Quỳnh Lưu (Nghệ An): Giảm nghèo nhờ cây hương bài

Ở xã Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu - Nghệ An) từ khoảng 10 năm nay Cây hương bài (cây rễ hương) là cây xóa đói giảm nghèo. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật cũng như loài cây này phù hợp với thổ nhưỡng nên đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, cuộc sống người dân nơi đây đang đổi thay từng ngày nhờ cây hương bài.

Từ một vài hộ tự phát, nhiều xã ở Quỳnh Lưu đã nhân rộng ra toàn xã trồng cây hương bài

Từ một vài hộ tự phát, nhiều xã ở Quỳnh Lưu đã nhân rộng ra toàn xã trồng cây hương bài

Từ một số mô hình tự phát trong việc trồng cây hương bài cho thu nhập cao so với các loại cây trồng truyền thống, người dân Quỳnh Thắng đã nhân rộng thành phong trào trên toàn xã. Là loại cây dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc lại thích ứng với vùng đất có thổ nhưỡng kém màu mỡ, hương bài đang trở thành cây chủ lực của bà con nơi đây. Mấy năm nay, nhiều gia đình đã đổi đời trông thấy nhờ nguồn thu từ loại cây này.

Ông Lê Văn Sơn, ở xóm 1, xã Quỳnh Thắng phấn khởi nói: “Năm nay, gia đình mình trồng gần 1 héc ta cây hương bài, sau một năm cho thu hoạch, trừ chi phí đầu tư giống, phân bón, lãi cũng được trên 100 triệu. Hiện nay, ở xóm 1 có tới 70 hộ chuyên trồng cây hương bài để xuất đi các huyện trong tỉnh và các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, TP Đà Nẵng... Nhờ hương bài, người dân chúng tôi đã thoát nghèo, nhiều gia đình đã có của ăn, của để vươn lên làm giàu”.

Xã Quỳnh Thắng có trên 260 ha cây hương bài đem lại thu nhập khoảng 30 tỷ đồng

Với 10 sào đất trồng cây hương bài, những ngày cuối tháng 11 này gia đình bà Nguyễn Thị Hương, ở xã Quỳnh Thắng đang tập trung nhân lực lên đồi thu hoạch. Vụ này, mặc dù thời tiết mưa nhiều nhưng năng suất vẫn đạt cao. Sau khi phơi khô rễ nhập cho thương lái, gia đình bà thu lãi ước tính 70 triệu đồng.

Được biết, cây hương bài là thành phần hương liệu chính để phục vụ cho các cơ sở sản xuất làm hương trầm, nhang để thờ cúng, tâm linh. Hiện nay, nhu cầu về nguyên liệu để làm nhang từ cây hương bài trên thị trường rất lớn. Vì thế, nhiều hộ dân đã tận dụng đất trống, đồi núi trọc để cải tạo, trồng cây hương bài. Chi phí đầu tư thấp, yêu cầu kỹ thuật không cao, khả năng chịu hạn tốt nên bà con dễ dàng trồng loại cây này trên quy mô rộng.

Bà Hoa, xóm 5, xã Quỳnh Châu, cho biết: “Nhà tui trồng được nửa ha. Năm ni nhà tui được mùa hơn các năm trước. Giá cả cũng được. Hiện tại cả nhà đang tập trung thu hoạch, bán cho kịp mùa tết. Toàn bộ được khoảng 70 triệu đồng…”

Theo bà con nơi đây, năm nay cây hương bài cho năng suất bình quân từ 4 tấn - 4,5 tấn/ha (tương đương năm ngoái); với giá thu mua hiện nay 30.000 đồng/kg, sẽ cho bà con thu nhập 120 - 130 triệu đồng/ha. Cây hương bài sau khi thu hoạch được người dân dùng máy để tuốt lá, ép rễ cây, phơi khô; nếu thời tiết nắng to phơi trong khoảng 3 - 4 ngày rồi đóng bao bì bán cho thương lái.

Được biết, ngoài xã Quỳnh Thắng thì một số xã như Quỳnh Châu, Quỳnh Tân, Tân Thắng (huyện Quỳnh Lưu) và Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai) cũng trồng cây hương bài. Hiện, bà con đang tấp nập thu hoạch để kịp xuất bán cho thương lái phục vụ làm nguyên liệu làm hương cho tết Nguyên đán đang đến gần.

Cây rễ hương trở thành cây trồng chủ lực của bà con xã miền núi Quỳnh Thắng

Ông Lê Văn Nga - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thắng cho biết: "Mấy năm trở lại đây, cây hương bài ở Quỳnh Thắng đang được bà con trồng trên diện rộng. Từ việc một số hộ ở xóm 1 trồng thử nghiệm cho hiệu quả kinh tế cao, đến nay đã phát triển khoảng trên 260 héc ta. Nhận thấy đây là loại cây dễ bén rễ trên địa bàn nên xã đã có chủ trương khuyến khích bà con mở rộng diện tích ở toàn 24 xóm. Cây hương bài hiện nay đang giúp bà con ở đây thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Hằng năm, ước tính toàn xã sẽ thu được khoảng 1.000 tấn rễ khô, thu về khoảng trên 30 tỷ đồng".

HOÀNG TÙNG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/quynh-luunghe-an-trong-cay-re-huong-giam-ngheo-d83813.html