Quyết thắng Mỹ trong cuộc đua 5G, Trung Quốc tính chuyện sáp nhập hai nhà mạng?

Hãng tin Bloomberg vừa đưa tin, với mục đích tăng tốc độ phát triển các dịch vụ di động 5G trong cuộc chạy đua công nghệ với Mỹ, chính phủ Trung Quốc đang xem xét phương án sáp nhập hai nhà mạng viễn thông của nước này là China Unicom và China Telecom.

Nếu phương án này được phê duyệt, công ty sau sáp nhập sẽ có gần 600 triệu thuê bao di động và sẽ trở thành nhà mạng viễn thông lớn thứ hai tại nước này sau nhà mạng China Mobile. Việc sáp nhập được cho là sẽ tạo ra những thế mạnh cạnh tranh mới thông qua những khoản đầu tư đầy đủ và cần thiết cho công nghệ 5G.

Quyết định cuối cũng vẫn chưa được đưa ra nhưng với thông tin này, cổ phiếu của China Unicom và China Telecom đều tăng giá lần lượt ở mức 8% và 6,4%. Theo đó, giá trị thị trường kết hợp của cả hai công ty tăng lên gần 80 tỷ USD. Với động thái này, một lần nữa Trung Quốc tái khẳng định quyết tâm thắng Mỹ trong cuộc đua 5G và dẫn đầu thị trường 5G thế giới.

Việc sáp nhập cũng cho thấy chính phủ Trung Quốc có thể sẵn sàng hy sinh lợi ích quốc gia khi giảm số lượng các nhà khai thác mạng viễn thông trong nước từ ba xuống còn hai nhà mạng. Điều này làm hạn chế cạnh tranh trong nước nhưng để thúc đẩy 5G thì một công ty kết hợp có thể đầu tư dễ dàng hơn so với hai công ty riêng biệt. Hầu hết các thị trường trên toàn thế giới đều có từ ba đến bốn nhà mạng.

Quyết thắng Mỹ trong cuộc đua 5G, Trung Quốc tính chuyện sáp nhập hai nhà mạng?

Những toan tính khi sáp nhập China Unicom và China Telecom

Ngoài thúc đẩy 5G, việc sáp nhập còn thể hiện một số toan tính vĩ mô khác của Trung Quốc. Chẳng hạn như, lệnh cấm gần đây của Mỹ với ZTE, gần như đã làm ZTE tê liệt do sự phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ. Đó cũng là lý do khiến Trung Quốc càng ưu tiên hơn cho việc sắp xếp lại thị trường viễn thông trong nước, tạo động lực mới cho phát triển 5G và đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới và đủ mạnh để thắng Mỹ trong cuộc đua quan trọng này.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang có phần gặp thất bại khi cả Huawei và ZTE, hai nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn của nước này đều đã bị khách hàng tẩy chay tại nhiều thị trường viễn thông quan trọng trên thế giới như Mỹ, Úc, Ấn Độ và sắp tới có thể sẽ là Nga và Anh.

Trong tình thế này, việc chuyển hướng sang tập trung cho công nghệ 5G được coi là một động thái xoay trục cần thiết, giúp Trung Quốc có thêm những lợi thế cạnh tranh mới sau khi đã bị mất một số thị trường quan trọng vào tay các đối thủ Nokia, Ericsson.

Ngoài ra, việc sáp nhập giữa China Unicom và China Telecom được kỳ vọng sẽ tạo thành thách thức đáng gờm hơn đối với China Mobile, hãng đang có hơn 900 triệu thuê bao, trong thị trường điện thoại di động lớn nhất thế giới.

Việc sáp nhập được cho là sẽ tạo ra những thế mạnh cạnh tranh mới thông qua những khoản đầu tư đầy đủ và cần thiết cho công nghệ 5G.

Trung Quốc đang vượt Mỹ về độ sẵn sàng cho 5G

Trên thực tế, viễn thông là một phần quan trọng trong chương trình "Made in China 2025" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhằm biến Trung Quốc trở thành nhà lãnh đạo trong một loạt các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Đều được nhận định sẽ là những quốc gia đóng vai trò dẫn dắt trong cuộc chạy đua triển khai công nghệ 5G trên thế giới nhưng nhờ vào các chính sách chủ động của chính phủ và động lực của ngành, Trung Quốc hiện đang dẫn trước Mỹ về độ sẵn sàng cho 5G.

Cụ thể, theo báo cáo của hãng kiểm toán và tư vấn Deloitte công bố ngày 7/8/2018, Mỹ đang bị Trung Quốc vượt mặt trong cuộc đua triển khai hạ tầng 5G khi số lượng trạm phát sóng 5G được xây dựng mới tại Trung Quốc trong năm 2017 đã đạt đến con số 350.000, gấp hơn 10 lần so với con số gần 30.000 của Mỹ. Báo cáo của Deloitte cho biết, chỉ trong ba tháng đầu năm 2017, các công ty viễn thông và điện thoại di động của Trung Quốc đã lắp đặt thêm nhiều điểm cung cấp mạng hơn so với Mỹ đã thực hiện trong ba năm trước đó.

Tính tổng lại thì Trung Quốc đã có 1,9 triệu điểm phát sóng 5G trên toàn quốc, gấp 10 lần so với Mỹ.

Để vượt được Mỹ về triển khai hạ tầng, Deloitte cho biết số tiền mà Trung Quốc bỏ ra cũng vượt Mỹ tới 24 tỷ USD kể từ năm 2015. Rõ ràng, về hạ tầng và đầu tư thì Trung Quốc đã vượt Mỹ trong cuộc đua tiến lên 5G.

Lê Hường (theo Telecomlead)

Nguồn XHTT: http://xahoithongtin.com.vn/thi-truong/201809/quyet-thang-my-trong-cuoc-dua-5g-trung-quoc-tinh-chuyen-sap-nhap-hai-nha-mang-613703/