Ra Bắc, tôi 'làm nghề miền Nam'

Lúc sinh thời có người gợi ý nhà báo Nguyễn Minh Vỹ (tên thật là Tôn Thất Vỹ) giải mãcụm từ 'làm nghề miền Nam' nghĩa là thế nào?

Đường Hồ Chí Minh - Con đường huyền thoại góp công lớn vào công cuộc thống nhất đất nước. Ảnh: TL

Ông nói, “vì sau khi tập kết ra Bắc, tôi có gần hai thập kỷ phụ trách tờ báo mang tên Thống Nhất (1955 - 1974), kế đó gần 5 năm làm công tác tuyên truyền Hội nghị Paris về hòa bình ở Việt Nam cùng một số công việc liên quan đến sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà trước năm 1975 của thế kỷ trước”.

Cây bút đầy tính chiến đấu và nhân văn

Trong những năm đầu sau khi nước nhà vừa giành được độc lập vào ngày 2/9/1945, đất nước vô cùng khó khăn, thiếu thốn trong vòng vây của kẻ thù cũng như sau nạn đói Ất Dậu khủng khiếp trước đó. Nhưng ở thời điểm này, tuy sống, làm việc ở địa phương vốn xa Trung ương và Chính phủ, nhưng Nguyễn Minh Vỹ sớm nhận ra vai trò của báo chí cách mạng, nên sáng lập tờ báo của Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa mang tên Thắng.

Kế đó, trong cương vị Liên khu ủy viên, Chánh Văn phòng, Ủy viên Thường trực Ủy ban kháng chiến, hành chính khu vực Nam Trung Bộ, Nguyễn Minh Vỹ lại “nghĩ ra” tờ báo mang tên Sự Thật của Liên khu V. Mấy ai biết trước đó, trong vòng vây kìm kẹp tứ bề của bọn thống trị, chính Nguyễn Minh Vỹ là tác giả của một số bài báo ắp đầy tính chiến đấu, tính nhân văn được đăng tải trên các báo hợp pháp thời đó như báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng, tờ báo mà tất cả hồn cốt của nó là tinh thần yêu nước và chí khí cách mạng được chí sĩ Phan Chu Trinh gọi là vũ khí “Thét tiếng dân giữa kinh thành Huế”.

Lo sợ, chính quyền thời đó phải ra lệnh đóng cửa tờ “Tiếng Dân”. Thú vị hơn, năm 1943, khi Nguyễn Minh Vỹ hành nghề đường sắt ở Nam Trung Bộ, tưởng như con tàu đã “lái” tâm trí của người thanh niên yêu nước sang nghề khác! Nhưng đâu phải, ông vẫn say sưa nghề báo như bị “mê hoặc”. Nơi đây, Nguyễn Minh Vỹ động viên mọi người góp tiền bạc xuất bản tờ báo Hỏa Xa Cứu Quốc, được coi là vũ khí sắc bén để kịp thời, chủ động tố cáo tội ác của bọn xâm lược và tay sai đang đàn áp, bóc lột thậm tệ nhân dân ta.

Nếu trong ngục tù Sơn La ở miền Tây xa xôi, hai nhà cách mạng Trần Huy Liệu và Xuân Thủy dù bị cực hình vẫn tỏa sáng tâm hồn, trí tuệ của mình trong tờ báo “Suối reo” mà họ sáng lập, thì ở vùng cực Nam Trung Bộ có Báo Hỏa Xa Cứu Quốc. Tờ báo này diện phát hành tuy hẹp, nhưng như luồng gió mới làm nức lòng giới lao động yêu nước trong ngành đường sắt thời đó...

Thời cả nước sôi động, hừng hực tiến hành cuộc trường chinh chống chủ nghĩa thực dân mới, đất nước nửa công trường (miền Bắc) nửa chiến trường (miền Nam) như thơ Tố Hữu đã viết, đó cũng là lúc giới báo chí nước nhà hoạt động đan xen thách thức, bộn bề mới, cũ.

Với cương vị là Chủ nhiệm báo Thống Nhất, cùng với nhà báo, nhà văn Lưu Quý Kỳ (chủ bút), Nguyễn Minh Vỹ góp phần không nhỏ đưa báo Thống Nhất trở thành một trong những tờ báo xuất bản ở miền Bắc có uy tín, sức nặng, đông người đọc, trong đó chiếm phần lớn là cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết.

