Quýt giàu dinh dưỡng nhưng bà bầu ăn quýt phải đúng cách mới đạt hiệu quả

Quýt là loại quả quen thuộc và giàu dinh dưỡng đối với sức khỏe. Tuy nhiên, bà bầu ăn quýt như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất?

Giá trị dinh dưỡng tuyệt vời từ quả quýt

Trong quả quýt có chứa hàm lượng vitamin C rất cao và dễ hấp thu vào cơ thể, thực sự là một loại trái cây “thân thiện” với con người. Bởi vì nếu trong chế độ ăn uống hằng ngày mà thiếu hụt vitamin C rất có thể gây trở ngại cho chức năng vận chuyển chất dinh dưỡng đến đại não.

Bên cạnh thành phần vitamin C phong phú thì trong quýt còn chứa nhiều Carotene, có tác dụng ứng chế sự hình thành các chất gây ung thư, đồng thời còn làm “mềm hóa” và bảo vệ các mạch máu, thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm cholesterol và mỡ máu.

Theo kết quả nghiên cứu cho thấy, mỗi ngày uống 3 ly nhỏ nước ép quả quýt có thể giúp tăng hàm lượng Lipoprotein mật độ cao (HDL) trong cơ thể, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nước ép quýt còn có một loại thành phần hóa học đặc thù bao gồm Flavonoid và Citrin, có khả năng xúc tiến HDL tăng lên, đồng thời vận chuyển Lipoprotein mật độ thấp ra ngoài cơ thể.

Các chuyên gia sức khỏe còn khuyến cáo, thường ăn quýt còn có công hiệu phòng ngừa bệnh nang gan. Ngoài ra, hương thơm từ quả quýt còn giúp giảm bớt áp lực tâm lý cho con người, đặc biệt hỗ trợ điều tiết tâm trạng cho phụ nữ thường xuyên bị căng thẳng.

Những lợi ích sức khỏe của quả quýt đối với bà bầu

Giảm bớt tình trạng nôn nghén, điều trị và phòng ngừa cảm mạo trong thai kỳ

Khi mang thai, phụ nữ luôn được khuyên nên hạn chế dùng thuốc. Chẳng hạn như những cơn cảm mạo thông thường, ở mức độ nhẹ thì có thể dùng các biện pháp tự nhiên để khắc phục. Vỏ quả quýt có vị ngọt hơi đắng, tính ấm, có công hiệu trị ho, tiêu viêm còn tốt hơn cả trần bì.

Chính vì vậy, quả quýt có tác dụng hỗ trợ điều trị và phòng ngừa các chứng cảm sốt, ho, ăn uống kém, đau chướng bụng ở bà bầu. Ngoài ra, với mùi hương hơi cay nồng, có vị chua còn giúp mẹ bầu giảm bớt cảm giác buồn nôn do nghén, kích thích khẩu vị ngon miệng hơn.

Hỗ trợ phòng ngừa cao huyết áp thai kỳ

Trong quả quýt rất giàu vitamin C, P có chức năng tăng cường sức đề kháng, giúp các mạch máu nhỏ đàn hồi tốt hơn, giảm cholesterol trong máu. Do đó, bà bầu ăn quýt ở mức độ thích hợp có thể phòng ngừa tích cực chứng cao huyết áp khi mang thai.

Giúp trí lực thai nhi phát triển tốt hơn

Vitamin C trong quả quýt rất dễ được cơ thể hấp thu, và loại vitamin này lại có quan hệ không nhỏ đến trí lực của thai nhi. Một khi cơ thể mẹ bầu thiếu hụt vitamin C sẽ làm trở ngại quá trình vận chuyển các dưỡng chất đến bộ não và cả thai nhi, gây ra tình trạng trí lực của em bé trong bụng mẹ phát triển trì trệ.

Góp phần giảm chứng táo bón khi mang thai

Táo bón trong thai kỳ cũng là hiện tượng phổ biến và khiến mẹ bầu khó chịu không ít. Trong quả quýt có chứa chất xơ thực vật và Pectin, có khả năng thúc đẩy nhu động ruột giúp nhuận trường và thông đại tiện, thải các chất độc hại ra khỏi cơ thể bà bầu.

Bà bầu ăn quýt cần chú ý gì để đạt hiệu quả tốt nhất?

Tuy quýt là loại quả phổ biến và khá “lành tính”, nhưng cơ thể bà bầu vốn có nhiều biến đổi nên vẫn phải chú ý nhiều hơn khi ăn. Đầu tiên, bà bầu không nên ăn quýt khi bụng rỗng hoặc trước mỗi bữa ăn, tránh cho axit hữu cơ kích thích niêm mạc dạ dày.

Trong thời gian khoảng 1 tiếng trước và sau khi ăn quýt thì không uống sữa. Do protein trong sữa khi gặp Alpha Hydroxy Acid trong quả quýt sẽ kết tụ lại, ảnh hưởng chức năng tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng của cơ thể mẹ bầu.

Ngoài ra, quýt cũng chứa nhiều thành phần đường nên bà bầu nếu có chứng tiểu đường thai kỳ thì không nên ăn, tránh cho bệnh tình nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.

Thiên Khuê

Nguồn: Meishichina, Sohu

Tags : Từ khóa

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/bau-sinh-no/quyt-giau-dinh-duong-nhung-ba-bau-an-quyt-phai-dung-cach-moi-dat-hieu-qua-20190711090917277.htm