Quyết tâm xử lý vi phạm pháp luật về đê điều

Mặc dù, cơ quan chức năng đã tập trung ngăn chặn, kiên quyết xử lý, song tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố vẫn diễn ra. Vì vậy, Thành phố Hà Nội đã yêu cầu các Sở, ban, ngành liên quan cũng như quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo, xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật đê điều.

Kiên quyết xử lý vi phạm

Để tăng cường xử lý những vi phạm pháp luật về đê điều, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 1535/UBND-KT, yêu cầu các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chỉ đạo xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. Cụ thể, công văn nêu rõ, Ủy ban nhân dân thành phố nhận được văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc đề nghị ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố.

Ủy ban nhân dân thành phố cũng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chỉ đạo kiểm tra, rà soát, đánh giá, tổng hợp các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức đợt cao điểm xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. Đặc biệt, kiên quyết xử lý dứt điểm, đúng quy định pháp luật các vụ việc vi phạm tồn đọng, đặc biệt các vụ việc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ, gây bức xúc trong dư luận.

Các vi phạm về an toàn đê điều sẽ được các Sở, ngành và địa phương tập trung xử lý có hiệu quả.

Các vi phạm về an toàn đê điều sẽ được các Sở, ngành và địa phương tập trung xử lý có hiệu quả.

Không chỉ vậy, các cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật, phối hợp chặt chẽ với các hạt quản lý đê điều tiến hành kiểm tra thường xuyên, phát hiện, ngăn chặn, xử lý ngay từ khi phát sinh những vi phạm mới; chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố nếu để xảy ra những vụ việc vi phạm mới không bị xử lý đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền sâu rộng những quy định của pháp luật về đê điều đến mọi người dân, tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện thỏa thuận, xin cấp phép trước khi có hoạt động liên quan đến đê điều,…

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chỉ đạo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan rà soát, thống kê, phân loại vi phạm tồn đọng, lập danh sách các trường hợp vi phạm cần xử lý, giải tỏa gửi cho các đơn vị thực hiện;

Chỉ đạo Thanh tra Sở, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội tăng cường kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan ngăn chặn kịp thời, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm phát sinh mới; phối hợp với các cơ quan truyền thông, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền, phố biến pháp luật về đê điều; tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm.

Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, xử lý các trường hợp bơm hút cát trái phép ở lòng sông; đặc biệt tại những khu vực đê sát sông, những khu vực có kè bảo vệ bờ; ngăn chặn, xử lý triệt để các trường hợp xe quá tải trọng cho phép đi trên đê; bố trí lực lượng phối hợp với các cơ quan, đơn vị, chính quyền các địa phương để tổ chức ngăn chặn, xử lý, cưỡng chế, giải tỏa vi phạm pháp luật về đê điều; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành điều tra, lập hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các vụ việc vi phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm Bộ luật Hình sự.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát việc quản lý, sử dụng đất đai ở bãi sông, trong phạm vi bảo vệ đê điều, sử dụng đất làm bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông; kiên quyết thu hồi hoặc, báo cáo cấp có thẩm quyền thu hồi đối với diện tích đất bãi sông sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật.

Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, các đơn vị liên quan kiểm tra hoạt động bến thủy nội địa đối với các tổ chức, cá nhân mở bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng; thu hồi giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động bến thủy nội địa đối với các bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng vi phạm pháp luật về đê điều; chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với Cảnh sát giao thông và các đơn vị liên quan tuần tra, ngăn chặn, xử lý xe có tải trọng vượt quá tải trọng được phép đi trên đê, xử lý tàu, thuyền, xà lan, bè mảng neo đậu trái phép vào phạm vi bảo vệ công trình kè bảo vệ bờ sông, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh

Ngày 1/7 vừa qua, Công an thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Công văn số 5364/CAHN-PC05 về tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cụ thể, để chủ động phòng ngừa, phát hiện đấu tranh kịp thời đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, Giám đốc Công an thành phố yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiếp tục thực hiện nghiêm, có hiệu quả những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố Hà Nội và Kế hoạch của Công an thành phố về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.

Tổ chức điều tra cơ bản, lập danh sách các tổ chức, cá nhân khai thác cát, sỏi; sử dụng đất ven sông làm bãi tập kết, bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn để kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu với chính quyền địa phương có biện pháp, giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đê điều.

Sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát, sỏi trái phép; nhất là những khu vực đê sát sông, khu vực có kè bảo vệ đê, khu vực giáp ranh giữa địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận. Xác lập chuyên án đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng, tổ chức hoạt động khai thác kinh doanh cát, sỏi gây hậu quả nghiêm trọng (sạt lở đê điều, gây thiệt hại tài sản, đất đai, hoa màu của nhân dân...), bảo kê hoạt động khai thác, tập kết cát, sỏi lòng sông trái phép. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, xử lý đối với hoạt động vận chuyển, tập kết và kinh doanh cát, sỏi không có nguồn gốc hợp pháp.

Các đơn vị thuộc Công an thành phố phối hợp với chính quyền các địa phương, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội kiểm tra, xác minh, xử lý, cưỡng chế giải tỏa đối với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh, tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng (cát, sỏi, than); xây dựng công trình, nhà ở, nhà xưởng, trạm trộn bê tông, xây dựng lò gạch... không phép, vi phạm hành lang đê điều. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành điều tra, lập hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các vụ việc vi phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm Luật Hình sự.

Cùng với đó, chủ động, phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, chính quyền các địa phương kiểm tra xử lý nghiêm các xe ô tô chở quá trọng tải, không đảm bảo vệ sinh môi trường, làm ảnh hưởng đến các tuyến đê, kè, công trình thủy lợi theo quy định của Luật Đê điều và Luật Giao thông đường bộ. Đồng thời, thông qua công tác tuần tra kiểm soát, chủ động phát hiện, kiến nghị cơ quan chức năng bổ sung cắm biển hạn chế trọng tải trên các tuyến đê.

Phối hợp với các ban, ngành chức năng chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp, nơi có hoạt động khai thác cát, kinh doanh khoáng sản thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tới các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn dọc các tuyến sông về các quy định của pháp luật về khoáng sản, đất đai, môi trường, đê điều, giao thông đường thủy nội địa,... góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật.

Hà Phong

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/quyet-tam-xu-ly-vi-pham-phap-luat-ve-de-dieu-110108.html