'Ra đi là để trở về'

Sau nhiều nỗ lực sáng tạo, tìm tòi, nâng cao phương pháp, chất lượng giảng dạy, cô giáo Trần Thị Thúy đã trở thành 1 trong 50 giáo viên được nhận Giải thưởng Giáo viên Toàn cầu (Global Teacher Prize), được trao tặng vào tháng 3/2019 tại Dubai (Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất).

“Nếu có thể, chào mừng bạn tới Canada”

Đây là một giải thưởng thường niên của Tổ chức Varkey Foundation (một Quỹ từ thiện toàn cầu tập trung vào việc cải thiện các tiêu chuẩn giáo dục cho trẻ em kém may mắn) dành cho những giáo viên có đóng góp xuất sắc trong nghề dạy học. Giải thưởng này được coi như “giải Nobel” về giảng dạy để ghi nhận công lao nổi bật của giáo viên trên toàn thế giới.

Cô Trần Thị Thúy hiện đang là giáo viên môn Tiếng Anh tại Trường THPT Đức Hợp (huyện Kim Động, Hưng Yên). Cô nổi tiếng là người đi đầu trong việc ứng dụng Skype vào giảng dạy, để học sinh của mình được giao lưu với học sinh, người dân các nước khác nhằm nâng cao khả năng giao tiếp cũng như hiểu hơn về văn hóa trên thế giới.

Sau khi giành giải nhì cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin do Bộ GD&ĐT tổ chức năm 2016, cô Thúy cùng 3 giáo viên khác được chọn tham gia Diễn đàn giáo dục toàn cầu do Microsoft 2017 tổ chức tại Canada với sự tham dự của hơn 300 chuyên gia giáo dục sáng tạo Microsoft (MIE) đến từ 83 quốc gia khắp thế giới. Nhóm của cô đã xuất sắc vượt qua hơn 40 nhóm khác và giành giải thưởng chung cuộc - giải cao nhất tại Diễn đàn.

Cô giáo trẻ Trần Thị Thúy còn vinh dự là một trong số ít giáo viên được trực tiếp phỏng vấn ngài Anthony Salcito, Phó Chủ tịch Khối Giáo dục toàn cầu của Tập đoàn Microsoft. Cô được trò chuyện cùng đại diện lãnh đạo Microsoft Canada với những lời khen tặng cùng cơ hội lớn “Nếu có thể, chào mừng bạn tới Canada!”. Song, đáp lại lời mời ấy, cô Thúy đã khẳng khái từ chối với lý do: “Ra đi là để trở về”…

Hạnh phúc khi “chạm” tới trái tim trò

Cách đây 20 năm, có một cuốn tạp chí Tiếng Anh đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của một cô bé lớp 6. Cô Thúy khi ấy vẫn chỉ là một đứa trẻ chưa biết một từ tiếng Anh, chưa hiểu gì về thế giới, còn mải sáng đi học, chiều về đánh cá phụ cha mẹ. Cuốn tạp chí song ngữ có hình ảnh, từ vựng và cách học Tiếng Anh đã mở ra một chân trời khác mà làng quê những năm 1999 của cô chưa có. Cô quyết tâm học Tiếng Anh và thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Bố mẹ cô Thúy sinh ra là những người làm nghề đánh cá trên sông Hồng, vị mặn của cá mòi đã nuôi anh em cô khôn lớn.

Đối với cô Thúy, giáo viên phải là người “truyền lửa” và “cao” hơn học sinh một cái đầu: “Chỉ có những giáo viên hạnh phúc mới tạo ra những bài giảng tích cực nhất. Mình phải tốt thì mới có đủ uy để dạy dỗ các em”. Cô tạo nên những tiết học trò chuyện tiếng Anh với các em học sinh cũng như giáo viên các nước khác bằng việc gặp các anh chị đồng nghiệp trong Cộng đồng Sáng tạo Việt Nam, sau đó gia nhập thành viên Cộng đồng giáo viên Sáng tạo Toàn cầu của Microsoft.

Tháng 3/2016, cô Thúy kết nối phiên Skype đầu tiên với cô giáo người Nhật, cũng là người đã đề cử cô vào Top 50 giáo viên toàn cầu sau này. Khi cô Thúy bắt đầu thay đổi, cô không biết mình có thể đi được những đâu nhưng chắc chắn, cô biết mình có thể đi và đi rất xa.

Hỏi về lý do cô trở về dạy học trên chính mái trường ấu thơ? Cô Thúy cho biết: Học sinh ở quê rất nhút nhát giao tiếp tiếng Anh, có em từng nói không thể học được ngoại ngữ. Thế nhưng, hiện nay các em đã đam mê. Cô Thúy muốn trở về là vì thế. Bởi hơn ai hết, cô uốn đem lại cho học sinh của mình sự tự tin và khát vọng”.

Cô giáo Trần Thị Thúy được xem là “kẻ mộng mơ” cho những khát vọng và đam mê của mình

Cô giáo Trần Thị Thúy được xem là “kẻ mộng mơ” cho những khát vọng và đam mê của mình

Quay lại Trường THPT Đức Hợp, cô Thúy đã mở thư viện, dạy học miễn phí cho học sinh thay vì lựa chọn dạy thêm như nhiều người khuyên. “Ngày bé nhà tôi nghèo, thầy cô đã mượn sách cho tôi học, mang áo ấm đến tận nhà cho tôi. Giờ, tôi muốn ở Trường THPT Đức Hợp, dạy tiếng Anh cho những học sinh nghèo và làm cầu nối cho các em nhìn xa hơn ra ngoài thế giới. Ai đó có thể bảo tôi khùng, nhưng tôi sẽ theo đuổi đến cùng con đường lựa chọn”, cô chia sẻ.

