Ra đề mở, cho thí sinh sử dụng tài liệu đang là xu hướng hiện đại

Sau kỳ thi THPT quốc gia, nhiều quan điểm trái chiều về việc giữ hay bỏ kỳ thi này. Trong đó, có ý kiến cho rằng, cần ra đề mở và cho phép thí sinh sử dụng tài liệu trong thi cử. Cùng lắng nghe chia sẻ của các giáo viên về vấn đề này.

Cô giáo Nguyễn Phi Nga (giảng viên Đại học Văn hóa Hà Nội) cho rằng: “Phương án ra đề mở đang là xu hướng hiện nay. Ra đề mở cốt yếu là muốn khuyến khích tư duy người học và xu hướng này sẽ mở rộng trong tương lai”.

Theo cô Nga, có thể về mặt ý tưởng, sẽ có nhiều người đồng tình với phương án này. Tuy nhiên, để đưa ý tưởng vào thực tiễn thì cần một lộ trình dài hơi.

Thế nhưng, điều này vẫn không giải quyết được gốc rễ. Quan trọng nhất vẫn là phương pháp trong cách dạy và cách học. Cách dạy và cách học đã tốt thì cách thi không cần lo lắng.

Hiện nay, vẫn đang duy trì cách dạy và học truyền thống, thầy cô nói ra rả học sinh nghe như “vịt đổ lá khoai”, tiếp thu thụ động. Ở ta, việc tra cứu nguồn tài liệu bị động, đọc sách thư viện vẫn rất ít ỏi.

“Vì thế về mặt bản chất, phương án sử dụng tài liệu thì tốt và hiện đại nhưng đi ngược lại với cách dạy cách học. Ý tưởng không khó nhưng làm được cần cả hệ thống vốn đã trì trệ rất lâu, dù nhiều lần cải cách nhưng vẫn cũ.

Xung quanh việc thi cử có nhiều vấn đề, nhất là đề thi THPT Quốc gia vừa rồi rất “hóc”, từ giáo viên học sinh cảm thấy bất lực. Không nên đưa học sinh ra thí nghiệm thêm nhiều nữa, vì các em nhiều lần “lên thớt” quá rồi.

Cách duy nhất để giảm gánh nặng bây giờ là học gì thi nấy, đừng bắt các em gồng mình. Đồng thời, các trường đại học có sự tuyển chọn nghiêm ngặt khắt khe để đào tạo nhân lực chất lượng cao chứ không đào tạo đại trà”, giảng viên Nguyễn Phi Nga nói.

Giảng viên Đại học Văn hóa Hà Nội Nguyễn Phi Nga. Ảnh: NVCC

Về đề xuất bỏ thi THPT quốc gia, nữ giảng viên này cho rằng nên được duy trì vì đây là kỳ thi kết thúc một giai đoạn học tập trong cuộc đời. Tuy nhiên, cần đặt ra một ngưỡng nhất định, kỳ thi ở mức khảo sát chất lượng đầu ra, trình độ văn hóa của thí sinh sau 12 năm học phổ thông chứ không nên nặng nề như tuyển sinh đại học.

Đồng quan điểm, thầy giáo Bùi Anh Trang - một giáo viên THPT tại TPHCM cho rằng, nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông thì sẽ thiếu sự công bằng đối với học sinh. Bởi tình trạng chạy điểm cho con mình có được học bạ đẹp để xét thẳng vào đại học có thể xảy ra. Từ đó, những bạn nỗ lực học tập được xét thẳng là chuyện hiển nhiên, nhưng ngược lại, bạn học hành thiếu chăm chỉ, năng lực có hạn mà vẫn đỗ thì khá bất công.

THẢO ANH - ĐỖ PHƯƠNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/ra-de-mo-cho-thi-sinh-su-dung-tai-lieu-dang-la-xu-huong-hien-dai-616270.ldo