Quỳnh Lưu tạm dừng việc sáp nhập, chia tách các đơn vị trường học

Việc tạm dừng nhận được ý kiến đồng tình của các nhà trường và đông đảo phụ huynh, học sinh do có nhiều yếu tố chưa phù hợp với điều kiện thực tế.

Trước đó, theo kế hoạch sáp nhập trường tiểu học và THCS huyện Quỳnh Lưu giai đoạn 2019 - 2021, trong năm học 2019 - 2020, huyện Quỳnh Lưu thực hiện sáp nhập 4 trường tiểu học và THCS ở 4 xã Ngọc Sơn, Quỳnh Mỹ, Quỳnh Thọ và Quỳnh Thuận. Hiện, các trường đã hoàn thành việc sáp nhập.

Đến năm học 2020 - 2021, huyện sẽ tiếp tục sáp nhập các trường Tiểu học Quỳnh Thắng A và Tiểu học Quỳnh Thắng B thành trường Tiểu học Quỳnh Thắng.

Đồng thời, sáp nhập các Trường Tiểu học và THCS các xã Quỳnh Thạch, Quỳnh Hậu, Quỳnh Tam và Quỳnh Long thành Trường Tiểu học và THCS Quỳnh Thạch, Quỳnh Hậu, Quỳnh Tam và Quỳnh Long.

Ngoài ra, sẽ tách Trường THCS Minh Lương để sáp nhập với 2 Trường Tiểu học Quỳnh Mỹ và Tiểu học Quỳnh Lương để thành lập 2 trường liên cấp gồm Trường Tiểu học và THCS Quỳnh Minh và Trường Tiểu học và THCS Quỳnh Lương.

Tương tự sẽ tách Trường THCS Bá Ngọc để sáp nhập với Trường Tiểu học Quỳnh Bá và Tiểu học Quỳnh Ngọc để thành lập 2 trường liên cấp tiểu học và THCS. Theo kế hoạch, việc sáp nhập sẽ hoàn thành trước ngày 1/7/2020.

Liên quan đến việc sáp nhập này, trong thời gian qua, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đã có khá nhiều ý kiến đóng góp. Tuy nhiên, đa phần đều cho rằng, việc sáp nhập chưa hiệu quả và có nhiều bất cập, khó khăn, đặc biệt là trong chỉ đạo, phân công nhiệm vụ chuyên môn. Đơn cử như với bậc tiểu học, học sinh chỉ học 35 phút/tiết. Trong khi đó, học sinh THCS lại học 45 phút/tiết khiến cho cùng một trường học nhưng giờ ra chơi lại khác nhau.

Giờ học của học sinh Trường Tiểu học và THCS Ngọc Sơn (Quỳnh Lưu). Ảnh: M.H

Giờ học của học sinh Trường Tiểu học và THCS Ngọc Sơn (Quỳnh Lưu). Ảnh: M.H

Ngoài ra, việc triển khai công tác chuyên môn gặp nhiều khó khăn bởi mỗi bậc học có một đặc thù riêng. Ngay cả Hiệu trưởng nhà trường dù quản lý 2 bậc học nhưng chỉ có chuyên môn của một ngành đào tạo.

Trước bất cập này, một số trường đã có tờ trình xin ý kiến tạm dừng việc sáp nhập. Trong đó, UBND xã Quỳnh Thạch đã có 2 lần làm tờ trình gửi UBND huyện Quỳnh Lưu về nội dung trên. Cụ thể, hiện xã Quỳnh Thạch có 2 trường với 36 lớp (tiểu học 22 lớp, THCS 14 lớp) với gần 1.300 học sinh. Quy mô phát triển trường lớp trong 5 năm tới đều tăng dần, đến năm 2024 - 2025 sẽ có 44 lớp cả tiểu học và THCS. Nếu sáp nhập sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý, điều hành, sinh hoạt chuyên môn giữa 2 bậc học.

Với những khó khăn này, đầu năm học 2020 - 2021, UBND huyện Quỳnh Lưu cũng đã có văn bản xin chủ trương điều chỉnh thời gian sáp nhập, chia tách các đơn vị trường học trên địa bàn.

Qua bàn bạc, Thường trực Huyện ủy Quỳnh Lưu cũng đã có văn bản thống nhất chủ trương điều chỉnh thời gian sáp nhập, chia tách các đơn vị trường học trên địa bàn sang năm 2021 để không làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, chất lượng giáo dục và có thời gian xem xét, nghiên cứu thêm ý kiến của các ngành chuyên môn.

Tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo, đến tháng 3/2020, toàn ngành đã sáp nhập, giảm được 34 trường, trong đó có 3 trường mầm non, 19 trường tiểu học, 12 trường THCS. Ngoài ra, giảm 36 điểm trường mầm non và 40 điểm trường tiểu học.

Theo định hướng của Sở, từ năm học này, các địa phương sẽ chủ động xây dựng, phối hợp tham mưu phê duyệt Quy hoạch phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030 trong Quy hoạch chung của địa phương nhằm đảm bảo khoa học, phù hợp và khả thi. Bên cạnh đó, chủ động xây dựng, phối hợp tham mưu phê duyệt Quy hoạch phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030 trong Quy hoạch chung của địa phương đảm bảo khoa học, phù hợp và khả thi.

Mỹ Hà

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/quynh-luu-tam-dung-viec-sap-nhap-chia-tach-cac-don-vi-truong-hoc-274909.html