Ra mắt bạn đọc sách 'Nơi ấy là chiến trường'

Sáng 21/4, tại Trung tâm Thông tin - Triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội, tác giả Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội đã giới thiệu Sách 'Nơi ấy là chiến trường' (Nhật ký ghi chép những năm tháng đi B). Sự kiện được tổ chức nhân Ngày sách Việt Nam (21/4), hướng tới kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019); kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2019).

 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng và Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn tặng hoa chúc mừng đồng chí Phạm Quang Nghị

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng và Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn tặng hoa chúc mừng đồng chí Phạm Quang Nghị

Tới dự buổi giới thiệu sách có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn; nguyên Phó Bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Dân vận Thành ủy - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội; đại diện Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam,…

Với hơn 500 trang, in khổ 16x24cm, "Nơi ấy là chiến trường" được tác giả Phạm Quang Nghị chia làm 8 phần lớn như: Vượt Trường Sơn, ở “R”, Về miền Đông, Nhịp sống đồng bằng, Người vùng ven, Tây Ninh ngày ấy, Gặp gỡ Sài Gòn, Ngày trở về. Bên cạnh đó còn có các phần phát biểu trước ngày lên đường đi B, lời kết, cùng một số nhận định, cảm nhận của các nhà văn, nhà báo. Phần cuối của cuốn sách là một số hình ảnh và tư liệu về những ngày tác giả Phạm Quang Nghị ở chiến trường.

Phát biểu tại buổi Lễ, tác giả Phạm Quang Nghị tâm sự: “Lẽ ra, tôi sẽ để cho những trang nhật ký này ngủ yên trong góc tủ hay nằm yên ở đâu đó đã nằm yên trong suốt gần nửa thế kỷ qua. Song thời gian và vấn đề bảo quản khiến cho những cuốn sổ ghi chép, những trang nhật ký đã bị hư hại hết sức nặng nề,… Cách tốt nhất để lưu giữ những ký ức vốn từ lâu đã thành của chung là tôi phải in ra những trang viết ngày ấy”.

Cuốn sách ra đời giữa những ngày tháng Tư lịch sử, hướng tới kỷ niệm 60 năm mở đường Trường Sơn, đường 559, đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Đồng thời, cũng là hoạt động ý nghĩa khi sách được ra mắt đúng ngày 21/4, Ngày Sách Việt Nam.

HNP

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ra-mat-ban-doc-sach-noi-ay-la-chien-truong-90279.html