Ra mắt bộ sưu tập độc đáo 'Voi ở Tây Nguyên'

Sau gần 4 năm tiếp nhận bộ dụng cụ săn voi gia truyền do thầy thuốc Khăm Phết Lào, con trai của 'Vua voi' Ama Kông hiến tặng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã triển khai nhiều chuyến điền dã nghiên cứu sâu về chủ đề này, chuẩn bị công phu tỉ mỉ, để làm lễ khai mạc trưng bày bộ sưu tập 'Voi ở Tây Nguyên' vào chiều ngày 25/11/2017.

Nhiều vật dụng săn bắt voi bện bằng da trâu và dây mây.

Tiếng chiêng đồng của đội nghệ nhân M’Nông gần 20 người đến từ huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) vang dội khắp tiền sảnh Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội) lúc 17h ngày 25/11, khi buổi lễ bắt đầu, với sự chứng kiến của đông đảo quan khách, các nhà nghiên cứu văn hóa, chuyên gia bảo tàng trong và ngoài nước, và gia tộc Ama Kông đến từ Tây Nguyên.

Từ cuối năm 2013, đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên đã chuyển ý nguyện tặng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam bộ dụng cụ săn bắt voi từ thầy thuốc Khăm Phết Lào, đến lãnh đạo Bảo tàng, và được PGs-Ts Võ Quang Trọng giám đốc Bảo tàng trân trọng cảm ơn, vui mừng đón nhận.

Sau nhiều cuộc kết nối, trao đổi và chuẩn bị, ngày 15/2/2014 lễ hiến tặng bộ đồ nghề bắt voi của gia tộc Vua Voi đã được tổ chức trang trọng tại buôn Ko Tam thành phố Buôn Ma Thuột, trước cộng đồng làng buôn. Phía Bảo tàng, có PGS. TS Võ Quang Trọng giám đốc, PGS. TS Nguyễn Duy Thiệu phó giám đốc, Ts Võ Thị Thường, với sự chứng kiến của lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và chính quyền địa phương. Ngày 14/3/2014, lễ tiếp nhận bộ dụng cụ bắt voi này được tổ chức tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, giữa Bảo tàng và đại diện gia tộc Ama Kông, có lãnh đạo Hội đồng Dân tộc Quốc hội cùng dự.

Một nhóm 7 chuyên gia, chuyên viên Bảo tàng do Ts Võ Thị Mai Phương làm trưởng đoàn sau đó đã thực hiện 3 chuyến điền dã vào Tây Nguyên. Đoàn đã đến các buôn làng có nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng, và còn nuôi voi nhà ở các huyện Lắk, Buôn Đôn, Ea Sup ( Đắk Lắk) để sưu tầm thêm hiện vật, phỏng vấn, ghi hình trực tiếp các nghệ nhân, nghe họ nói về vị trí quan trọng của con voi trong nền văn hóa bản địa, và niềm tự hào về nghề săn bắt, thuần dưỡng voi độc đáo; Đến Gia Lai, Kon Tum tìm hiểu nguyên nhân hình thành và thất truyền nghề săn bắt và nuôi voi ở các tỉnh lân cận này...

Kết quả của những chuyến đi, những cuộc trau chuốt văn bản, triển khai dịch thuật, in ấn các bản thuyết minh bằng 3 thứ tiếng Việt-Anh-Pháp, là cuộc ra mắt chính thức bộ sưu tập độc đáo “ Voi ở Tây Nguyên” vào chiều 25/11. Với 40 hiện vật, 38 bức ảnh và phim video cùng hệ thống các bài viết giới thiệu, trưng bày được thể hiện theo 6 chủ đề: Tập tính của voi; Bắt và thuần dưỡng voi rừng; Chăm sóc voi; Voi trong đời sống kinh tế; Voi trong đời sống xã hội; Voi trong đời sống văn hóa... Bộ sưu tập đã phản ánh khá sinh động vai trò của voi trong đời sống, văn hóa, xã hội cũng như những tri thức dân gian về việc bắt và thuần dưỡng voi ở Tây Nguyên.

Tại lễ ra mắt, PGS.TS Bùi Nhật Quang, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã thay mặt lãnh đạo Viện trao tặng Kỷ niệm chương “Vì Sự nghiệp Khoa học Xã hội” cho ông Khăm Phết Lào (người Êđê-Lào), chủ nhân phần lớn hiện vật đã hiến tặng trong bộ sưu tập “Voi ở Tây Nguyên”, và bà Rosalia Sciortino (người Ý)- giám đốc điều hành tổ chức Seajunction Thái Lan, đã hiến tặng cho Bảo tàng bộ tranh vẽ trên kính về các truyền thuyết Indonesia.

Bộ đồ nghề săn voi đã hơn trăm tuổi.

Cắt băng khánh thành Bộ sưu tập hiện vật Voi ở Tây Nguyên.

Cuốn sách Để có một Bảo tàng sống động.

Đội chiêng M'Nông huyện Lắk trình tấu bài chiêng chào mừng

Du khách xem ảnh và thuyết minh bằng 3 thứ tiếng

Gia đình Khăm Phết Lào và 2 nữ chuyên gia tại buổi lễ

Ông Bùi Nhật Quang trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Khoa học Xã hội cho ông Khăm Phết Lào và bà Rosalia "

Lễ khai mạc trưng bày bộ sưu tập “Voi ở Tây Nguyên” là một trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 20 năm Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đến với công chúng. Món quà đặc sắc các đại biểu được nhận từ buổi lễ, là cuốn sách “Để có một bảo tàng sống động” dày 710 trang do 2 PGS.TS Võ Quang Trọng-Nguyễn Duy Thiệu đồng chủ biên, ấn hành chỉ 300 bản in lần đầu.

Cuốn sách “Để có một bảo tàng sống động” cho thấy quan niệm và phương thức hoạt động ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, lý do khiến Bảo tàng này đón được khoảng nửa triệu lượt khách tham quan mỗi năm, được bình chọn là Bảo tàng xuất sắc, xếp thứ 4 trong 25 Bảo tàng hấp dẫn nhất Châu Á; Và từ năm 2015 đến nay, liên tục được các Bộ ngành, Tổng cục, Hiệp hội vinh danh là “Điểm tham quan du lịch hàng đầu Việt Nam”.

Hoàng Thiên Nga

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-nghe/ra-mat-bo-suu-tap-doc-dao-voi-o-tay-nguyen-1211966.tpo