Ra mắt ấn phẩm lưu trữ 'Chuyến du hành vũ trụ lịch sử'

Chiều 12/4, tại Hà Nội, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ Việt Nam) và Trung tâm khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm chuyến bay vào vũ trụ của nhà du hành Yuri Gagarin (12/4/1961 - 12/4/2021) và ra mắt ấn phẩm lưu trữ 'Chuyến du hành vũ trụ lịch sử'. Chương trình nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng 70 năm Ngày thiết lập mối quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên Xô/Liên bang Nga (1950-2020), 40 năm chuyến bay vào vũ trụ của phi hành đoàn Việt-Nga trên con tàu Liên hiệp 37 (23/7/1980 - 23/7/2020).

Cuốn sách “Chuyến du hành vũ trụ lịch sử” dày 130 trang, giới thiệu các tài liệu, hình ảnh tiêu biểu được lựa chọn từ các cơ quan lưu trữ và văn hóa của hai nước Việt Nam - Liên bang Nga. Ảnh: Hoàng Yến

Cuốn sách “Chuyến du hành vũ trụ lịch sử” dày 130 trang, giới thiệu các tài liệu, hình ảnh tiêu biểu được lựa chọn từ các cơ quan lưu trữ và văn hóa của hai nước Việt Nam - Liên bang Nga. Ảnh: Hoàng Yến

Từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Liên Xô/Liên bang Nga đã triển khai ký kết hàng loạt các văn bản, hiệp định, hiệp nghị, hiệp ước hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa... trong đó có lĩnh vực hàng không, vũ trụ. Từ đó, dẫn tới sự kiện lịch sử năm 1980 với việc nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Việt Nam-Phạm Tuân bay vào vũ trụ cùng người bạn đồng hành Liên Xô V.V. Gorbatko. Chuyến bay trên con tàu Liên hiệp 37 của các nhà du hành Liên Xô và Việt Nam thực hiện đã thành công, trở về trái đất an toàn.

Sự tham gia của phi công Việt Nam trong chuyến bay 40 năm trước có ý nghĩa quan trọng, là sự kiện lịch sử tiêu biểu, ấn tượng và là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam. Lần đầu tiên, Việt Nam đã có một nhà du hành vũ trụ tham gia thực hiện chinh phục không gian ngoài Trái đất.

Các khách mời tham gia chương trình. Ảnh: Hoàng Yến

Cuốn sách “Chuyến du hành vũ trụ lịch sử” dày 130 trang, giới thiệu các tài liệu, hình ảnh tiêu biểu được lựa chọn từ các cơ quan lưu trữ và văn hóa của hai nước: Viện Lưu trữ Lịch sử Chính trị Xã hội quốc gia Nga, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và một số tài liệu, tư liệu do nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân cung cấp.

Cuốn sách gồm 3 phần: Phần I: Hợp tác nghiên cứu vũ trụ; công tác chuẩn bị và quá trình huấn luyện trước chuyến bay năm 1980; Phần II: Khởi hành và hoạt động; Phần III: Trở về Trái đất. Trong sách có một số tài liệu vừa giải mật, lần đầu tiên được công bố giới thiệu tới bạn đọc, cung cấp những thông tin, tài liệu có giá trị không chỉ đối với các nhà nghiên cứu về thành tựu khoa học kỹ thuật ý nghĩa nêu trên, về lịch sử quan hệ quốc tế, còn với tất cả những ai quan tâm đến lịch sử quan hệ hai nước Việt Nam - Liên bang Nga.

Phát Phát biểu tại lễ ra mắt, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng khẳng định: "Cuốn sách cũng là minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả nhiều năm liền của các cơ quan lưu trữ, cơ quan văn hóa hai nước đóng góp vào mối quan hệ truyền thống tốt đẹp Nga - Việt. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để hai cơ quan Lưu trữ của Việt Nam và Liên bang Nga cùng chia sẻ phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ hiện đang bảo quản tại các kho lưu trữ của hai nước".

Nhà du hành vũ trụ V.V. Gorbatko và Phạm Tuân tại trạm huấn luyện "Chào mừng 6" và trước khi khởi hành tại bệ phóng sân bay vũ trụ Baiconur, Liên Xô, năm 1980. Ảnh: Hoàng Yến

Nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Việt Nam, Anh hùng lực lượng vũ trang, Trung tướng Phạm Tuân xúc động chia sẻ: “Trải qua 40 năm, chuyến bay lịch sử vẫn còn nguyên giá trị. Khi tiếp đón nhà du hành vũ trụ thứ hai thế giới German Titov tới Việt Nam, Bác Hồ đã nói: “Hôm nay người Nga bay vào vũ trụ, sau này người Việt Nam cũng sẽ bay vào vũ trụ”. Và mong ước của Bác đã thành sự thực. Ngày nay, dù tình hình thế giới đã đổi thay, nhưng tình hữu nghị Việt-Nga vẫn luôn được gìn giữ và phát triển”.

Hoàng Yến

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/ra-mat-an-pham-luu-tru-chuyen-du-hanh-vu-tru-lich-su-136073.html