản này còn có những tranh minh họa do chính Nhất Linh vẽ. Qua những bức họa, bạn đọc cũng có thể bắt gặp không gian sinh hoạt, những phong cảnh truyền thống của làng quê Việt Nam với cổng làng, lũy tre, rặng cây, giò hoa thủy tiên ngày Tết…

3. “Gánh hàng hoa” của Khái Hưng - Nhất Linh

“Gánh hàng hoa” là tiểu thuyết viết chung của Khái Hưng và Nhất Linh, đăng dài kỳ trên Báo Phong hóa, từ số 66 (ngày 29/9/1933) đến số 88 (ngày 9/3/1934). Xuất bản lần đầu năm 1934, NXB Đời Nay. Tác phẩm mang đậm màu sắc lãng mạn với câu chuyện tình cao thượng của ba người bạn trẻ Minh, Liên và Văn nơi trại Hàng Hoa ven đô Hà Nội. Ấn bản này của Nhã Nam được thực hiện theo bản in “Gánh hàng hoa” của NXB Đời Nay in năm 1934, chỉ sửa một số cách viết cho phù hợp với quy tắc chính tả hiện nay như “trắng xóa” thay cho “trắng sóa”, “dòng” thay cho “giòng”… Các tranh minh họa là do Đông Sơn, tức Nhất Linh vẽ.

4. “Sợi tóc” của Thạch Lam Tập truyện ngắn “Sợi tóc” của Thạch Lam xuất bản lần đầu năm 1942, NXB Đời Nay. Gồm năm truyện ngắn: “Dưới bóng hoàng lan”, “Tối ba mươi”, “Cô hàng xén”, “Tình xưa”, “Sợi tóc”. Các truyện ngắn của Thạch Lam tuy nhẹ nhàng và giàu tính trữ tình nhưng chứa đựng những trăn trở sâu sắc về con người, thời thế.

Ấn bản này của Nhã Nam được thực hiện theo bản in “Sợi tóc” của NXB Đời Nay in xong ngày 30/1/1942, chỉ sửa một số cách viết cho phù hợp với quy tắc chính tả hiện nay như “trôi chảy” thay cho “chôi chảy”, “giương mắt” thay cho “dương mắt”… Các ảnh minh họa trong sách được lấy từ các truyện ngắn của Thạch Lam đăng trên Báo Ngày Nay (1938-1940).

Miên Thảo

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/the-gioi-sao/ra-mat-bon-tac-pham-tiep-theo-trong-bo-sach-viet-nam-danh-tac-570516.html