Ứng viên đạt chuẩn phó giáo sư 2017 bị tố sao chép luận văn

Ông Đặng Công Tráng, tiến sĩ Luật học và các cộng sự Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM bị tố sao chép luận văn của nhiều thạc sĩ. Ông Tráng vừa có tên trong danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư 2017.

Cụ thể, công trình nghiên cứu khoa học cấp trường năm 2017 mang tên "Hoàn thiện quy định của pháp luật về bán hàng đa cấp ở Việt Nam" do nhóm TS Đặng Công Tráng chủ nhiệm và các thành viên TS Vũ Thế Hoài, ThS Nguyễn Thị Hải Vân, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM được cho là sao chép luận văn của thạc sĩ và bài nghiên cứu của nhiều người khác.

Theo tố cáo, nhóm nghiên cứu này gần như sao chép hoàn toàn luận văn thạc sĩ luật học "Hoàn thiện pháp luật về bán hàng đa cấp tại Việt Nam theo kinh nghiệm một số nước trên thế giới", chuyên ngành luật kinh tế, khoa Luật (ĐHQG Hà Nội) năm 2014, của tác giả Vũ Văn Tú, do TS Vũ Quang hướng dẫn.

Ngoài ra, nghiên cứu này cũng sao chép luận văn của nhiều người khác. Cụ thể tiểu mục 1.1.2 "Đặc điểm của bán hàng đa cấp" trong đề tài nghiên cứu tiếp tục sao chép lại bài viết "Hành vi bán hàng đa cấp bất chính theo Luật cạnh tranh năm 2004 và kiến nghị" của ThS Lê Văn Sua đăng trên mục Nghiên cứu - Trao đổi của cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp ngày 28/3/2017.

Còn tiểu mục 3.3 "Các giải pháp hoàn thiện pháp luật về bán hàng đa cấp" trong đề tài nghiên cứu của nhóm TS Tráng chép lại bài viết "Hoàn thiện pháp luật nhằm quản lý hiệu quả hoạt động bán hàng đa cấp" của ThS Lê Bí Bo - giảng viên Học viện Cán bộ TP.HCM - đăng trên tạp chí Dân Chủ Và Pháp Luật.

Bà Lê Bí Bo cho biết bài báo của mình đăng năm 2016.

Trao đổi với bà Bo cho biết chưa đối sánh cụ thể bài viết của mình bị sao chép chỗ nào nhưng khi nghe thông tin như vậy thì "Rất buồn" nếu sự việc xảy ra như vậy.

Thạc sĩ Lê Văn Sua, luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang – người có nội dung bài viết được cho là bị nhóm nghiên cứu của TS. Đặng Công Tráng sao chép - cho biết: “Thực ra, nội dung sao chép bài viết của tôi cũng không nhiều, nhưng đó là đứa con tinh thần của mình, tôi cũng thấy hơi buồn. Báo chí cũng phản ánh tình trạng này nhiều mà đâu đó vẫn còn diễn ra”.

Ông Sua cho biết, bài viết của ông được viết vào giai đoạn đỉnh điểm của tình trạng bán hàng đa cấp và có đăng trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp. “Nạn nhân của bán hàng đa cấp thường là người dân, sinh viên, người về hưu. Tôi thấy rất tội. Trong khi hành lang pháp luật của mình vẫn còn có những kẽ hở nhất định. Từ đó, tôi nghiên cứu dưới góc độ nhìn nhận của tôi về pháp luật, có kiến nghị đề xuất để các cơ quan có thâm quyền có thể nghiên cứu để chỉnh sửa” – vị luật sư này cho hay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thiên Tuế, hiệu trưởng nhà trường cho biết đã yêu cầu nhóm nghiên cứu hủy bỏ đề tài, trả lại tiền nghiên cứu khoa học đã được cấp. Nhà trường sẽ mời các chuyên gia phản biện, hội đồng nghiệm thu để làm việc, tìm hiểu nguyên do vì sao đề tài đạo văn nghiêm trọng như vậy nhưng vẫn được công nhận, thành lập hội đồng kỷ luật họp và đưa ra hình thức xử lý.

Cũng theo ông Tuế, ông Tráng hiện đã có đơn gửi Hội đồng chức danh giáo sư, phó giáo sư cơ sở xin lỗi về sự việc trên, đồng thời xin rút tên ra khỏi danh sách phó giáo sư năm 2017.

Ngày 2/2, Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) công bố danh sách 1.226 ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Con số này gấp 1,7 lần năm 2016 và 2,3 lần năm 2015.

Trước các phản ánh về chất lượng ứng viên, ngày 8/2, Thủ tướng đã yêu cầu Chủ tịch HĐCDGSNN rà soát lại việc công nhận này. Báo cáo tại cuộc họp thường kỳ của Chính phủ ngày 1/3, Bộ GD-ĐT cho biết có 94 hồ sơ ứng viên bị phản ánh không đủ tiêu chuẩn, đang tiếp tục được rà soát.

Quan chức có nên làm giáo sư?

Trình độ giáo sư ngày càng tăng

Lê Huyền - Nguyễn Thảo

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/ung-vien-dat-chuan-pho-giao-su-2017-bi-to-sao-chep-luan-van-433511.html