Ra đòn dứt khoát, Ấn Độ cấm 220 ứng dụng Trung Quốc với nhiều cái tên đình đám

Chính phủ Ấn Độ đã cấm thêm 43 ứng dụng Trung Quốc trên nền tảng di động với lý do đe dọa chủ quyền, tính toàn vẹn lãnh thổ, quốc phòng, an ninh Ấn Độ và trật tự công cộng.

Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ hôm 24-11 cho biết các ứng dụng này đã bị cấm theo Mục 69A của Đạo luật Công nghệ Thông tin. Trong danh sách cấm có 4 ứng dụng thuộc sở hữu của Tập đoàn Alibaba. Theo một tuyên bố của chính phủ, động thái mới nhất của Ấn Độ dựa trên các báo cáo toàn diện nhận được từ Trung tâm Điều phối Tội phạm mạng, Bộ Nội vụ Ấn Độ.

Chính phủ Ấn Độ lần đầu cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc vào tháng 6, thời điểm leo thang căng thẳng với Trung Quốc lên đến đỉnh điểm sau khi 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong cuộc đụng độ với quân đội Trung Quốc ở Thung lũng Galwan, phía Đông Ladakh.

Nhiều ứng dụng thuộc sở hữu của Tập đoàn Alibaba bị cấm tại Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg

Nhiều ứng dụng thuộc sở hữu của Tập đoàn Alibaba bị cấm tại Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg

Đến tháng 9, chính quyền New Delhi cấm thêm 118 ứng dụng khi cho rằng chúng đe dọa chủ quyền của đất nước.

Tổng cộng đến nay có 220 ứng dụng Trung Quốc bị cấm, bao gồm ứng dụng TikTok và trò chơi bắn súng PUBG mà các bộ trưởng Ấn Độ mô tả là "cuộc tấn công kỹ thuật số". Phía Ấn Độ cho hay chính phủ nước này cam kết bảo vệ lợi ích của công dân, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ trên mọi mặt và sẽ thực hiện tất cả các bước khả thi để đảm bảo điều đó.

Các ứng dụng khác bị chặn bao gồm Alibaba Workbench, AliExpress, Alipay Cashier, CamCard và WeDate. AliExpress, một nền tảng mua sắm trực tuyến có trụ sở tại Trung Quốc, phổ biến ở Ấn Độ đối với các thương nhân và doanh nghiệp nhỏ. Một ứng dụng phổ biến khác bị cấm là Lalamove, nhà cung cấp dịch vụ hậu cần, cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh, chuyển phát địa phương và có một lượng lớn các đối tác giao hàng tại Ấn Độ.

Hầu hết ứng dụng bị chặn còn lại là mạng xã hội và ứng dụng hẹn hò. Trong các lệnh cấm trước đó, chính phủ Ấn Độ đã tập trung nhiều hơn vào các nền tảng chia sẻ và trò chơi.

TS Ajay Data, nhà sáng lập và giám đốc điều hành công ty sở hữu ứng dụng VideoMeet, cho biết người dùng Ấn Độ cũng đang hỗ trợ các nhà chức trách trên mặt trận này do những căng thẳng địa chính trị mà Ấn Đô phải đối mặt, song song đó việc nhận thức về nguy cơ bị vi phạm dữ liệu có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp về lâu dài cũng đã được tăng cường.

Hoan nghênh quyết định mới của chính phủ, ông Data cho rằng đây là thời điểm cơ hội để cộng đồng công nghệ thông tin Ấn Độ hướng tới khả năng linh hoạt hơn. Cũng theo ông Data, sự hỗ trợ cho các ứng dụng nội địa sẽ giúp cộng đồng công nghệ thông tin Ấn Độ phát triển ra toàn cầu.

Ông Aditya Narang, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của công ty an ninh mạng SafeHouse Technologies, cho biết mối quan tâm bảo mật lớn nhất là rất nhiều ứng dụng trên điện thoại thông minh của người dùng đang thu thập một lượng lớn dữ liệu không liên quan gì đến dịch vụ mà chúng cung cấp. Ông Narang cho rằng: "Cần có một số quyền bảo mật nhạy cảm và chống xâm nhập mà người dùng không hiểu nhưng cuối cùng vẫn đồng ý. Khi mối đe dọa đối với dữ liệu người dùng ngày càng tăng, người dùng phải đảm bảo điện thoại di động của họ được bảo vệ, bảo mật và mã hóa".

Xuân Mai

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/ra-don-dut-khoat-an-do-cam-220-ung-dung-trung-quoc-voi-nhieu-cai-ten-dinh-dam-20201125084035722.htm