Ra mắt ấn bản mới 'Việt Nam sử lược' của học giả Trần Trọng Kim

Ngày 10/12, tại Hà Nội, Công ty sách Đông A ra mắt cuốn sách 'Việt Nam sử lược' của học giả Trần Trọng Kim, nhân dịp kỷ niệm 100 năm cuốn sách được xuất bản lần đầu.

“Việt Nam sử lược” của học giả Trần Trọng Kim ra mắt lần đầu năm 1920, giữa lúc nền học thuật nước nhà chỉ có các bộ đại tác như “Đại Việt sử ký toàn thư” hay “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” là nguồn sử liệu chính thống. Sách sử Việt Nam khi đó gần như chưa đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu của đại chúng, một số tác phẩm viết bằng quốc ngữ manh nha xuất hiện, nhưng còn rời rạc, sơ sài…

Học giả Trần Trọng Kim, với phương pháp ghi chép mới mẻ, có hệ thống, cách kể lôi cuốn, và tư duy sử học tiến bộ so với đương thời đã bắt tay viết “Việt Nam sử lược”. Từ khi được xuất bản lần đầu cho đến nay, “Việt Nam sử lược” thường được coi như cuốn sách vỡ lòng cho bất cứ ai bắt đầu tìm hiểu về lịch sử Việt Nam.

Do cuốn sách có nhiều bản in khác nhau, thậm chí khi học giả Trần Trọng Kim còn sống, mỗi lần in ông lại có những sửa chữa, bổ sung. Nhưng do nhiều nguyên nhân, các ấn bản “Việt Nam sử lược” từ trước tới nay vẫn được giới nghiên cứu lẫn bạn đọc chỉ ra những nhầm lẫn, sai sót.

Ấn bản mới "Việt Nam sử lược" của học giả Trần Trọng Kim (Ảnh: Đông A)

Ấn bản mới "Việt Nam sử lược" của học giả Trần Trọng Kim (Ảnh: Đông A)

Bản in 2020 của Công ty sách Đông A được bổ sung thêm một số chi tiết trong nội dung của các bản in năm 1920, 1928, 1971. Công ty sách Đông A cũng đã đối chiếu "Việt Nam sử lược" với các bộ chính sử như "Đại Việt sử ký toàn thư", "Khâm định Việt sử thông giám cương mục", bao gồm cả phần tiếng Hán, để làm rõ những tồn nghi và hiệu chỉnh sai sót. Bên cạnh 189 nguyên chú của tác giả, Ban biên tập đã đưa thêm 759 chú thích mới, được chia thành hai loại: Một là chú thích địa danh, tham khảo chủ yếu từ "Đại Việt sử ký toàn thư", hai là chú thích làm rõ những chỗ tồn nghi trong văn bản gốc.

Ngoài ra, "Việt Nam sử lược" - ấn bản kỷ niệm 100 năm xuất bản lần đầu cũng được bổ sung gần 60 minh họa từ các nguồn: Bản in năm 1928, tranh dân gian Đông Hồ, ảnh tư liệu hiện vật bảo tàng, ảnh tư liệu của các nhiếp ảnh gia người Pháp…

Đáng chú ý, sách còn bổ sung Lời đề tặng ngài Thân Trọng Huề (trong lần in thứ nhất năm 1920), Sách dẫn (có hiệu chính, bổ sung) trong bản in năm 1971 để giúp độc giả tra cứu nhanh chóng nhân danh, địa danh, một số mục từ quan trọng...

Ấn bản lần này có tặng kèm bản đồ Hà Nội 1873, tỷ lệ 1:12.500; bookmark và 8 Postcard in màu với các hình ảnh lịch sử, văn hóa Việt Nam./..

HN

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/ra-mat-an-ban-moi-viet-nam-su-luoc-cua-hoc-gia-tran-trong-kim-569686.html