'Quýt làm, cam chịu'

Hàng nghìn lao động tại 40 quận, huyện trong cả nước sau khi hoàn thành khóa học, vượt qua kỳ sát ngạch tiếng và tay nghề, sẵn sàng lên đường nhưng đã bị liệt vào danh sách cấm xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc. Nguyên do, phía Hàn Quốc tạm dừng tuyển chọn lao động theo Chương trình tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc (EPS) năm 2019 tại những địa phương có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên.

Người lao động xem danh sách thi tiếng Hàn để sang Hàn Quốc làm việc. Ảnh: TTXVN

Người lao động xem danh sách thi tiếng Hàn để sang Hàn Quốc làm việc. Ảnh: TTXVN

Thông tin trên được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thông báo công khai tới các địa phương, khiến nhiều lao động mất cơ hội việc làm đáng tiếc. Theo đó, 40 quận, huyện thuộc 10 tỉnh, thành phố: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Quảng Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên bị tạm dừng tuyển chọn lao động đi Hàn Quốc, bởi có số lượng lớn lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Ngoài ra, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã lên danh sách 100 quận, huyện có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước từ 30% trở lên vào diện xem xét tạm dừng tuyển chọn lao động.

Phía Hàn Quốc cho biết, căn cứ vào số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại nước này vào cuối năm 2019, năm 2020 sẽ tiếp tục dừng tuyển chọn lao động tại các địa phương không giảm được tỷ lệ và số lượng lao động cư trú bất hợp pháp. Đồng thời, việc tạm dừng sẽ được dỡ bỏ đối với các địa phương giảm được tỷ lệ và số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Theo các cơ quan chức năng, biện pháp trên nhằm ngăn chặn tình trạng lao động Việt Nam tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng lao động nhưng không về nước. Nếu chúng ta không giảm mức lao động bỏ trốn xuống dưới 4% vào cuối năm 2019 theo ký kết giữa hai bên, thị trường Hàn Quốc sẽ đóng cửa với lao động Việt Nam.

Sự việc trên khiến nhiều người không khỏi bức xúc và hổ thẹn. Xấu hổ vì ý thức tổ chức kỷ luật và chấp hành pháp luật của lao động Việt Nam quá thấp. Dẫu biết, lý do lao động Việt Nam bỏ trốn, không chịu về nước, chủ yếu do mức thu nhập cao, bình quân 25-30 triệu đồng/tháng, có người lên đến 40-50 triệu đồng/tháng. Trong khi thị trường lao động ở Hàn Quốc cần một lượng lớn nhân công, kể cả tay nghề không cao, nên vẫn chấp nhận thuê lao động bất hợp pháp.

Bức xúc vì nhiều người có mong muốn chính đáng được đi xuất khẩu lao động đã phải gánh chịu hậu quả từ ý thức vô trách nhiệm của người khác. Lao động cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc không chỉ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho chính họ, mà còn khiến nhiều người “tiền mất, tật mang” khi phải bỏ ra một số tiền lớn học nghề, học tiếng để đáp yêu cầu tuyển chọn nhưng bị đưa ra khỏi Chương trình EPS.

Vấn đề đáng nói là các biện pháp ngăn chặn lao động bỏ trốn ở Hàn Quốc của cơ quan chức năng như yêu cầu người lao động ký quỹ 100 triệu đồng, dường như không có tác dụng với những đối tượng sẵn sàng bỏ tiền ký quỹ hay chịu nộp tiền phạt để trốn ở lại tìm việc làm với mức thu nhập cao. Thế nên, vô hình trung, việc nâng mức ký quỹ lại trở thành gánh nặng cho hầu hết người xuất khẩu lao động.

Thiết nghĩ, giải pháp căn cơ được nhiều người đồng tình là nâng thời hạn hợp đồng xuất khẩu lao động, cho người lao động đi làm việc 5 năm thay vì mức thông thường là 3 năm như hiện nay. Cùng với đó, cần có chính sách hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp cho lao động xuất khẩu; giảm bớt các chi phí cho người đi lao động nước ngoài...

Chỉ khi người lao động nhận thức đầy đủ về ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành pháp luật và các chế tài, biện pháp xử lý nghiêm đối với người lao động cố tình bỏ trốn hoặc cư trú bất hợp pháp, chúng ta mới chấm dứt được tình trạng “quýt làm, cam chịu” như hiện nay.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/quyt-lam-cam-chiu/