Từ chối những lời mời dạy học ở môi trường làm việc tốt, không muốn làm quản lý hay trở thành người tập huấn giáo viên, cô Thúy hiện chỉ muốn đi dạy học. Cô cất kỹ bằng khen vì hiểu nó chỉ có tính thời điểm, học sinh sẽ không nhìn vào đó để đánh giá giáo viên mà coi trọng việc thầy cô dạy dỗ thế nào.

Cô mong muốn là người kết nối thế giới gần hơn với những học trò trường làng, cô đã luôn tìm tòi các phương pháp dạy học tích cực và kết nối với hàng ngàn giáo viên trên khắp thế giới để sắp xếp những giờ học “xuyên lục địa” cho học sinh của mình.

Cô Thúy cùng với 45 em học sinh đã xây dựng Dự án và tham gia cuộc thi có tên “Bảo vệ cuộc sống của chúng ta khỏi thuốc trừ sâu độc hại”. Đây là dự án liên môn, tích hợp kiến thức các môn học như: Tiếng Anh, Công nghệ, Sinh học, Hóa học, Văn học, Địa lý, Giáo dục công dân trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin. Qua đó, tuyên truyền về tác dụng và những ảnh hưởng của thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp, sức khỏe con người cũng như các vấn đề môi trường và cách để người nông dân sử dụng thuốc trừ sâu an toàn.

Toàn bộ nội dung sản phẩm dự thi đều được trình bày bằng Powerpoint tiếng Việt và tiếng Anh. Cô Thúy và các em học sinh của các nhóm đã thuyết trình, trao đổi nội dung dự án trực tiếp bằng tiếng Anh và được Ban tổ chức Cuộc thi đánh giá cao.

Thư viện được đặt trên mảnh đất của gia đình cô đến nay đã có trên 700 đầu sách gồm các cuốn sách dành cho thiếu nhi và sách truyện tiếng Anh dành cho học sinh THCS và THPT. Đó cũng là sự chung tay của nhiều bạn bè, đồng nghiệp yêu mến và tin tưởng cô Thúy.

Không chỉ xây dựng thư viện, cô Thúy còn là người đứng lớp chính để hướng dẫn, giúp các em làm quen với những cuốn sách viết bằng tiếng Anh. Hiện tại, cứ 2 lần/tháng, khoảng 40 em đến với thư viện để học, đọc và chia sẻ việc học tiếng Anh.

Cô Thúy chia sẻ: “Tôi vô cùng ngạc nhiên và xúc động khi nhận được danh hiệu này. Từ những gì đã trải qua, tôi luôn có niềm tin rằng giáo viên là nhân tố vô cùng quan trọng trong quá trình đổi mới giáo dục, nhất là khi chúng ta đứng trước ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tôi đang là giáo viên của thế kỷ 21 và tôi hy vọng sẽ hỗ trợ được các em học sinh của mình phát triển những năng lực của người học ở thế kỷ 21: Cộng tác, giao tiếp, tư duy phê phán, sáng tạo, tự điều chỉnh, sử dụng công nghệ, đặc điểm cá nhân. Để trở thành một nhà giáo dục có thể thành công thì điều đầu tiên, giáo viên đó cần không ngừng học tập hoàn thiện hơn nữa để đáp ứng với yêu cầu giáo dục hiện đại."

Cô Thúy càng hào hứng khi biết đến trang Cộng đồng giáo viên sáng tạo của Microsoft toàn cầu MEC và đã được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ tất cả thành viên tham gia. Từ đó, cô có cái nhìn toàn diện nhất về dạy học ở thế kỷ 21 và các phương thức để hỗ trợ học sinh học tập. Khi tham gia cộng đồng MEC, cô Thúy được kết nối với hàng ngàn giáo viên trên khắp thế giới. Tận dụng điều này, cô sắp xếp những giờ học xuyên lục địa nhờ công cụ skype.

“Năm 2017 tôi được vinh dự là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đó, trong quá trình học tập và đổi mới của mình tôi luôn tâm niệm câu nói của Bác trong Di chúc của Người về giáo dục là: Đào tạo những thế hệ thanh niên “vừa hồng, vừa chuyên”. Điều Bác mong muốn là giúp các em có đủ cả tri thức và đạo đức, vừa thể hiện được tinh thần yêu nước, vừa phát triển quê hương sao cho xứng đáng với lịch sử dân tộc. Điều này đồng nghĩa với việc phát triển năng lực trí tuệ như IQ cho các em; đồng thời phát triển những kỹ năng mềm và khơi gợi tình yêu thương của các em học sinh, để em yêu bản thân mình nhiều hơn, nỗ lực vượt qua chính mình nhiều hơn và sống tốt với mọi người hơn, làm cho cuộc sống của quê hương mình tốt hơn”- cô Thúy bày tỏ.

Uyên Na

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/giao-duc/ra-di-la-de-tro-ve-488524.html