Thương nhớ ba má và bà con miền Nam ruột thịt, nỗi đau nước nhà chia cắt tựa “vầng trăng sẻ nửa” kể từ sau tháng 7/1954, nhà báo Nguyễn Minh Vỹ thường viết những bài chính luận ắp đầy tính chiến đấu cao hòa quyện tư tưởng cao đẹp, chân chính của Hồ Chí Minh, đó là quyền tự do của con người, quyền được sống và quyền mưu cầu hạnh phúc để chiến thắng bọn xâm lược đang dày xéo miền Nam bằng lưỡi lê, máy chém.

Nữ anh hùng quân đội, chị Út Tịch thề chiến đấu với kẻ thù xâm lược đến cả khi chỉ còn cái lai quần, Nguyễn Văn Trỗi người anh hùng kiên trinh, trước khi ngã xuống trước mũi súng khát máu của kẻ thù vẫn dõng dạc hô lớn: Hồ Chủ tịch muôn năm!... Đó là những tấm gương anh hùng nhưng rất đỗi bình dị được in trong 2 tập sách mang tên “Từ tuyến đầu Tổ Quốc” do báo Thống Nhất chọn lọc đã đăng trên báo này, xuất bản vào năm 1963, 1964 theo sáng kiến của Nguyễn Minh Vỹ.

Dạo đó, miền Bắc XHCN có hai cuốn sách như thứ “đặc sản” để đời, gối đầu giường, cuốn “Thư vào Nam” và “Từ tuyến đầu Tổ Quốc” là những ấn phẩm báo chí, văn học thu hút đông đảo người đọc. Sách in không kịp để bán. Hiệu sách Quốc Văn ở phố Tràng Tiền, người Hà Nội xếp hàng mua sách như rồng rắn.

Để có khoảnh khắc như thế này, vai trò của các nhà báo, nhà ngoại giao Việt Nam là rất quan trọng khi tìm kiếm được sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới. Ảnh: TL

Đấu tranh ngoại giao bằng ngòi bút

Nhà báo, nhà ngoại giao Nguyễn Minh Vỹ có gần 5 năm đặc trách công tác tuyên truyền về Hội nghị Paris tại Thủ đô nước Pháp. Đó cũng là thời gian ông gắn bó khá lâu với cái bàn tròn làm bằng gỗ sồi trắng để chủ trì tất cả các cuộc họp báo, trả lời phỏng vấn đến chuyện trò cởi mở, chụp ảnh, quay phim với các nhà báo phương Tây và Mỹ.

Tại Paris, nơi được xem là trung tâm văn hóa của châu Âu, trung tâm thời sự quốc tế cuộc đối đầu giữa ta và Mỹ, bất luận thời điểm nào, căng hay dịu, đánh hay đàm, chiến trường thắng to hay đối phương thất bại nhục nhã, kể cả lúc pháo đài bay chiến lược B52 của Mỹ rơi rụng như sung trên bầu trời Hà Nội... ông đều thể hiện sự sắc sảo, thông minh và nhạy cảm chính trị đậm tính lịch thiệp, nhân văn kiểu “lạt mềm buộc chặt”, đem lại hiệu quả trên mặt trận đấu tranh quân sự, ngoại giao và hòa bình, qua đó làm sáng trong vẻ đẹp cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế.

Nhà báo Nguyễn Minh Vỹ thường hay nói “vo” một mạch, không sổ tay, giấy tờ gì, nhưng thông đồng bén giọt, cuốn hút người nghe... Khi đề cập mấy chi tiết trên trong một lần gặp tác giả, nhà báo Nguyễn Minh Vỹ nhấn mạnh tính chất, vai trò của báo chí như V. Lê Nin, lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản toàn thế giới từng nói là tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể... chính là sứ mệnh lịch sử cao cả của báo chí cách mạng. Đảng, Bác Hồ tôn vinh “Tờ báo là ngọn cờ cách mạng, nhà báo là chiến sĩ” chính là như thế. Nhà báo Nguyễn Minh Vỹ, một trong số ít nhà báo Việt Nam đi qua 3 cuộc trường chinh đấu tranh giải phóng dân tộc để lại dấu ấn khó quên trong lịch sử báo chí nước nhà./.

Nguyễn Xuân Lương

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/ra-bac-toi-lam-nghe-mien-nam-n8152.html