Ra mắt bộ sách cẩm nang giáo dục trẻ em

Nhân dịp ra mắt bộ sách hai cuốn sách 'Kỷ luật tích cực' và 'Kỷ luật tích cực trong lớp học', Nhà xuất bản Phụ nữ phối hợp cùng trường Mầm non quốc tế Sakura Montessori và trường PTLC Quốc tế Gateway tổ chức buổi giao lưu với tên gọi 'Kỷ luật tích cực không phải là trừng phạt mà là tôn trọng trẻ'.

Sự kiện sẽ diễn ra lúc 15h thứ tư ngày 12/9 tại trường PTLC QT Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội).

Khách mời là những nhà giáo có tiếng như giảng viên Phan Thị Hồ Điệp; chuyên gia giáo dục Nguyễn Bảo Trọng, Giám đốc học thuật trường MNQT Sakura Montessori; chuyên gia giáo dục Hoàng Anh Đức, Giám đốc học thuật trường PTLC Quốc tế Gateway.

Dẫn chương trình, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mai Hương, giảng viên khoa Công tác xã hội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, với lĩnh vực nghiên cứu chính: Sức khỏe tâm thần trẻ em, tham vấn trẻ em và gia đình.

Hầu hết mọi người đều nghĩ kỷ luật đồng nghĩa với trừng phạt. Thực tế không phải vậy, từ “kỷ luật” (discipline) xuất phát từ từ gốc Latin disciplina có nghĩa là “giảng dạy, đào tạo, giáo dục” và từ discipulus có nghĩa là “đồ đệ hoặc học trò”.

"Kỷ luật tích cực" (Positive Discipline) là sự dạy dỗ và học hỏi - không phải sự trừng phạt. Áp dụng những phương pháp Kỷ luật tích cực trong gia đình, trong nhà trường và trong lớp học có nghĩa là tất cả các phụ huynh, giáo viên và học sinh cùng đồng lòng tham gia xây dựng một cộng đồng để cao sự tôn trọng lẫn nhau, xây dựng sự tự tôn và tinh thần trách nhiệm đồng thời nuôi dưỡng tài năng học thuật của các em.

"Kỷ luật tích cực" cũng không có nghĩa là xóa bỏ hết các cách xử lý đối với những hành vi nguy hiểm và nghiêm trọng. Những cách xử lý đó rất quan trọng trong xã hội dân sự. Nói đúng hơn, sự đồng thuận đó có nghĩa là chúng ta sẽ xem lại toàn bộ mọi chuyện trước khi để hành động gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Nó cũng đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ áp dụng cách giải quyết như thế nào đối với các hành vi nghiêm trọng và nguy hiểm và những kết quả theo sau của các cách giải quyết đó, để trẻ hình thành được sự kết nối bền chặt hơn với cộng đồng của mình, thay vì bị cô lập và đẩy ra xa.

Bộ sách viết về kỉ luật tích cực do Nhà xuất bản Phụ nữ in và phát hành được xem như cuốn cẩm nang cầm tay chỉ việc đối với phụ huynh và giáo viên trong việc nuôi dạy trẻ.

"Kỷ luật tích cực" đã bán hơn 700 ngàn bản trên toàn thế giới và là chuẩn mực vàng cho những ai làm việc với trẻ em.

Bộ sách quy tụ vốn tri thức của nhiều tác giả đi trước, tạo ra một diễn đàn ấm cúng dành cho cha mẹ và giáo viên – những người kỳ vọng vào các nguyên tắc vĩnh cửu mang tính thực tiễn chứ không phải lý thuyết suông. Tiến sĩ Jane Nelsen đưa ra một bộ hướng dẫn mang tính thực tiễn cao dành cho các bậc cha mẹ và giáo viên mong muốn giúp con em mình xây dựng tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm, năng lực và thái độ tích cực. Cuốn sách đã được áp dụng như một tài liệu trong chương trình đào tạo được quốc tế công nhận – Chương trình Phát triển năng lực con người được tổ chức trên toàn Bắc Mỹ, Trung Mỹ và châu Phi. Các nguyên tắc được nêu trong cuốn sách có giá trị thực tiễn và cung cấp một nền tảng vững chắc để làm giàu cho kinh nghiệm của mỗi gia đình.

"Kỷ luật tích cực trong lớp học" đã bán hơn 2 triệu bản trên toàn thế giới. Cuốn sách best seller này đảm bảo thay đổi trải nghiệm của bạn với học sinh và nhà trường.

Tác giả Jane Nelsen là tiến sĩ giáo dục - một chuyên gia tư vấn các vấn đề gia đình và trẻ em có uy tín tại California (Hoa Kỳ). Hiện bà đang sống và làm việc tại San Clemente, California và South Jordan, Utah. Bà là mẹ của bảy đứa con và bà của mười tám đứa cháu. Bà đã là một chuyên viên tư vấn cho bậc tiểu học và giảng viên đại học về Phát triển Trẻ em trong suốt mười năm. Hiện tại, ngoài thời gian viết sách, giảng dạy một số tiết học quan trọng và làm diễn giả một số hội thảo, bà chủ yếu dành thời gian cho chồng, con và các cháu.

Tiến sĩ Nelsen là tác giả hoặc đồng tác giả của mười tám cuốn sách với hơn hai triệu bản in và được dịch ra hơn 15 thứ tiếng.

Cẩm Tú

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/ra-mat-bo-sach-cam-nang-giao-duc-tre-em-d2054987.html